Trung Quốc ngang ngược nói Việt Nam vi phạm Công ước Luật Biển
Trung Quốc ngày 14/4 ngang nhiên tái khẳng định yêu sách bất hợp pháp với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, tố ngược Việt Nam vi phạm Công ước Luật Biển.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này trắng trợn nói rằng “Tây Sa và Nam Sa” nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, và tuyên bố của Việt Nam với hai quần đảo là bất hợp pháp.
Cái gọi là Tây Sa và Nam Sa thực chất là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc không có bất cứ bằng chứng thuyết phục nào cho các tuyên bố của mình tại hai quần đảo này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đi xa hơn khi tố ngược Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, trong khi chính Trung Quốc mới là nước vi phạm.
Hôm 30/3, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) đã gửi công hàm bày tỏ lập trường trước Công hàm ngày 12/12/2019 phản hồi đệ trình ngày 12/12/2019 của Malaysia và Công hàm ngày 23/3/2020 gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng của Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
“Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các Công hàm trên. Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông”.
Việt Nam khẳng định Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Ngày 3/4, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, không để tái diễn những hành động tương tự. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh:
“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”.
Thông tin thêm Chuyên gia quốc tế: Trung Quốc lợi dụng COVID-19, tiếp tục mưu đồ trên Biển Đông Việt Nam gửi công hàm lên LHQ, bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Phương Anh/ VTC