Tại tọa đàm, doanh nghiệp hai nước đã thảo luận về tiềm năng, nhu cầu hợp tác trong các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng, kinh tế số và tài chính ngân hàng.
Theo đó, doanh nghiệp Trung Quốc cho biết với kinh nghiệm, năng lực đã được khẳng định, họ mong muốn tham gia các dự án hạ tầng của Việt Nam. Ví dụ các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Họ cũng muốn hợp tác xây dựng thành phố thông minh, trung tâm dữ liệu, phát triển thương mại điện tử… cùng Việt Nam phát triển xanh, bền vững.
“Trung Quốc có thế mạnh về điện gió, điện mặt trời, xe điện đang phát triển hàng đầu thế giới, phù hợp nhu cầu chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Việc hợp tác cùng có lợi sẽ xuất hiện trong các lĩnh vực này”, Thủ tướng Lý Cường chia sẻ.
Việt Nam đang lên kế hoạch đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, tốc độ thiết kế 350 km một giờ, đi qua 20 tỉnh, thành với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM). Tổng mức đầu tư dự án này khoảng 67,3 tỷ USD. Tuyến đường này chủ yếu vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Dự kiến hai đoạn đường sắt tốc độ cao sẽ được khởi công vào cuối 2027.
Về năng lượng, theo Quy hoạch điện VIII, điện mặt trời, gió chiếm khoảng 31-39% vào 2030, tương đương 5.000-10.000 MW. Tỷ lệ này có thể tăng lên 47% cùng các điều kiện cam kết theo tuyên bố chính trị về thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP). Tỷ trọng nguồn điện tái tạo trong hệ thống dự kiến tăng lên 67,5-71,5% vào 2050.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc, Việt Nam đã góp phần đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước. Dù vậy, người đứng đầu Chính phủ muốn hai bên tăng hợp tác hơn nữa về hạ tầng giao thông, vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực.
Ông khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tăng đầu tư vào các lĩnh vực nước này có thế mạnh như công nghệ cao, chuyển đổi số, hạ tầng giao thông, luyện kim, y tế, giáo dục, năng lượng sạch, hệ sinh thái xe điện và pin xe điện.
Thủ tướng cũng đề nghị Trung Quốc tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước này và tăng nhập khẩu hàng hóa, nông thủy sản Việt. Ông cho rằng mục tiêu cao nhất của việc hợp tác là “đôi bên cùng có lợi” và “hai bên cùng thắng”.
Lãnh đạo Chính phủ cho biết Việt Nam cam kết “3 bảo đảm, 3 thông và 3 cùng” để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Đó là bảo đảm tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và ổn định môi trường kinh doanh. Việt Nam cũng hướng tới hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng và quản trị thông minh. Doanh nghiệp và Nhà nước luôn lắng nghe, chia sẻ để phát triển cùng nhau.
Tại tọa đàm, doanh nghiệp Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ hai nước tiếp tục tạo điều kiện cho hợp tác về tài chính, công nghệ, quản lý trong phát triển hạ tầng, trong đó có các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc. Họ cũng đề nghị Chính phủ hai nước tài trợ vốn và kết nối trong thanh toán; cơ sở hạ tầng số, trí tuệ nhân tạo, cũng như hợp tác phát triển điện gió, điện mặt trời, hydrogen…
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Lý Cường thăm Việt Nam kể từ khi nhậm chức vào tháng 3/2023. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu chính phủ Trung Quốc tới Việt Nam sau 11 năm.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 5 trên thế giới của Trung Quốc. Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt gần 172 tỷ USD. 8 tháng đầu năm, thương mại hai nước đạt gần 131 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ 2023.
Bích Ngân