Trung Quốc nổi giận, nói thành ‘nạn nhân’ ở Myanmar
Các nhà máy và công dân Trung Quốc là nạn nhân mới nhất của tình trạng bất ổn hậu đảo chính tại Myanmar. Bắc Kinh nổi giận, đòi phải can thiệp mạnh.
Theo Hãng tin Reuters, tổ chức Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị Myanmar (AAPP) thống kê lực lượng an ninh Myanmar đã giết chết ít nhất 22 người biểu tình ở quận Hlaingthaya – nằm ở phía tây thành phố Yangon, sau khi vài nhà máy do Trung Quốc đầu tư bị đốt phá cuối tuần trước.
Cộng thêm 16 người biểu tình bị giết ở những nơi khác, chủ nhật 14-3 trở thành ngày đẫm máu nhất ở Myanmar kể từ khi quân đội đảo chính lật đổ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi.
Bắc Kinh nổi giận
Ngày 15-3, Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar mô tả tình hình là “rất nghiêm trọng” sau các vụ tấn công nhắm vào nhà máy của họ nhưng không đề cập gì về những người biểu tình bị lực lượng an ninh giết chết trong cùng ngày.
Đại diện ngoại giao Trung Quốc nói nhiều nhân viên người Trung Quốc bị thương và mắc kẹt trong các vụ đốt phá nhà máy may mặc ở Hlaingthaya và Myanmar cần có trách nhiệm bảo vệ tài sản, công dân Trung Quốc.
“Trung Quốc kêu gọi Myanmar áp dụng các biện pháp hiệu quả chặn đứng mọi hành động bạo lực, trừng phạt những kẻ thủ ác theo luật pháp và đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của công dân và pháp nhân Trung Quốc ở Myanmar” – Đại sứ quán Trung Quốc nhấn mạnh.
Tuy chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 15-3 đăng bài xã luận tố các vụ tấn công “dường như được tổ chức và lên kế hoạch tốt”.
Tờ báo dẫn chứng cách đây 2 ngày, một tài khoản Twitter đã đăng lời cảnh báo gửi tới quân đội Myanmar: “Nếu một dân thường bị giết, một nhà máy Trung Quốc sẽ thành tro”. Tài khoản có dấu tích xanh tên “Kyaw Win” – người sáng lập Mạng lưới nhân quyền Myanmar (BHRN).
“Tài khoản này đã công khai xem các nhà máy Trung Quốc là con tin của tình hình Myanmar. Đây là tội nghiêm trọng. Chủ tài khoản nên bị bắt chịu trách nhiệm và đối diện với biện pháp trừng phạt pháp lý” – Thời báo Hoàn Cầu viết.
Tâm lý bài Hoa dâng cao
Theo Reuters, trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar ngày 15-3 bị “giội bom” với nhiều bình luận tiêu cực bằng ngôn ngữ Miến Điện. Kể từ vụ đảo chính đến nay, tâm lý chống Trung Quốc ở Myanmar dâng cao một phần cũng vì Bắc Kinh im lặng hơn so với phương Tây khi đề cập tình hình bạo lực.
Một lãnh đạo biểu tình Myanmar tên Ei Thinzar Maung đăng trên Facebook nội dung: “Mới có 2 nhà máy bị đốt thôi. Nếu anh muốn làm ăn ổn định ở Myanmar thì hãy tôn trọng người dân Myanmar”.
Kênh truyền hình Myawadday của quân đội Myanmar đưa tin 4 nhà máy may mặc và 1 nhà máy phân bón của Trung Quốc đã bị đốt ngày 14-3. Trong lúc xe cứu hỏa chạy đến hiện trường, khoảng 2.000 người biểu tình đã lao ra đường chặn lại, buộc lực lượng an ninh phải ra tay.
Trước tình hình này, bà Christine Schraner Burgener – đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Myanmar – lên án cái gọi là “sự man rợ đang diễn ra”. Bà cho biết bản thân đã nghe những người quen từ Myanmar kể về “những vụ giết chóc, đối xử thô bạo người biểu tình và tra tấn tù nhân” trong cuối tuần rồi.
Anh – “mẫu quốc” của Myanmar thời kỳ thuộc địa – thì ra tuyên bố thể hiện “sự kinh hoàng” trước nạn dùng vũ lực chết chóc của lực lượng an ninh Myanmar chống lại người dân ở Hlaingthaya và nhiều nơi khác, đồng thời kêu gọi chính quyền quân sự trao lại quyền lực cho người dân.
Mất mát mới nhất nâng tổng thiệt hại về người ở Myanmar lên con số 126 tính từ khi phong trào biểu tình phản đối đảo chính nổ ra, theo AAPP. Cuối tuần trước, hơn 2.150 người đã bị bắt, chỉ mới hơn 300 người được thả.
Hãng tin Reuters ngày 15-3 cho biết đại diện Đài Loan ở Myanmar đã khuyên các công ty Đài Loan đang hoạt động ở Myanmar treo “cờ của hòn đảo này” để tránh bị nhầm lẫn, sau khi một số công ty có vốn đầu tư Trung Quốc bị đốt phá hôm 14-3.
Cơ quan ngoại giao của Đài Loan cho biết chỉ một công ty Đài Loan bị ảnh hưởng trong vụ bạo lực hôm 14-3, khoảng 10 người Đài Loan bị kẹt lại bên trong nhưng họ vẫn an toàn.
Văn phòng này đề nghị các doanh nhân Đài Loan treo những tấm biển bằng tiếng địa phương với nội dung “công ty Đài Loan” tại các nhà máy, đồng thời giải thích với các lao động địa phương và láng giềng rằng họ là công ty Đài Loan “để tránh bị người ngoài cuộc nhầm lẫn và đánh giá sai”.
Phúc Long