Trung Quốc tìm liên minh mới trước sức ép của Mỹ
Cuối năm 2019 cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã được đẩy lên đỉnh điểm, thế thượng phong thuộc về Mỹ. Ngay sau đó cuộc khủng hoảng dịch bệnh từ Vũ Hán khiến kinh tế thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng và suy thoái. Chính phủ của tổng thống Trump đã có những cáo buộc về lỗi của Trung Quốc khi làm phát tán dịch bệnh. Tình hình càng thêm căng thẳng khi Mỹ gỡ bỏ một số ưu đãi thương mại đối với Hong Kong, đây như đòn mạnh đánh thẳng vào nền tài chính của Trung Quốc đại lục. Bởi phần lớn các giao dịch tài chính của Trung Quốc đều thông qua Hong Kong, nơi được hưởng chính sách “một quốc gia hai chế độ”.
Bối cảnh khiến Trung Quốc tìm đến EU
Trước tình hình căng thẳng đó dường như Trung Quốc đang thay đổi chính sách ngoại giao, tìm thêm liên minh mới làm chỗ dựa lúc khó khăn. Trong tuần vừa qua liên tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm thứ 4 và thứ 5 trong năm lần lượt với Thủ tướng Đức – Angela Merkel và Tổng thống Emmanuel Macron. Trong khi đó ông Tập mới chỉ điện đàm trao đổi với Tổng thống Donald Trump 2 lần trong năm nay.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản năm ngoái, Tập Cận Bình và Trump đã có cuộc thảo luận nhất trí khởi động các đàm phán thương mại. Nhưng sau đó kết quả không như mong muốn, hai bên lần lượt áp thuế lên các mặt hàng của nhau như những đòn tấn công thương mại lên nền kinh tế.
Song song đó Trung Quốc thúc đẩy mối quan hệ chiến lược với EU. Nhưng luôn có các vấn đề bất đồng xen ngang trì hoãn như vấn đề về Hong Kong. Bối cảnh hiện tại buộc Trung Quốc phải tìm cách để liên minh với một số nước trong EU.
Thật may cho Trung Quốc khi Trump thông qua kế hoạch rút 9.500 binh sĩ Mỹ khỏi Đức và có dự định áp thuế đối với một số mặt hàng nông nghiệp của cả Trung Quốc và châu Âu. Động thái này như đẩy Đức và một số nước châu Âu sát lại gần với Trung Quốc hơn. Trung Quốc tham vọng bá chủ toàn cầu thay thế vị trí cường quốc số 1 của Mỹ nhưng không thể sử dụng vũ lực, sức mạnh quân sự. Sự phát triển của Trung Quốc quá nhanh khiến Mỹ phải ngay lập tức điều chỉnh.
Hiện nay cả EU và Mỹ đều không ưa “chơi” với Trung Quốc nhưng vì sự thẳng tay của Trump đối với EU nên các nước EU vẫn miễn cưỡng bắt tay với Trung Quốc. Trong vấn đề Hong Kong, chính quyền Mỹ đã nêu quan điểm rõ ràng qua hành động rút các đặc quyền thương mại đối với mảnh đất tự trị này sau khi Trung Quốc áp đặt luật An ninh mới. Trong khi đó các nước phương Tây vẫn chưa có động thái gì đặc biệt vì các sự tương đồng mà họ có chung với Trung Quốc khi đối đầu với Mỹ.
Duy nhất có một nước phương Tây lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề Hong Kong, đó là Anh. Thủ tướng Anh tuyên bố sẵn sàng đón 3 triệu công dân tị nạn từ Hong Kong khi Bắc Kinh áp luật An ninh mới. Thật đáng tiếc khi Anh không còn là thành viên của EU, nên sự ràng buộc và ảnh hưởng hầu như không có trong các quyết định.
Việt Nam ở đâu trong bối cảnh này ?
Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán đường lối đa phương đa dạng hóa các mối quan hệ nhằm đảm bảo an ninh quốc gia chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như sự thống nhất và ổn định của cả hệ thống chính trị. Trong tình hình thế giới đa cực với các diễn biến phức tạp, nhanh khó lường Việt Nam luôn chú ý nắm bắt các cơ hội cũng như phòng ngừa các nguy cơ có thể xâm hại đến độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.
Dù chiến tranh kinh tế diễn ra giữa các nước lớn nhưng Việt Nam vẫn kiên trì đi trên con đường phát triển của mình, nắm bắt thời cơ đón sự chuyển dịch đầu tư, sản xuất của các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia từ Trung Quốc sang. Song song đó vẫn tiến hành hoàn thiện các thủ tục đối với Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Ngoài ra, Việt Nam còn tăng cường hợp tác kinh tế với Mỹ cũng như mua bán vũ khí quân sự nhằm nâng cao tiềm lực an ninh quốc phòng.
Trong mối quan hệ đa chiều tương quan nhiều phía không có cái bắt tay nào là mãi mãi, không có mối quan hệ ngoại giao nào là trường tồn, chỉ có lợi ích quốc gia toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền đất nước là mãi mãi.
Việt Nam có quay lưng với Trung Quốc được không ?
Trong mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc chưa bao giờ là dễ dàng, họ vừa là đối tượng vừa là đối tác của ta. Việt Nam với Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng như: văn hóa á đông, thể chế chính trị, biên giới, kinh tế … Chính vì vậy nói ta bỏ họ hay họ bỏ ta là rất khó. Về kinh tế vẫn duy trì và trao đổi thương mại, về quan hệ biên giới hải đảo luôn cảnh giác thận trong quan sát để có cách thức phát ngôn và đáp trả lại tương xứng và có lợi nhất.
Chúng ta không thể quay lưng với nước bạn láng giềng và nước bạn cũng không thể quay lưng với ta. Nếu họ quay lưng với ta coi như mất đi người đồng chí cách mạng vô sản thế giới tin cậy. Ta cũng không thể cắt đứt các mối quan hệ với Trung Quốc vì nền kinh tế của ta giao thương với Trung Quốc nhiều, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trước mắt, trong tình hình hiện tại Trung Quốc bắt buộc phải tìm một liên minh đủ mạnh để chống lại sự cứng rắn của Mỹ. Ứng viên không ai khác ngoài EU, vì ở đó họ có những điểm chung trong quan hệ lợi ích đối trọng Mỹ. Trong năm nay hứa hẹn nhiều sự kiện chính trị nổi bật hơn nữa vì thế giới đâu chỉ có Mỹ, Trung, EU. Chúng ta còn chờ xem những bước đi khác của các nước lớn khác như: Nga, Nhật, Ấn độ … và cả một nước Triều Tiên khó đoán định.
Han Cao
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả