Trung Quốc muốn ‘nắn gân’, chúng ta phải làm gì?
Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, mặc dù trông vẫn yên bình nhưng thực chất đang nổi rất nhiều sóng ngầm, mà căn nguyên chính là do Trung Quốc (TQ).
Trong lúc phong trào phản đối chính sách can thiệp của Bắc Kinh do người dân Hongkong phát động đang lên đến cao trào thì Đài Loan cũng chẳng hề kém cạnh, khi nhà lãnh đạo quốc đảo này – đương kim tổng thống Thái Anh Văn – đã nhiều lần tuyên bố thẳng thừng “Đài Bắc sẽ không cúi đầu trước bất kỳ áp lực nào, không chấp nhận mô hình một nhà nước – hai chế độ, và thề sẽ bảo vệ lãnh thổ bằng mọi giá”. Tháng 7 vừa qua, tại Đại học Columbia (New York), bà Thái còn đọc bài diễn văn đầy cảm hứng, khẳng định những giá trị bất biến của tự do, dân chủ và nói không với “độc tài toàn trị” khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận.
Nhưng ngay ở trong nước, Trung Quốc cũng đang gặp vô vàn khó khăn do hệ quả của thương chiến Mỹ – Trung, khiến ngành sản xuất có dấu hiệu chững lại, sản lượng suy giảm, nhà đầu tư rút vốn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, … kéo theo nhiều bất ổn xã hội sẽ từ đó mà trực bùng phát.
Lịch sử cho thấy, từ ngàn xưa, mỗi khi nội bộ rối loạn, giới cầm quyền cai trị Trung Hoa lại thường tìm cách hướng sự căm phẫn ra bên ngoài. Hai cuộc xung đột biên giới Trung – Ấn năm 1962 (Trung Quốc chiếm được vùng Askai Chin) và Việt – Trung năm 1979 (tàn phá 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam) chính là những ví dụ điển hình nhất cho cái não trạng bệnh hoạn này của người Tàu – một dân tộc tôn sùng binh pháp Tôn Tử (thực chất chỉ là những mưu mô trí trá, lọc lừa).
Nhìn vào tình hình hiện tại, liệu TQ có dám thẳng tay đàn áp Hongkong theo kiểu Thiên An Môn (4/6/1989)? E là khó, bởi Hongkong vốn từ lâu đã là một trung tâm tài chính quan trọng bậc nhất, mà nếu tan hoang chắc chắn sẽ khiến cả thế giới lao đao. Còn Đài Loan? Quốc đảo này cũng tự xây dựng được cho mình một vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu để từ đó gián tiếp tự vệ, nhưng đồng thời họ cũng chẳng phải loại dễ bắt nạt khi sở hữu quân đội mạnh, hiện đại (vừa được Mỹ phê chuẩn bán lô vũ khí mới trị giá nhiều tỷ USD), có ràng buộc mới Mỹ theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan (Taiwan Relation Act) 1979 …, chưa kể khả năng Nhật Bản nhảy vào tham chiến, hỗ trợ.
Như vậy, nguy cơ TQ lựa chọn Việt Nam làm đối tượng “nắn gân” nhằm xoa dịu bớt những mầm mống bất ổn nội tại và để đạt được mục tiêu chiến lược là rất có cơ sở. Đó cũng chính là luận điểm được tác giả David Hutt uy tín trên tờ Asia Times (trụ sở tại Nhật Bản) đưa ra trong một bài viết mới nhất của mình. Rút kinh nghiệm của Mỹ (sa lầy tại Iraq), TQ có lẽ sẽ không dám tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực kéo dài hàng nhiều tháng trời, cho nên một cuộc chiến cục bộ, chớp nhoáng (như không – hải chiến trên biển Đông) được xem là khả dĩ nhất.
Trong nước, các trí thức từ lâu cũng đã cảnh báo về mối hiểm họa này. Mới đây nhất, ông Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Tuyên giáo Trung ương – đã có thư ngỏ “ Trao đổi nhanh về biển Đông” gửi Bộ Chính trị, trong đó tái khẳng định dã tâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc, đồng thời đề ra ba giải pháp tháo gỡ, bao gồm: i) kiện TQ ra tòa án Luật pháp quốc tế, ii) ký hợp tác chiến lược (thực lòng, thực chất) với Mỹ, nước duy nhất công khai “bênh” Việt Nam trên biển Đông, và iii) hóa giải chủ trương “ba không” vốn không còn phù hợp và gây nhiều bất lợi trong tình hình mới.
Đề xuất của ông Hoàng thực ra không hề mới, nhưng nó hợp thời, hợp lẽ, và cũng chính là nỗi mong mỏi của đại đa số người dân Việt Nam. Không gì cấp bách bằng nguy cơ “mất biển, mất nước đến nơi rồi”, cho nên toàn dân Việt Nam, nhất là hàng ngũ lãnh đạo cần ưu tiên và dồn sức cho việc này trước, thay vì quá tập trung chuẩn bị Đại hội 13 hay chiến dịch đốt lò chống tham nhũng …
Bên cạnh đó, cần tìm cách chặn đứng những ảnh hưởng sâu rộng của TQ trên đất nước Việt Nam, dù có thể đã hơi muộn. Không thể để dự án Đường cao tốc Bắc Nam rơi vào tay các nhà thầu TQ như đối với công trình đường sắt trên cao Hà Nội, bởi khi ấy chúng ta sẽ không chỉ mất biển mà còn mất luôn cả đất. Trước hiểm họa nô dịch đang hiển hiện, người Việt Nam không được sợ hãi nữa, mà phải góp sức để cùng nhau đối phó. Trước đây, chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi (thành viên nhóm Thứ Sáu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) từng có bài viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, đề xuất phương án có thể vận động hơn 90 triệu người dân Việt Nam đóng góp, bên cạnh vay tiền quốc tế (World Bank, ADB, các quỹ phát triển bền vững) để mua lại dự án Formosa gây thảm họa môi trường cho khu vực miền Trung – tại sao không làm điều tương tự với các công trình do TQ trúng thầu?
Hiện giờ tuy Mỹ đang tỏ rõ thiện chí đối Việt Nam, nhưng chắc chắn họ vẫn sẽ chỉ hành động trong khuôn khổ Luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ quyền lợi cốt lõi của chính họ, đặc biệt là kinh tế, chứ không thể và cũng không sẵn lòng làm thay Việt Nam trong sứ mệnh bảo về chủ quyền, trừ khi chúng ta là đồng minh chính thức của họ, hoặc có ràng buộc theo kiểu đạo luật giống như Đài Loan.
Trước tình thế “ngàn cân treo sợ tóc”, dân tộc Việt Nam cần huy động và tập hợp cho được lực lương yêu nước thức thời, đặc biệt là trong giới cầm quyền, và cũng là để diệt trừ “khuynh hướng Trần Ích tắc, Lê Chiêu Thống” từ trong nội bộ. Như vậy, đề xuất đối thoại giữa người dân và chính quyền, trên nguyên tắc thấu hiểu, không có vùng cấm và tôn trọng lẫn nhau mà PGS.TS Nguyễn Đình Cống đưa ra gần đây nên được nghiêm túc xem xét. Mau mau, cần khẩn trương trước khi quá trễ.
Tùng Lâm