Trung Quốc ngang ngược đặt tên đảo, lập quận Tây Sa, Nam Sa trên Biển Đông

21/04/2020 09:49

Ngày 19-4, Bộ Dân chính Trung Quốc thể hiện sự ngang ngược khi tự tiện công bố cái gọi là ‘danh xưng tiêu chuẩn’ của hàng chục đảo, bãi cạn trên Biển Đông, bao gồm những thực thể nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Trung Quốc ngang ngược đặt tên đảo, lập quận Tây Sa, Nam Sa trên Biển Đông - Ảnh 1.
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng và cải tạo thành đảo nhân tạo phi pháp – Ảnh: CSIS/AMTI

Động thái trên diễn ra liền sau khi Trung Quốc ngang nhiên công bố thành lập cái gọi là “quận đảo” Tây Sa và Nam Sa để “quản lý” quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Thông qua những hành động quấy nhiễu Biển Đông liên tục gần đây, trên cả thực địa lẫn giấy tờ hành chính, rõ ràng Trung Quốc đang đẩy mạnh hợp pháp hóa yêu sách đường chín đoạn (đường lưỡi bò) phi pháp.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có 5 nước thường trực thì hết 4 nước (Anh, Pháp, Mỹ, Nga) đang bận đối phó với đại dịch trong nước. Trung Quốc – thành viên còn lại – đang tận dụng sự phân tâm của các nước và các cơ quan của Liên Hiệp Quốc đang tập trung chống đại dịch để thúc đẩy yêu sách ở Biển Đông.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung

Ngang nhiên đặt tên cho hàng chục đảo, thực thể trên Biển Đông

Hoàn Cầu thời báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết các “danh xưng tiêu chuẩn” được công bố ngày 19-4 sẽ áp dụng cho “25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông”.

Ngoài việc tự tiện đặt tên cho các thực thể này, Trung Quốc cũng công bố kinh độ và vĩ độ của các đảo, bãi đá và thực thể. Nhiều đảo đá và thực thể này xuất hiện ở phần phía tây Biển Đông và nằm dọc theo “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ ra.

Điều này vô tình giúp giới chuyên gia xác định được vị trí chính xác các đảo, đá và thực thể mà Trung Quốc ngang ngược cho rằng thuộc quyền tài phán của họ.

Đáng chú ý, trong những thực thể này có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý.

Một ngày trước đó (18-4), Mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) loan tin Chính phủ Trung Quốc đã thông qua quyết định thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” thuộc “thành phố Tam Sa”.

Đây là “đơn vị hành chính” mà Trung Quốc đã ngang nhiên thành lập vào năm 2012 để quản lý “Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa”.

Trung Quốc ngang ngược đặt tên đảo, lập quận Tây Sa, Nam Sa trên Biển Đông - Ảnh 3.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo phi pháp – Ảnh: AFP

Vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam

Tối 19-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng trước việc Trung Quốc thông báo thành lập “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

“Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới” – bà Hằng nêu rõ.

“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai” – bà Hằng khẳng định.

Theo TS Nguyễn Thành Trung – giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, những động thái mới nhất của Trung Quốc không thay đổi hiện trạng trên Biển Đông nhưng là một phần trong nhiều bước đi nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền và hợp thức hóa việc chiếm giữ các đảo, thực thể trên Biển Đông, đồng thời áp dụng chiến thuật giữ xung đột ở cường độ thấp.

“Thông điệp mà Bắc Kinh muốn nhắn tới toàn thế giới đó là Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ những gì mà họ đã chiếm đóng trên Biển Đông.

Tất cả những gì Bắc Kinh sẽ làm sắp tới đều nhằm hợp pháp hóa việc chiếm giữ đó. Do đó đừng nên đặt quá nhiều niềm tin vào những gì Trung Quốc hứa, bao gồm cả Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)” – TS Trung nói.

Trung Quốc ngang ngược đặt tên đảo, lập quận Tây Sa, Nam Sa trên Biển Đông - Ảnh 4.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 10-4 phát hiện máy bay săn ngầm KQ-200 của Trung Quốc tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép – Ảnh: ImageSat International

Ngụy biện lịch sử

Bất chấp các phản ứng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục phổ biến các yêu sách chủ quyền vô căn cứ và lập luận như thể mình là nạn nhân của tình trạng không tuân thủ luật quốc tế.

Hôm 17-4, trong công hàm gửi lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã ngang ngược cáo buộc Việt Nam “đưa quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp các đảo, đá thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc hòng tạo ra tranh chấp”.

Công hàm do phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đệ trình còn nhấn mạnh Bắc Kinh đã liên tục “phản đối sự xâm lược và chiếm đóng trái phép của Việt Nam” trước khi lớn tiếng “yêu cầu Việt Nam rút tất cả người và phương tiện, thiết bị ra khỏi các đảo, đá đã xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp”.

Trên thực tế Trung Quốc luôn nói một đằng, làm một nẻo. Trong văn bản ngày 17-4, Bắc Kinh đã không ngượng miệng và đổi trắng thay đen lịch sử như vẫn thường làm.

Thực tế là: Trung Quốc là nước duy nhất sử dụng vũ lực để kiểm soát và chiếm đóng trái phép các đảo, đá trên Biển Đông. Trong số đó phải kể đến trận chiến ngày 14-3-1988, Trung Quốc đã xua tàu chiến chiếm đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Thực tế là Trung Quốc đã tàn sát 64 chiến sĩ Việt Nam để chiếm bãi Gạc Ma và coi thường luật pháp quốc tế, các nguyên tắc được đề ra trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc mà Bắc Kinh là một bên phê chuẩn.

Năm 2014, Trung Quốc ngang nhiên cải tạo Gạc Ma thành đảo nhân tạo và biến nó thành một tiền đồn quân sự phục vụ cho các yêu sách chủ quyền vô lý của mình trên Biển Đông.

Trung Quốc ngang ngược đặt tên đảo, lập quận Tây Sa, Nam Sa trên Biển Đông - Ảnh 5.

Tiến sĩ Trần Công Trục (nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ): Cuộc chiến về bản đồ

congtruc 2(read-only)

Việc Trung Quốc đặt tên cho các đảo, đá và thực thể trên Biển Đông tiếp theo sau việc thành lập cái gọi là “quận đảo” Tây Sa và Nam Sa là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh chuẩn bị tiến hành các bước đi liên quan tới quản lý hành chính các vùng biển mà họ yêu sách chủ quyền.

Trung Quốc đã luôn cho thấy họ có ý đồ đối với việc đặt tên các thực thể trên Biển Đông, điều mà giới học giả mô tả là một cuộc chiến trên bản đồ. Cần phải nhấn mạnh rằng việc đặt tên gọi là gì không mang ý nghĩa gì về chủ quyền.

Nhưng Trung Quốc đã luôn lập luận rằng họ có quyền đặt tên, xác lập đơn vị hành chính trên Biển Đông bởi đây là vùng biển thuộc chủ quyền của họ – điều cộng đồng quốc tế chưa bao giờ thừa nhận.

Vậy nên nếu thiếu cẩn trọng mà sử dụng các tên do Trung Quốc đặt, sẽ có một ngày nào đó điều này được Trung Quốc sử dụng để lập luận rằng yêu sách của họ đã được công nhận. Đây rõ ràng là một cái bẫy pháp lý.

Những tên gọi này có thể sẽ sớm xuất hiện trên những bản đồ do Trung Quốc xuất bản. Tôi cho rằng chúng ta cần chính thức lên tiếng phản đối các động thái của Trung Quốc, từ việc thành lập các “đơn vị hành chính” đến cả việc đặt tên lần này.

Việt Nam cũng nên xem xét công bố những tên gọi của riêng mình cho các đảo, đá và cấu trúc địa lý trên Biển Đông.

ThS PHẠM NGỌC MINH TRANG (giảng viên khoa quan hệ quốc tế, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM): Cần tập hợp tiếng nói trong ASEAN

ngocminhtrang 2(read-only)

Ý đồ của Trung Quốc từ trước đến nay vẫn vậy. Trung Quốc lúc đầu ngoài mặt liên tục dùng bản đồ có “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò) trong các công hàm, rồi sau đó lại không nhắc đến nữa nhưng thực chất những hành động hiện nay đều nhằm củng cố yêu sách phi pháp đối với các vùng nước và thực thể nằm trong đường 9 đoạn đó. Họ chỉ dùng các hình thức lập luận khác nhau cho các yêu sách này.

Việc Bắc Kinh đặt tên cho các đảo đá và thực thể được xem là các “hành vi pháp lý” để củng cố yêu sách phi pháp đối với các vùng nước và thực thể nằm trong đường 9 đoạn phi pháp của nước này.

Vì đối với các yêu sách về chủ quyền, bắt buộc các quốc gia ngoài việc tuyên bố có chủ quyền tại một vùng đất hay một vùng biển hoặc thực thể nào đó, họ phải có hành động pháp lý khác để thể hiện sự “quản lý hiệu quả” đối với nơi ấy.

Trong đó có các hành động lập các cơ quan hành chính để quản lý, đặt ra luật pháp ở những vùng này và thực hiện các biện pháp chế tài, điển hình nhất là Trung Quốc dùng tàu hải cảnh để xua đuổi ngư dân nước khác.

Họ củng cố các yêu sách của mình từng bước một, với ý đồ mang lại lợi ích cho họ về mặt pháp lý.

Trung Quốc còn ngang nhiên xem thường Luật biển quốc tế. Điều này thể hiện sự hai mặt của quốc gia này.

Trong công hàm nước này gửi lên Liên Hiệp Quốc để chỉ trích Việt Nam, Malaysia và Philippines, Trung Quốc lúc nào cũng tuyên bố các nước khác vi phạm Công ước Luật biển, nhưng thực chất Trung Quốc mới là nước trắng trợn vi phạm Công ước Luật biển. Trung Quốc đã không công nhận phán quyết của tòa án quốc tế được thành lập bởi chính Công ước Luật biển, không tuân thủ các điều khoản trong Công ước Luật biển, chẳng hạn tự vẽ hệ thống đường cơ sở thẳng xung quanh các thực thể xa nhất tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, phá hủy hệ sinh thái và môi trường biển tại khu vực Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo.

Những hành vi mới nhất của Trung Quốc là những hành vi cố tình gây hấn, hăm dọa các quốc gia khác, đặc biệt Việt Nam, quốc gia có chủ quyền đối với những thực thể ở Biển Đông bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và đặt tên.

Những hành động mới nhất của Trung Quốc có thể sẽ chọc giận các nước trong khu vực để “kích động” các nước phản kháng thái quá.

Nhưng việc phản ứng như vậy sẽ không hay. Tốt nhất vẫn nên bình tĩnh, thận trọng, sử dụng các biện pháp ngoại giao như trao công hàm hoặc phản đối trực tiếp, hay đưa sự việc ra các diễn đàn quốc tế, quan trọng nhất là Liên Hiệp Quốc.

Trung Quốc không những có các hành vi gây phản ứng từ Việt Nam mà còn các nước khác trong khối ASEAN, nên đây là lúc các quốc gia này đã có một “điểm chung” để hợp tác đối phó.

Là chủ tịch ASEAN, Việt Nam hiện ở thế chủ động để tập hợp tiếng nói chung lên án Trung Quốc có các hành vi đe dọa an ninh, hòa bình tại Biển Đông, khu vực biển chung của ASEAN. Đặc biệt, Việt Nam hiện còn là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

TS Nguyễn Thành Trung (giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM): Chứng minh chính nghĩa với thế giới

nguyenthanhtrung 2(read-only)

Uy tín của Việt Nam đang lên cao trên thế giới sau các hành động viện trợ vật tư y tế cho các quốc gia chống dịch COVID-19.

Việt Nam cần tận dụng điều này để thúc đẩy truyền thông ra thế giới, chứng minh chủ quyền hợp pháp đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trung Quốc đệ trình văn bản gì liên quan Biển Đông lên Liên Hiệp Quốc thì Việt Nam cũng đệ trình phản bác lại.

Trung Quốc tự tiện đặt tên cho các thực thể trên Biển Đông thì Việt Nam cũng phải nói cho thế giới biết quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa gồm những đảo gì, thực thể nào.

Việt Nam cũng nên thể hiện rõ quan điểm về phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.

Bởi phán quyết đó đã bác bỏ cái gọi là chủ quyền lịch sử của Trung Quốc, đồng thời xác định các đảo mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền ở Biển Đông không được gọi là đảo và không thể hưởng vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý xung quanh chúng.

DUY LINH/TT

Đọc nhiều