Trung Quốc hung hăng nhất quán trên Biển Đông, chiến lược của Mỹ mơ hồ
Việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát xâm phạm EEZ và thềm lục địa của Việt Nam có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, nhưng nhất quán với tham vọng lâu dài của Bắc Kinh.
Ngày 25/7, Bộ Ngoại giao tái yêu cầu Trung Quốc rút đội tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, sau tuyên bố ngày 19/7 về việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc có hành vi vi phạm chủ quyền Việt Nam.
Trao đổi với PV giáo sư Alexander L. Vuving, tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương (thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ), nói vụ việc tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm thềm lục địa và EEZ của Việt Nam lần này nghiêm trọng chỉ kém sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 ở chỗ giàn khoan mang cấu trúc cố định, thậm chí được đưa đến khoan dầu, trong khi lần này tàu Hải Dương 8 chỉ khảo sát.
Tuy nhiên, vụ việc này lần này lại nghiêm trọng hơn ở phạm vi và khu vực mà tàu Hải Dương 8 khảo sát. Vùng biển được khảo sát rộng và nằm trọn vẹn trong EEZ và thềm lục địa của Việt Nam. Zing.vn trích đăng nhận định của ông.
Chiến lược nhất quán của Trung Quốc
Tôi cho rằng những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là chuyện Bắc Kinh trước sau cũng sẽ làm, không phải là làm hay không.
Vươn lên thành cường quốc trên biển (hải dương cường quốc) là giấc mơ lớn của Trung Quốc, là chủ trương xuyên suốt nhiều đời lãnh đạo Trung Quốc. Trung Quốc hiểu rõ nếu họ có mộng leo lên nắm vị trí số 1 châu Á, họ phải nắm được thế thượng phong ở vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Quan hệ với các nước láng giềng là nhỏ so với giấc mộng lớn của Trung Quốc, tất nhiên họ phải làm và chấp nhận cái giá phải trả. Trung Quốc không hung hăng một cách không tính toán mà tất cả nằm trong chiến lược xuyên suốt, nhất quán của họ.
Về tính thời điểm của hành động leo thang, tôi cho rằng Trung Quốc đang vận động, đúng hơn là muốn ép các nước ASEAN ký Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) theo hướng có lợi cho Trung Quốc và theo quan điểm “Biển Đông này chỉ của chúng ta thôi”. Đó cũng là hai điểm mà Trung Quốc đưa vào dự thảo COC và Việt Nam chống lại – không cho các tập đoàn ngoài vào khai thác ở Biển Đông và hạn chế các nước trong COC tập trận với bên ngoài.
Trung Quốc muốn ép cả ASEAN chấp nhận rằng “nếu các anh khai thác chung với nước ngoài, tôi cũng sẽ hành xử với các anh như vậy”. Ai cũng biết bản thảo của COC từ phía Trung Quốc vô lý, nhưng cách tiếp cận của Trung Quốc là “dùng sức để ép”. Sức ép của Trung Quốc rất mạnh, hiện trong ASEAN chỉ còn lại Việt Nam, Malaysia sẽ tiếp tục lập trường, không cho phép điều khoản này. Trung Quốc nhận biết điều này sau khi đã thử nghiệm trong thời gian dài.
Hiện chúng ta vẫn chưa biết mọi thứ sẽ diễn biến theo hướng nào. Đương nhiên việc ép buộc này là một nước đi liều lĩnh, nhưng cũng là một cách tính toán, vì nếu không thành Bắc Kinh sẽ không mất gì. Nếu Trung Quốc không thể thúc ép ASEAN hoàn tất COC trong ngắn hạn theo ý họ, việc đàm phán lại diễn ra và Bắc Kinh chỉ việc “đổ lỗi” cho Việt Nam làm hỏng quá trình.
Trung Quốc đã xây đảo, quân sự hóa và leo thang ở Biển Đông những năm gần đây. Thất bại duy nhất của Bắc Kinh là phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016, vì vụ án đã trở thành án lệ trong luật quốc tế. Án lệ sẽ còn mãi, trừ khi thay đổi luật quốc tế.
Mỹ chưa có chiến lược rõ ràng ở Biển Đông
Về phía Mỹ, ngoài các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP), họ không có gì. Nhưng ít ra Mỹ vẫn giữ được tự do hàng hải chưa bị ảnh hưởng.
Các nước như Mỹ, Nhật hay Australia không muốn Trung Quốc trỗi dậy, không muốn coi Trung Quốc là bá chủ. Tuy nhiên, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ chỉ mới đưa ra những nguyên tắc chung, chưa thật sự có chiến lược.
Dù Mỹ nói về việc tăng cường quân sự, giúp đỡ các nước về kinh tế, đó không thể coi là chiến lược so với những gì Trung Quốc làm bài bản, trong thời gian xuyên suốt. Cách tiếp cận của Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ – bốn nước được coi là trụ cột của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – cũng khác nhau.
Chúng ta không đoán được diễn biến tiếp theo sẽ ra sao trong ngắn hạn. Điểm mạnh của Việt Nam là có chính nghĩa, có thể kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Về phía Mỹ và các nước có lợi ích ở Biển Đông, họ có thể thể hiện sự ủng hộ bằng việc đưa lực lượng vào bảo vệ luật pháp quốc tế. Khi một nước vi phạm luật pháp quốc tế, thì cộng đồng quốc tế có quyền và cả trách nhiệm phải hành động.
Nhiều quốc gia ở Thái Bình Dương với dân số chưa đầy 1 triệu nhưng phải quản lý vùng biển rộng, họ thường nhờ sự hỗ trợ của các cường quốc.
Về mặt ngoại giao, có thể tìm kiếm nhiều tiếng nói mạnh mẽ hơn, đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn, cấm vận kinh tế, trừng phạt tàu bè, thiết bị của công ty vi phạm luật pháp quốc tế.
Cán cân trong khu vực Đông Nam Á thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc, thay vì thế độc tôn của Mỹ như trước đây. Ổn định khu vực sẽ không còn như trước, căng thẳng sẽ tiếp tục. Đối đầu Mỹ và Trung Quốc có thể kéo dài hàng chục năm trước khi ngã ngũ.
Và nó sẽ diễn ra ở Biển Đông như một chiến trường chính.
(Theo Zing News)