Trung Quốc mắc kẹt trong thế ‘lưỡng đầu thọ địch’
Lạm phát cũng như tăng trưởng kinh tế không chỉ cho chúng ta thấy được ‘sức khỏe’ của nền kinh tế, mà còn cho thấy chính phủ sẽ có những biện pháp nào nhằm bình ổn nền kinh tế.
Những biện pháp như chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tổng sản phẩm nội địa (GDP) là những lĩnh vực ảnh hưởng tới nhiều quyết sách kinh tế của chính phủ, các nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Lạm phát và tăng trưởng kinh tế là hai lĩnh vực khác nhau, nhưng luôn có sự liên quan tới nhau. Mặc dù lạm phát không trở thành thước đo tăng trưởng kinh tế, nhưng nếu nền kinh tế tăng trưởng ổn định thì lạm phát sẽ tăng lên. Nghe nghịch lý nhưng hết sức thuyết phục, khi tăng trưởng kinh tế sẽ có xu hướng tăng áp lực lên giá cả hàng hóa cũng như tiền lương.
Tuy nhiên, hiện cả 2 chỉ tiêu này Trung Quốc đều không đạt được, dựa theo nghiên cứu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Cụ thể, chỉ số lạm phát tiêu dùng tại Trung Quốc hồi tháng 10 vừa qua đã ở mức gần như cao nhất trong gần 8 năm qua, kéo theo sự suy giảm về tăng trưởng kinh tế.
Nguyên nhân chính của lạm phát tăng cao tại Trung Quốc chủ yếu tới từ giá thịt lợn tại nước này tăng cao lên mức 101,3% hồi tháng 10/2019 so với giá của 1 năm về trước, và khiến lĩnh vực thực phẩm trong chỉ số CPI tăng 23,35%.
Bởi thịt lợn là thực phẩm quan trọng nhất đối với người Trung Quốc. Và nguyên nhân này sẽ khiến chỉ số lạm phát giá tiêu dùng thịt lợn sẽ còn tiếp tục trong nhiều tháng tới là do dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành tại ‘quốc gia tỷ dân’.
Và dù chính quyền Bắc Kinh đã làm hết sức, nhưng việc không có vắc-xin hiệu quả sẽ không thể giúp nguồn cung lợn nước này tăng lên. Nhập khẩu cùng không phải giải pháp, khi Trung Quốc lại là nước sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới, khi chiếm tới một nửa tổng số lợn trên toàn cầu.
Chính nguồn cung cấp thịt lợn không chắc chắn sẽ khiến dự báo về lạm phát CPI khó khả quan. Viện Nghiên cứu Toàn cầu Nomura dự báo chỉ số lạm phát giá tiêu dùng Trung Quốc sẽ vào khoảng 4,6 % trong tháng 11/2019, và đạt mức 6% trong tháng 1 tới. Trên thực tế, giá thịt lợn cao sẽ tăng nguy cơ lạm phát cho toàn bộ người tiêu dùng, bởi nó sẽ ảnh hưởng tới giá cả các loại thực phẩm khác như gà, bò và cừu.
Xét về mặt chính trị, không có hiện tượng kinh tế nào của Trung Quốc lại nhạy cảm như việc tăng giá với một sản phẩm như thịt lợn, bởi nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới người dân nước này, nhất là người nghèo.
Xét về mặt kinh tế, việc chỉ số CPI tăng ở Trung Quốc được các nhà kinh tế học nước này gọi là “lạm phát về cấu trúc”, tức lạm phát tăng bởi giá thịt lợn hơn là lạm phát toàn phần. Và chỉ số CPI tăng là dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn: lạm phát tiêu dùng cốt lõi ở mức thấp.
Theo chuyên gia Cary Huang thuộc SCMP, hiện tình hình lạm phát Trung Quốc đang tăng ở mức tồi tệ, trong bối cảnh hàng loạt dữ liệu kinh tế đáng báo động. Ví dụ, mức GDP trong quý 3/2019 đã ở mức thấp nhất kể từ năm 1992.
Và nhiều nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang rơi vào tình thế khó xử khi vừa phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng kinh tế đang suy giảm lẫn việc lạm phát tiêu dùng đang tăng lên, lại vừa cần đưa ra các biện pháp đối phó với những khó khăn trước mắt, nhất là thách thức tới từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Những vấn đề này khiến các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc mắc kẹt trong thế “lưỡng đầu thọ địch”.
Tuấn Trần/Vietnamnet