Trung Quốc muốn thống nhất với Đài Loan bằng hòa bình hay vũ lực, đâu là lằn ranh đỏ?
Theo bà Bonnie Glaser, giám đốc Chương trình Châu Á tại Quỹ Marshall nếu Đài Loan và Mỹ bước qua lằn ranh đỏ có thể châm ngòi cho một cuộc leo thang quân sự từ Bắc Kinh.
Vào tuần trước, người đứng đầu cơ quan Quốc phòng Đài Loan, cựu tướng Chiu Kuo-cheng, đã đứng trước cơ quan lập pháp Đài Loan và đưa ra dự đoán thảm khốc – vào năm 2025, Trung Quốc sẽ có thể tiến hành một cuộc tấn công “toàn diện” vào Đài Loan.
Tuyên bố gây sốc trên được đưa ra sau khi Trung Quốc điều số lượng máy bay chiến đấu đông nhất của họ đến vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. Nhưng bất chấp những lời đao to búa lớn và một số vụ khiêu khích, các nhà phân tích đồng ý rằng Trung Quốc khó có thể sớm tấn công Đài Loan. Thậm chí, có chuyên gia cho rằng cơ hội tấn công trong 12 tháng tới là “gần bằng không”.
Bắc Kinh vốn luôn gây áp lực đe dọa vũ lực với Đài Loan kể từ khi chính quyền Quốc dân đảng bại trận và chạy trốn ra đảo vào cuối cuộc nội chiến Quốc – Cộng năm 1949.
Ví dụ, vào đầu những năm 2000, các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh có thể tiến chiếm Đài Loan trong vòng một thập kỷ sau đó. Nhưng điều đó không xảy ra rồi vào năm 2013, cơ quan Quốc phòng Đài Loan nhắm Trung Quốc sẽ có khả năng tấn công vào năm 2020 – nhưng điều đó cũng không xảy ra nốt.
Bất chấp các cuộc diễn tập trên không gần đây của Bắc Kinh, cuộc sống ở Đài Bắc vẫn diễn ra bình thường. Công chúng phần lớn không quan tâm đến mối đe dọa vũ lực và các báo cũng chẳng buồn cập nhật lên trang nhất những thông tin mùi súng ống.
Nhưng điều đó không có nghĩa là hết lý do để cảnh giác. Bắc Kinh đang gây áp lực quân sự, kinh tế và ngoại giao lên Đài Loan để đạt được mục tiêu lâu dài là “Một Trung Quốc” triệt để.
Và các chuyên gia lo ngại rằng nếu Trung Quốc tin rằng họ không có hy vọng về một sự “thống nhất” hòa bình thì họ có thể chuyển sang các biện pháp quyết liệt hơn để thực hiện tham vọng của mình.
‘Lằn ranh đỏ’ của Trung Quốc
Trong 5 ngày đầu tháng 10, hơn 150 máy bay của Lực lượng Không quân Trung Quốc (PALA) đã tiến vào Vùng Nhận dạng Phòng không của Đài Loan.
Các cuộc diễn tập bắt đầu vào Ngày Quốc khánh Trung Quốc ngày 1.10 và là thời điểm hợp lý để biểu dương lực lượng. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất dẫn đến phá kỷ lục các vụ cất cánh. Nó còn xuất phát từ nhiều tháng căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Các chuyên gia cho biết mối quan hệ xấu đi là do hai nguyên nhân – một Đài Loan ngày càng quyết đoán và tự tin, được cổ vũ bởi mối quan hệ ấm lên giữa Đài Bắc và Washington và hai là do tình hình chính trị trong nước Trung Quốc.
Mặc dù Đài Loan và Trung Quốc đã bị ngăn cách hơn 70 năm, Bắc Kinh vẫn coi hòn đảo 24 triệu dân là một phần lãnh thổ của mình và thường xuyên khẳng định quyết tâm thống nhất.
Để cố gắng thúc ép Đài Loan thống nhất, Bắc Kinh đã dành 40 năm qua để cô lập hòn đảo này, Đài Loan hiện chỉ có quan hệ ngoại giao đầy đủ với vỏn vẹn 15 quốc gia, đa phần là những nước nhỏ, ít có tiếng nói trên thế giới. Dù vậy, Đài Loan lại có thêm ảnh hưởng toàn cầu kể từ đầu năm 2020, thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát.
Các quốc gia xung quanh khu vực đang bảo vệ quyền tự quản của Đài Loan hơn bao giờ hết. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói với CNN rằng Tokyo sẽ “đáp trả tương xứng” với bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm đổ bộ lên Đài Loan bằng vũ lực, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne cam kết củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với hòn đảo này.
Và Đài Loan bắt đầu sự hỗ trợ mở rộng ra ngoài Châu Á – Thái Bình Dương. Ví dụ, vào tháng 9, Lithuania trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên trong nhiều thập kỷ cho phép Đài Loan có cơ quan đại diện ngoại giao dưới tên riêng của mình là Đài Loan thay vì Đài Bắc Trung Hoa.
Sự thay đổi đó có được nhờ mối quan hệ chặt chẽ hơn của Đài Loan với Mỹ. Dưới thời chính quyền Trump vào năm 2020, Đài Loan đã chào đón một số chính khách Mỹ cấp cao sau nhiều thập kỷ. Rồi trước sự thất vọng của Bắc Kinh, chính quyền Biden đã không đảo ngược xu hướng đó.
J. Michael Cole, một thành viên cấp cao của Viện toàn cầu Đài Loan có trụ sở tại Đài Bắc, cho biết căng thẳng ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đã giúp Đài Loan nâng cao vị thế của mình.
Ông nói: “Đài Loan nhận ra rằng cộng đồng quốc tế đang trở nên dễ chịu hơn một chút đối với Đài Loan, hiểu rõ hơn về vai trò của Đài Loan với tư cách là một nền dân chủ tự do trong cuộc xung đột ý thức hệ ngày càng gia tăng này”.
Bonnie Glaser, giám đốc Chương trình Châu Á tại Quỹ Marshall của Đức, cho biết: Thay vì mở đầu cho một cuộc tấn công, cái nhíu mày của Bắc Kinh là lời nhắc nhở đối với Đài Loan và Mỹ đừng vượt qua “ranh giới đỏ” của Trung Quốc.
Bà cho biết lằn ranh đỏ đó, nếu bị bước qua có thể châm ngòi cho một cuộc leo thang quân sự từ Bắc Kinh. Vượt qua lằn ranh đỏ đó có thể là việc Đài Loan tuyên bố độc lập hoặc Mỹ quyết định triển khai một số lượng lớn quân đội tới hòn đảo này.
“Trung Quốc muốn giữ Đài Loan trong một chiếc hộp và họ đang sử dụng ngày càng nhiều hành động o ép đối với Đài Loan… Họ muốn cảnh báo Đài Loan”, Bonnie Glaser.
Nhưng khán giả theo dõi động thái Bắc Kinh không chỉ ở Đài Loan và Mỹ – mà còn ở quê nhà. Nhiều người nghĩ rằng Trung Quốc diễu võ giương oai trước Đài Loan là để tranh thủ tình cảm ủng hộ của người dân tại đại lục, đặc biệt trước những sự kiện chính trị quan trọng vào năm 2022.
Tuy nhiên, nếu đọc thông điệp gần đây từ Trung Quốc thì có thể thấy họ cũng không dại gì đụng đến vũ lực. Trong bài phát biểu ngày 9.10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh mong muốn “thống nhất hòa bình” với Đài Loan, đồng thời ám chỉ ông đã sẵn sàng để chờ đợi hòn đảo này tự nguyện thống nhất.
Bà Glaser nói: “Khi tôi đọc những gì ngài Tập Cận Bình nói về Đài Loan, tôi cảm thấy không có thái độ vội vàng. Hướng tới một giải pháp hòa bình cho sự bất ổn ở eo biển Đài Loan là có ý nghĩa – các chuyên gia từ lâu đã nói rằng bất kỳ nỗ lực nào của Bắc Kinh nhằm dùng vũ lực với hòn đảo này sẽ là một nỗ lực cực kỳ tốn kém, với một kết quả không chắc chắn.
Trong các cuộc tập trận mở rộng do Mỹ tổ chức vào đầu năm nay, lực lượng Mỹ đã có thể ngăn chặn một cuộc tấn công mô phỏng của Trung Quốc với Đài Loan vào năm 2030. Theo Defense News, các cuộc tập trận giả định đây sẽ là một chiến thắng của kiểu Pyrrhic (thành ngữ tả chiến thắng phải trả giá bằng thiệt hại lớn về nhân mạng).
Hy vọng nào cho thống nhất hòa bình?
Nhưng các chuyên gia cho rằng tương lai gần, khó có thể thấy con đường nào cho mục tiêu thống nhất của Bắc Kinh. Theo các cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Bầu cử của Đại học Chengchi Quốc gia ở Đài Loan, ủng hộ tiến tới “độc lập”, nghĩa là theo đuổi một tương lai chính thức tách khỏi Trung Quốc đại lục, đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Vào tháng 6, một cuộc thăm dò với 4.717 người ở Đài Loan cho thấy 25,8% muốn tiến tới độc lập, trong khi dưới 10% muốn “thống nhất” với Trung Quốc đại lục. Đa số ý kiến là giữ nguyên hiện trạng cho đến bây giờ. Cuộc khảo sát cho thấy tâm lý hướng tới sự độc lập đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2018.
Ông Sung cho rằng sự gia tăng là do tình hình tại Hồng Kông sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ lớn vào năm 2019. Ông Sung nói: “Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Hồng Kông, tôi nghĩ rằng sức hấp dẫn của một sự thống nhất hòa bình theo kịch bản ‘Một quốc gia, hai hệ thống’ ở Đài Loan bị giảm sút rất nhiều.
Bắc Kinh cũng có một số lý do để hy vọng Đài Loan cuối cùng sẽ tự nguyện thống nhất. Nhà lãnh đạo mới được bầu của Quốc dân đảng (KMT) – đảng đối lập của Đài Loan, Eric Chu, đã đồng ý Trung Quốc đại lục và Đài Loan thuộc cùng một quốc gia. Ông Chu cũng hứa sẽ khởi động lại các kênh liên lạc với Bắc Kinh nếu Quốc Dân Đảng được bầu vào năm 2024.
Trong khi chờ thay đổi đó, chính phủ Trung Quốc quyết tâm gây sức ép với Đài Loan. Trung Quốc thường xuyên phản đối việc Đài Loan tham gia vào bất kỳ diễn đàn quốc tế nào. Ngay cả ở đỉnh điểm của đại dịch, Bắc Kinh đã từ chối cho phép Đài Loan tham gia vào Tổ chức Y tế Thế giới, vì lo ngại điều đó có thể gây ấn tượng rằng hòn đảo này không phải là một phần của Trung Quốc.
Khi vấn đề về tư cách thành viên của Đài Loan được đưa ra tại một cuộc họp vào tháng 5, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Chen Xu nói rằng các nước nên ngừng “chính trị hóa các vấn đề sức khỏe và sử dụng vấn đề Đài Loan để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.”
Cả Trung Quốc và Đài Loan đều đã nộp đơn đăng ký tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, một hiệp định thương mại tự do giữa các nước Thái Bình Dương. Bắc Kinh đã phản đối mạnh mẽ việc Đài Bắc tham gia hiệp định.
Ngay cả các hình thức cưỡng chế kinh tế cũng đang được đưa ra. Trái cây của Đài Loan, bao gồm cả dứa là biểu tượng của hòn đảo, đã bị cấm bán tại các thị trường Trung Quốc, với việc chính phủ cho rằng “các sinh vật có hại” có thể gây ra nguy cơ an toàn sinh học cho đất nước.
Minh Ngọc