Trung Quốc lộ rõ yêu sách chủ quyền phi lý trên biển Đông qua bộ phim “Nam Hải, Nam Hải”
Cùng với việc phát hành bộ sách giáo khoa lịch sử trung học mới bịa đặt thêm về chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông và sự xuất hiện khá dày đặc những bài báo có nội dung tương tự. Từ ngày 15/7 đến 21/7, Trung Quốc đã cho chiếu bộ phim tài liệu “Nam Hải, Nam Hải” tức (biển Đông, biển Đông – PV) trên kênh Xã hội và pháp luật của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc.
Bên cạnh việc thể hiện vẻ đẹp rộng lớn, sinh vật đa dạng, huyền bí của biển Đông, Trung Quốc đã sử dụng rất nhiều hình ảnh chụp từ mặt đất và trên không về các bãi cát rạn đảo, tàu biển các loại, ngư dân đánh bắt thủy hải sản, doanh nghiệp khai thác dầu khí, du khách tham quan các đảo, quần đảo thuộc biển Đông,…
Nhưng điều đáng lên án nhất sau khi xem 7 tập phim chính là nội dung tuyên truyền những luận điệu sai trái về cơ sở pháp lý chủ quyền của Trung Quốc như “Trung Quốc đã quản lý Biển Đông từ thời nhà Hán đến nay”, nhằm cố bao biện cho luận điệu “các đảo trên Biển Đông từ cổ xưa đến nay đã thuộc về Trung Quốc” và cổ xúy cho yêu sách chủ quyền nằm trên cái gọi là “Đường 9 đoạn”. Thậm chí, trong phim có nhiều hình ảnh cùng lời bình xuyên tạc “một số quốc gia ngoài lãnh thổ trong đó có Việt Nam, Philippines và các thế lực thù địch đã cố gắng trộn lẫn các vùng biển của Biển Đông”, đồng thời công kích nước ta “xâm phạm lãnh thổ”, “khai thác tài nguyên” của Trung Quốc.
Phim “Nam Hải, Nam Hải” nói Trung Quốc quản lý biển Đông từ thời nhà Hán nhưng sự thật có không ít thư tịch cổ Trung Quốc, do chính người dân nước họ ghi lại đã trực tiếp lẫn gián tiếp thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Khi nhà Hán thay nhà Tần và tiến hành mở rộng đất về phương Nam, dù thời điểm đó chiếm được ba nước Việt (Đông Việt, Mân Việt và Nam Việt), nhưng Tây Hán không có một chút thế lực gì trên biển ở khu vực dưới vĩ độ 20 độ Bắc. Vậy mà Trung Quốc lại mạnh miệng tuyên bố chủ quyền ở biển Đông bằng đường lưỡi bò “liếm” gần trọn vùng biển này nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng.
Mà nói giả dụ như “Trung Quốc quản lý biển Đông từ thời nhà Hán” thì sao? Chẳng lẽ khi xưa Hoàng Sa, Trường Sa thuộc sự quản lý của nhà Hán thì nay hai quần đảo này cũng thuộc sự quản lý của Trung Quốc sao? Lịch sự luôn biến thiên, nói như Trung Quốc thì nước Mỹ phải trả lại lãnh thổ cho người Anh-điêng (da đỏ), Nga phải trả bán đảo Crưm cho Ucraina sao? Nói như Trung Quốc thì sao nước họ không trả lại khu vực Vân Nam cho người Bạch, khu vực Tây Tạng cho người Mông Cổ?
Cách đây hơn 5 thế kỷ, Hoàng Sa, Trường Sa đã được các nhà bản đồ học, các nhà hàng hải, các nhà phát kiến địa lý và các thương gia phương Tây và Đông Nam Á… đề cập và vẽ trong những tấm bản đồ về Việt Nam. Hệ thống bản đồ cổ đều cho thấy lãnh thổ phía nam của các triều đại phong kiến phương Bắc chỉ đến đảo Hải Nam và Việt Nam có chủ quyền xuyên suốt đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và có lẽ đây cũng chính là cách thế giới từ lâu nghiễm nhiên thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam. Như việc Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tặng một tấm bản đồ cho Chủ tịch Tập Cận Bình có vẽ lãnh thổ Trung Quốc thời Càn Long (1736 – 1795) không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và điểm cực Nam cũng chỉ tới đảo Hải Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”. Theo đó, chúng ta khai thác tài nguyên ở đó và những khu vực lân cận thuộc chủ quyền vùng biển nước mình thì có gì sai. Vậy cớ gì phim “Nam Hải, Nam Hải” lại truyền tải luận điệu đổi trắng thay đen, vu khống “Việt Nam xâm phạm lãnh thổ lãnh thổ và khai thác tài nguyên của Trung Quốc”?
Cuốn “Lịch sử Trung Quốc” thời trung cổ do Hàn lâm viện Trung Quốc xuất bản tại Đài Bắc năm 1978, học giả Hsieh Chiao-Min trong bài Nghiên cứu về lịch sử và địa lý nhận định: “Suốt chiều dài lịch sử, về sự phát triển văn hóa và khoa học, dân tộc Trung Hoa không tha thiết với đại dương”. Vậy mà trong bộ phim “Nam Hải, Nam Hải”, nhân vật kể chuyện lại nói rằng: “Ở Nam Hải (biển Đông-PV), tổ tiên của chúng ta đã để lại những cánh buồm nguyên thủy của loài người, sử thi cổ xưa của Trung Quốc để phát triển những ngôi nhà màu xanh và giấc mơ màu xanh của Trung Quốc là ôm lấy đại dương và ôm lấy thế giới”. Rõ thấy, cái lưỡi của người Trung không xương, lắt leo như thế nào? Và chúng ta cũng thấy dã tâm độc chiếm biển Đông, làm bá chủ thế giới của Trung Quốc hiện nay lớn ra sao.
Không chỉ thách thức dư luận quốc tế, Trung Quốc còn lừa dối trắng trợn nhân dân nước họ như cách họ vẫn cố làm bao năm nay là truyền tải những câu chuyện về biển Đông phi thực tế cho các cấp từ cấp tiểu học cho đến đại học để các nhà chính trị, tướng sỹ quân đội, các nhà ngoại giao, giáo viên, học sinh, thương nhân, nông dân,… đều biết tới biển Đông và tin rằng “phần lớn biển Đông thuộc lãnh thổ Trung Quốc, bao gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”. Để rồi từ đó ủng hộ đường đi nước bước của chính quyền về vấn đề biển đảo, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Nhưng xin nói thẳng, Việt Nam sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ từng hải lý vùng biển Tổ quốc thiêng liêng, những ngư trường đánh bắt, những bát cơm của hàng chục nghìn hộ gia đình sống ven biển nước ta hiện nay.
Việc công chiếu “Nam Hải, Nam Hải” chính là một trong những thủ đoạn vu cáo “Việt Nam xâm phạm lãnh thổ nước Trung Quốc”, kích động tư tưởng dân tộc cực đoan trong nước ở thời điểm căng thẳng giữa hai nước trên biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này cho thấy Trung Quốc đang có những động thái chuẩn bị dư luận theo chiến thuật “tam chủng chiến pháp”, dùng truyền thông để xoay chuyển tình hình, tiếp tục những bước đi mới nhằm hiện thực hóa âm mưu độc chiếm Biển Đông, khiến tình hình Biển Đông và trong khu vực bất ổn.
Đặng Trường