Trung Quốc liên tục gây hấn, Ấn Độ mời Australia tập trận cùng Mỹ, Nhật Bản
Ấn Độ lên kế hoạch mời Australia tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar hàng năm cùng Mỹ, Nhật Bản trong bối cảnh Trung Quốc liên tục gây hấn trong khu vực.
“Cuộc tập trận sẽ tập hợp các lực lượng Hải quân Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ tại Vịnh Bengal vào cuối năm nay”, Bloomberg dẫn lời quan chức Ấn Độ giấu tên cho hay.
Quyết định của Ấn độ được đưa ra trong bối cảnh New Delhi và Bắc Kinh xảy ra vụ động độ chết người ở khu vực biên giới hồi giữa tháng 6. Trong khi đó, Australia và Trung Quốc nhiều tháng qua cũng lời qua tiếng lại và có nhiều biện pháp đáp trả lẫn nhau, sau khi Canberra đề xuất điều tra nguồn gốc dịch COVID-19.
Trường hợp Canberra tham dự tập trận, đây sẽ là lần đầu tiên “Bộ tứ kim cương” (Nhóm QUAD) tham gia một cuộc tập trận với đầy đủ 4 thành viên (Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ).
Các quan chức Ấn Độ cho biết New Delhi đang dọn đường để đưa ra một lời mời chính thức tới Australia sau khi tham vấn ý kiến với Nhật Bản và Mỹ.
“Việc Australia được mời tham gia gửi đi một thông điệp quan trọng tới Trung Quốc rằng Bộ tứ kim cương đang thực hiện các cuộc tập trận hải quân chung, ngay cả khi không được triển khai về mặt kỹ thuật dưới khuôn khổ các sự kiện của Bộ tứ này”, Nhà nghiên cứu Derek Grossman thuộc tổ chức nghiên cứu Rand Corporation (Mỹ) cho hay.
Theo Bloomberg, Trung Quốc từ lâu đã không mấy hài lòng với liên minh phi chính thức này. Nhóm QUAD được thành lập vào năm 2014 nhằm giúp đỡ các quốc gia ở Ấn Độ-Thái Bình Dương sau thảm họa sóng thần năm 2017.
Người phát ngôn Hải quân Ấn Độ Vivek Madhawal từ chối đưa ra bình luận về thông tin Bloomberg đăng tải.
Trong khi đó, Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Australia cho biết họ chưa nhận được lời mời, nhưng nhấn mạnh Canberra nhận thấy “giá trị khi tham gia vào hoạt động phòng thủ của Nhóm QUAD để tăng khả năng tương tác và thúc đẩy lợi ích tập thể trong một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, mở rộng và thịnh vượng”.
Tập trận Malabar bắt đầu được tổ chức từ năm 1992 với sự tham gia của Mỹ và Ấn Độ. Tới năm 2004, sự kiện này trở thành hoạt động thường niên với sự tham gia của các quốc gia châu Á.
Cựu Cao ủy Ấn Độ tại Australia Biren Nanda cho rằng, việc đưa Canberra tham gia vào Malabar chỉ là vấn đề thời gian. Theo ông Nanda, không có mối quan hệ trực tiếp giữa lời mời của Ấn Độ và những gì xảy ra ở biên giới Trung-Ấn.
“Đây là một sự phát triển tự nhiên. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là người Trung Quốc sẽ coi vấn đề này như thế nào? Và liệu họ có phản ứng tiêu cực như họ từng làm trước đó”, ông này nói.
Năm 2015, Trung Quốc từng phản đối việc Nhật Bản tham dự cuộc tập trận Malabar.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lúc đó cảnh báo các quốc gia có liên quan không kích động đối đầu và tạo ra căng thẳng.
Ông Nanda cho rằng Bắc Kinh sẽ có phản ứng tương tự nếu Australia tham gia sự kiện năm nay.
Theo Bloomberg, trong bối cảnh Washington cho thấy họ sẵn sàng hỗ trợ khu vực thông qua việc tăng cường hiện diện ở châu Á, cuộc tập trận Malabar có thể sẽ mang tầm quan trọng hơn.
Theo đó, nhóm QUAD là một nền tảng an ninh nhưng chưa có bối cảnh quân sự để thể hiện điều đó. Các sự kiện như Malabar sẽ giải quyết vấn đề này trong bối cảnh các quốc gia thành viên đều đang vướng mắt với các hành động khiêu khích ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Nguồn: Bloomberg