Trung Quốc thất bại trong việc chống lại “ông trời” trong ngày kỷ niệm 70 năm Quốc khánh
Các nhà chức trách Trung Quốc đã áp dụng một loạt biện pháp từ thô sơ cho tới công nghệ cao nhằm mang lại một bầu trời trong xanh cho ngày kỷ niệm quốc khánh 70 năm, nhưng các hình ảnh về buổi diễu hành cho thấy dường như các nỗ lực này vẫn là chưa đủ.
Để chuẩn bị cho buổi diễu hành kỷ niệm 70 quốc khánh, diễn ra êm đẹp vào ngày 1/10 hôm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành rất nhiều biện pháp nhằm kiểm soát mọi thứ trong tầm tay. Với sức mạnh hiện tại, chính quyền nước này có thể kiểm soát những gì mọi người đọc và nói trên mạng Internet. Họ cũng có thể chỉ định nơi mà mọi người có thể ăn ngủ và sinh hoạt. Thậm chí chính quyền có thể quyết định xem dân chúng có được thả diều hay hát karaoke trong dịp này hay không.
Và chính quyền Bắc Kinh cũng muốn kiểm soát cả thời tiết trong buổi diễu hành. Trong những tuần trước khi sự kiện kỷ niệm diễn ra, các nhà chức trách đã làm mọi biện pháp để đảm bảo rằng bầu trời thường u ám bởi sương mù của thủ đô Bắc Kinh sẽ biến thành màu xanh trong vắt cho cuộc diễu hành quân sự khổng lồ qua Quảng trường Thiên An Môn. Để biến bầu trời thành sâu khấu cho những chiếc máy bay chiến đấu vẽ nên những vệt khói nhiều màu đẹp mắt.
Cụ thể, xe tải đã bị cấm ở Bắc Kinh kể từ ngày 20/8. Tất cả các công trình xây dựng ở trung tâm thành phố đã buộc phải dừng lại trước ngày 1/9. Các công ty công nghiệp trong phạm vi 500 km quanh Bắc Kinh đã được yêu cầu “tự nguyện” kiểm soát khí thải hoặc ngừng sản xuất. Các hoạt động khai thác, đặc biệt là khoan và nổ mìn, đã bị đình chỉ cho đến ngày 7/10. Và không một ai ở Bắc Kinh được phép đốt pháo hoa.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa thậm chí đã có chuyến thăm Cơ quan Khí tượng Trung Quốc và kêu gọi mọi sự hỗ trợ về khí tượng học để đảm bảo sự thành công cho các hoạt động xung quanh lễ kỷ niệm. Theo ông Hồ, các nhà khí tượng học nên cung cấp “dịch vụ nhắm mục tiêu” cho lễ kỷ niệm và có “kế hoạch ứng phó” để đối phó với thời tiết bất lợi.
Trên thực tế, việc áp dụng các biện pháp cả cơ giới lẫn khoa học công nghệ nhằm kiểm soát thời tiết khí hậu đã có tiền lệ ở Trung Quốc.
Trong những thập kỷ gần đây, chất lượng không khí của thủ đô Bắc Kinh đã suy giảm nhanh chóng. Tuy nhiên trước các sự kiện lớn, chính quyền nước này luôn cố gắng loại bỏ các nguồn ô nhiễm và tạo ra môi trường không khí sạch, như yêu cầu các nhà máy xung quanh Bắc Kinh phải dừng hoạt động, hay cấm xe tải và xe vận chuyển nặng trên đường.
Thậm chí, việc này có cả một thuật ngữ riêng gọi là “APEC blue”, mô tả một ngày mà bầu trời đặc biệt trong xanh, tươi sáng. Khởi nguồn của nó liên quan tới Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (Apec) mà Bắc Kinh tổ chức năm 2014. Khi đó, chính quyền nước này đã nỗ lực để tạo ra bầu trời xanh cho sự kiện, mà ngay trước đó là nhiều tháng ô nhiễm nặng nề.
Nhưng ý chí của con người dường như khó có thể thay đổi được “mệnh trời”. Một cơn áp thấp xuất hiện đầu tuần trước đã đẩy khí thải công nghiệp và xe cộ từ các tỉnh ở xung quanh vào thủ đô Bắc Kinh. Kết hợp với độ ẩm vốn có, mức độ ô nhiễm đã chuyển từ trung bình đến mức nghiêm trọng.
Hôm thứ 5 tuần trước, chính quyền đã đưa ra cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí nặng, khiến các trường học ở thủ đô phải hủy bỏ các hoạt động ngoài trời và buộc phải giữ trẻ em trong nhà. Hôm thứ 6, mười một đường cao tốc trong và xung quanh Bắc Kinh đã bị đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần vì tầm nhìn thấp. Cùng với đó, nhiều chuyến bay từ sân bay quốc tế Bắc Kinh đã bị hủy hoặc bị trì hoãn.
Trung tâm giám sát bảo vệ môi trường của thành phố đã dự báo rằng chất lượng không khí ở trung tâm Bắc Kinh trong tuần diễn ra lễ kỷ niệm sẽ ở mức độ “không lành mạnh”. Điều này giống như một cú đánh đặc biệt gay gắt vào những nỗ lực gần đây để kiềm chế ô nhiễm không khí của chính quyền nước này.
Công ty IQAir của Thụy Sĩ cho biết trong tháng 10 này, thủ đô Trung Quốc có thể thoát khỏi danh sách 200 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, với nồng độ các hạt bụi mịn ở mức thấp nhất kể từ năm 2008. Thị trưởng Bắc Kinh, Trần Cát Ninh, phát biểu trong tháng 9 rằng mật độ PM 2.5 của thành phố đã giảm 43% kể từ năm 2013. Điều này phần lớn là do lượng than tiêu thụ giảm vào khoảng 1/5 so với mức cao nhất. Nhưng các tin tức lạc quan này không đủ để đảm bảo cho một ngày diễu hành kỷ niệm thành công.
Để cố gắng đảm bảo cho bầu trời trở nên “đẹp nguyên sơ” vào sáng nay, Bộ môi trường Trung Quốc đã kêu gọi tất cả các thành phố tự trị chuyển sang chế độ ứng phó khẩn cấp. Một số kế hoạch được đưa ra như dùng máy bay phun muối hoặc hóa chất vào các đám mây để khuyến khích chúng ngưng tụ và gây mưa, nhằm giảm lượng bụi trong không khí.
Trong quá khứ, Trung Quốc đã chi 30 triệu USD để bắn muối và khoáng chất lên bầu trời trước Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Từ năm 2012 đến 2017, chi phí cho việc này là 1,2 tỷ USD, nhằm làm sạch bầu trời cho các sự kiện quan trọng như Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu và Diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh.
Năm 2015, cơ quan kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đã công bố kế hoạch xây dựng nhiều phòng thí nghiệm điều chỉnh thời tiết quanh Bắc Kinh. Đến năm 2020, họ muốn các hệ thống này có khả năng tăng lượng mưa nhân tạo và tuyết rơi, giúp kiểm soát thời tiết tốt hơn. Nhưng tới nay các tiến trình của nó vẫn chưa được cập nhật.
Thủ đô của các quốc gia như Bangkok của Thái Lan và Kuala Lumpur của Malaysia cũng sử dụng biện pháp này. Mỹ và Australia cũng dùng cách này để giải quyết tình trạng hạn hán ở một số khu vực. Nhưng, sẽ rất khó với Trung Quốc, bởi mùa thu ở Bắc Kinh rất khô và thường không có đủ mây để gây mưa, theo Huang Binxiang, một nhà nghiên cứu ô nhiễm không khí tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc.
“Tôi cũng đã nghe thấy một số đề xuất điên rồ về việc sử dụng những chiếc quạt khổng lồ để thổi bay khói bụi”, ông Huang nói. “Tôi không nói điều đó là không thể, nhưng theo tôi nó sẽ không đạt được hiệu như mong muốn”.
Và cuối cùng, những bức ảnh chụp buổi diễu hành sáng nay tại thủ đô Bắc Kinh, mừng lễ kỷ niệm 70 năm quốc khánh đã cho thấy bầu trời không thể trong xanh, tươi sáng như các nhà chức trách nước này mong đợi. Bầu không khí vẫn bị nhuốm một màu u ám, đại biểu cho tình trạng ô nhiễm chưa thể được khắc phục dù đã áp dụng nhiều biện pháp phòng hộ.
Có lẽ một ngày nào đó trong tương lai, Trung Quốc sẽ tìm ra được công nghệ có thể giúp kiểm soát thời tiết theo ý muốn.
Ngọc Hoàng