Trung Quốc với phần còn lại của thế giới hậu đại dịch Covid-19

06/05/2020 07:47

Việc các nước, trong đó có Mỹ và một số quốc gia châu Âu liên tiếp hoài nghi rằng nguồn gốc Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc và thúc đẩy các cuộc điều tra khiến quan hệ giữa các nước này với Trung Quốc trở nên căng thẳng. Đáp lại, Bắc Kinh đưa ra luận điểm đây là cáo buộc mang động thái “chính trị hóa” một vấn đề khoa học.

ảnh 1
Các nhân viên y tế xét nghiệm Covid-19 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc 

Trung Quốc – Mỹ: Những tuyên bố chắc chắn? 

Trong cuộc phỏng vấn với đài Fox News (Mỹ) ngày 4-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng đại dịch Covid-19 lan rộng ra toàn thế giới là bắt nguồn từ “một sai lầm khủng khiếp” của Trung Quốc. “Tôi nghĩ Trung Quốc đã phạm sai lầm và cố gắng che đậy sai lầm đó giống như dập tắt một đám cháy, nhưng đám cháy đó lại không tắt” – Tổng thống Donald Trump phát biểu và cho biết chính quyền Mỹ đang soạn thảo một bản báo cáo về Covid-19 trong nội dung “kết luận rất chắn chắn”.

Chỉ vài giờ trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố “có rất nhiều bằng chứng” cho thấy virus SARS-CoV-2 được phát tán từ một phòng thí nghiệm sinh học ở Vũ Hán, Trung Quốc. “Rất nhiều bằng chứng cho thấy nó xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán” – Ngoại trưởng Mike Pompeo bình luận với Hãng tin ABC (Mỹ) và nhấn mạnh – “Tổng thống Donlad Trump đã nói rất rõ, chúng tôi sẽ buộc người có trách nhiệm phải trả giá”.

Cũng trong ngày 4-5, Hãng thông tấn AP (Mỹ) tiết lộ thông tin một báo cáo tình báo dài 4 trang của Bộ An ninh Nội địa Mỹ được đề ngày 1-5 mà AP tiếp cận được. Theo báo cáo này, tình báo Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã trì hoãn thông báo cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc coi Covid-19 là “bệnh truyền nhiễm” để nước này có thể đặt hàng vật tư y tế từ nước ngoài. Báo cáo này khẳng định kết luận trên được đưa ra dựa trên 95% khả năng sự thay đổi của Trung Quốc về hành vi nhập khẩu và xuất khẩu không diễn ra theo cách thông thường.

Tờ Saturday Telegraph của Australia ngày 3-5 công bố tài liệu 15 trang thu thập được từ liên minh tình báo “Ngũ Nhãn” (Five Eyes) gồm: Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và Canada, trong đó cáo buộc rằng Trung Quốc che đậy thông tin về SARS-CoV-2 bằng cách bác bỏ khả năng lây từ người sang người của virus, ngăn chặn các bác sĩ cảnh báo sớm, xóa bằng chứng trong phòng thí nghiệm và không chịu cung cấp mẫu sinh phẩm cho các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu vaccine. Họ cho rằng hành động này của Bắc Kinh gây nguy hiểm cho các nước khác và không khác gì đòn công kích vào sự minh bạch quốc tế.

Trung Quốc – châu Âu: Đã mất nhau? 

Về phía mình, Trung Quốc lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc về việc nước này có hành vi che đậy dịch bệnh và vô tình hay cố ý phát tán virus, đồng thời tuyên bố điều tra nguồn gốc virus là nhiệm vụ của các nhà khoa học chứ không phải của các chính trị gia. Bắc Kinh nói rằng việc Mỹ và một số nước đang làm là động thái “chính trị hóa” một vấn đề khoa học.

Báo Guardian (Anh) nhận định một phần động lực quan trọng có thể là vì một số chính quyền đang muốn đánh lạc hướng dư luận, khiến họ bớt chú ý tới những sai sót trong cách xử lý dịch bệnh trong nước. Luận điểm này thường được những người theo quan điểm phản đối Tổng thống Donald Trump ở Mỹ viện dẫn.

Tại châu Âu, nhiều quốc gia, trong khi phải vật lộn chiến đấu với Covid-19 đã phải gửi trả những lô hàng thiết bị y tế bị lỗi hoặc kém chất lượng mà Trung Quốc cung cấp cho họ để hỗ trợ chống dịch. Điều đó khiến quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc trở nên tồi tệ. “Trong những tháng này, Trung Quốc đã mất châu Âu” – Reinhard Buetikofer, cựu Chủ tịch phái đoàn của Nghị viện châu Âu phụ trách quan hệ với Trung Quốc nhận định.

Hiện tại, một số quốc gia châu Âu, trong đó có Thụy Điển, Anh đã tham gia cùng với Mỹ và Australia kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế đối với việc Trung Quốc xử lý Covid-19. Các nhà lãnh đạo Đức và Pháp cũng gây sức ép yêu cầu Bắc Kinh minh bạch hơn về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, dù châu Âu có chung những mối lo ngại với Mỹ về Trung Quốc nhưng “không thể mạnh tay”.

“Tôi nghĩ châu Âu ngần ngại khi phải tự đặt mình vào vị trí chọn Mỹ hay Trung Quốc. Họ muốn tiếp tục có một mối quan hệ về an ninh và kinh tế mạnh mẽ với Washington nhưng cũng muốn tiếp tục các hoạt động thương mại với Trung Quốc” – Giám đốc Chương trình châu Âu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế Erik Brattberg phân tích.

PV/ANTĐ

Đọc nhiều