Trung Quốc hứng chịu đòn giáng mới

Tuệ Ngô 10/05/2023 13:58

Theo SCMP, một cuộc khảo sát mới công bố vào ngày 4/5 cho biết hoạt động tại các nhà máy Trung Quốc đã giảm bất ngờ trong tháng 4. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm sút và lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đang mất đà trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch vẫn còn nhiều vấn đề.

Kết quả này đã không đạt được kỳ vọng 50,3 trong một cuộc thăm dò của Reuters và đánh dấu lần sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 1 khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid. Mốc chỉ số 50 điểm được sử dụng để phân biệt giữa tăng trưởng và sụt giảm về kinh tế hàng tháng.

Các dữ liệu đã phản ánh tính chất không đồng đều trong sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, khi ngành tiêu dùng dịch vụ – động lực tăng trưởng chính trong quý đầu tiên – vượt trội so với sản xuất.

Cùng với thị trường bất động sản trầm lắng và lợi nhuận công nghiệp sụt giảm sâu, các nhà phân tích cho biết nền kinh tế đang liên tục phải đối mặt với “những cơn gió ngược” dai dẳng.

“Điều này cho thấy sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể sau khi số ca nhiễm Covid-19 đạt đỉnh vào đầu năm nay”, Wang Zhe, nhà kinh tế tại Caixin Insight Group, cho biết.

“Vẫn còn phải xem liệu sự phục hồi có bền vững hay không sau khi nguồn cung đáp ứng được nhu cầu bị dồn nén trong thời gian qua. Đặc biệt, chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc vào tháng 4 chỉ ra thực tế rằng sự phục hồi kinh tế vẫn chưa có chỗ dựa ổn định”, chuyên gia này nói thêm.

Theo cuộc khảo sát, tốc độ tăng trưởng sản xuất đã giảm trong tháng thứ hai liên tiếp do số lượng đơn đặt hàng mới ít hơn dự kiến, dẫn đến giảm sản lượng đầu ra.

Cụ thể, lượng đơn đặt hàng mới giảm lần đầu tiên sau ba tháng do thị trường đình trệ và chi tiêu của khách hàng yếu hơn dự kiến. Sự giảm cầu từ khách hàng đã khiến các nhà máy phải cắt giảm nhân sự với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 1. Mặc dù nhiều nơi chỉ giảm lương, nhưng nhiều công ty đã buộc phải cắt giảm số lượng nhân viên để cắt giảm chi phí.

Zhou Hao, nhà kinh tế tại Guotai Junan International, cho biết các PMI mới nhất có thể làm giảm kỳ vọng đối với nền kinh tế trong quý hai.

“Lĩnh vực sản xuất sẽ chịu áp lực trong quý hai và sẽ không nhận được bất kỳ cứu trợ nào ít nhất cho đến tháng Sáu,” ông nhấn mạnh.

Cũng về chủ đề này, theo Reuters, cả chi phí đầu vào và giá bán tại các nhà máy Trung Quốc đều giảm với tốc độ nhanh nhất trong khoảng 7 năm qua. Chi phí giảm với một số nguyên liệu thô và nhiên liệu đã dẫn đến giảm giá bán đối với sản phẩm đầu ra khi các công ty tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh mới.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, tại cuộc họp thường kỳ vào tuần trước, các nhà lãnh đạo hàng đầu của quốc gia này cho biết nhu cầu trong nước “vẫn chưa đủ” cho sự phục hồi kinh tế.

Đánh giá này được đưa ra sau khi Trung Quốc báo cáo mức tăng trưởng GDP tốt hơn dự kiến là 4,5% trong quý đầu tiên, khiến một số công ty đầu tư tăng dự báo kinh tế của họ trong năm. Cuộc họp cũng kêu gọi nâng cao nguồn thu nhập của người dân, đồng thời cải thiện việc làm, đặc biệt là cho sinh viên tốt nghiệp đại học.

Tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 tuổi ở Trung Quốc đã tăng lên 19,6% trong tháng 3, gần mức cao kỷ lục được ghi nhận vào tháng 7 năm 2022. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của người dân ở các thành phố vẫn thấp hơn nhiều, chỉ hơn 5%.

Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng và trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc Đại lục tại công ty JLL, cho biết kết quả cuộc họp không cho thấy nhiều thay đổi về chính sách tài khóa và tiền tệ.

Ông cho biết cuộc họp tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy tiêu dùng và ổn định đầu tư, đồng thời nhận định Trung Quốc muốn tập trung đầu tư vào khu vực tư nhân và mở rộng các cơ hội để cải thiện khu vực này.

Tuệ Ngô

Đọc nhiều