Trung ương đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước
Ban Chấp hành Trung ương đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh nhiệm kỳ 2021-2026, theo nguyện vọng cá nhân.
Quyết định được Ban Chấp hành Trung ương thống nhất tại hội nghị bất thường chiều 20/3, sau khi xem xét đơn xin thôi giữ các chức vụ của ông Võ Văn Thưởng. Đây là hội nghị bất thường lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương kể từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo Văn phòng T.Ư Đảng, chiều 20.3, T.Ư Đảng khóa XIII đã họp hội nghị bất thường xem xét và cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên T.Ư Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng – An ninh nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Theo đó, căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của ông Võ Văn Thưởng, T.Ư Đảng đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên T.Ư Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng – An ninh nhiệm kỳ 2021 – 2026. T.Ư Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các thủ tục theo quy định.
T.Ư Đảng cũng đánh giá, ông Võ Văn Thưởng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở, được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, vừa qua theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra T.Ư và các cơ quan chức năng, ông đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Những vi phạm, khuyết điểm của ông Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân đồng chí. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, ông Võ Văn Thưởng đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.
Hơn một năm trước, ngày 2/3/2023, ông Võ Văn Thưởng lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026, thay ông Nguyễn Xuân Phúc xin thôi nhiệm vụ.
Sau hội nghị Trung ương hôm nay, Quốc hội sẽ họp bất thường để quyết định vị trí Chủ tịch nước.
Đầu nhiệm kỳ khóa 13 (năm 2021), Bộ Chính trị có 18 ủy viên, đến nay còn 14 do bốn người xin thôi nhiệm vụ. Số Ủy viên Trung ương (cả dự khuyết) từ 200 hiện còn 179.
Ông Võ Văn Thưởng 54 tuổi, thạc sĩ Triết học, quê huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, là Chủ tịch nước trẻ tuổi nhất khi nhậm chức. Ông được bầu làm Ủy viên Trung ương dự khuyết khóa 10 lúc 36 tuổi; Ủy viên Trung ương ba khóa liên tiếp 11, 12, 13; đại biểu Quốc hội ba khóa 12, 14, 15; Ủy viên Bộ Chính trị hai khóa 12, 13.
Sự nghiệp của ông Thưởng bắt đầu từ các vị trí lãnh đạo trong Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản HCM. Tháng 8/2011, ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và ba năm sau làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM. Tháng 2/2016, ông được phân công giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, sau đó làm Thường trực Ban Bí thư từ tháng 2/2021 đến 3/2023.
Trong hơn một năm giữ cương vị Chủ tịch nước, ông Thưởng có hơn 10 chuyến công du và tiếp xúc với lãnh đạo, nguyên thủ các nước. Tháng 11/2023, khi dự Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 tại Mỹ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đề xuất đăng cai APEC 2027 tại Việt Nam. Điều này thể hiện mong muốn đóng góp của Việt Nam cho tiến trình phát triển của APEC.
Trong chuyến công du của ông và đoàn lãnh đạo cấp cao tới Nhật cuối tháng 11/2023, Việt Nam và Nhật bản đã tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
Tùng Lâm