Trung Quốc điều máy bay ném bom “oanh tạc” trên Biển Đông
Nngày 19/2, trang South China Morning Post có bài viết đăng tải cho biết máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc đã phối hợp với máy bay chiến đấu và máy bay cảnh báo sớm thực hiện diễn tập các cuộc tấn công mô phỏng ở Biển Đông.
Dựa theo báo cáo của cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc, PLA Daily hôm 14/2, cho biết máy bay ném bom đã bay hơn 5.000km (3.100 dặm) trong một cuộc tập trận kéo dài hơn bảy giờ.
Đại úy Chen Jiale, chỉ huy một đơn vị không quân giấu tên thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam Trung Quốc, cho biết đây là cuộc tập trận dài nhất mà ông từng tham gia và nói thêm rằng ông đã nhìn thấy “Quần đảo Trường Sa” dưới cánh máy bay H-6K. Như đã biết, Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền trái phép.
Theo báo cáo, H-6K được coi là máy bay ném bom chiến lược và được thiết kế cho các cuộc tấn công tầm xa và độc lập. Ngoài ra, chiến cơ này có thể mang vũ khí hạt nhân và được cho là có khả năng tấn công các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ ở Thái Bình Dương.
Cũng trong cuộc tập trận này, H-6K đã được thử nghiệm phối hợp với các máy bay chiến đấu và cảnh báo sớm để thực hiện các cuộc tấn công đột kích tầm xa, tấn công có hệ thống và di chuyển cơ động cao.
Ông Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao tại tổ chức tư vấn Rand Corporation của Mỹ, nhận định động thái này tiết lộ cách Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng ở Biển Đông để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu.
Đề cập đến mạng lưới các quần đảo trải dài từ Nhật Bản đến bán đảo Malaysia, ông Heath nói: “Nhiệm vụ này cho thấy cách các đơn vị hàng không Trung Quốc có thể thực hiện những cuộc tấn công bằng tên lửa vào các mục tiêu trong chuỗi đảo thứ nhất”.
Theo ông Heath, có thể máy bay chiến đấu đã được triển khai từ các căn cứ trên đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa để hỗ trợ các cuộc tấn công mô phỏng ở Biển Đông.
Ông cho biết các căn cứ (mà Trung Quốc xây dựng trái phép – PV) trên Trường Sa tạo điều kiện cho Trung Quốc sử dụng oanh tạc cơ trong khu vực này hiệu quả hơn.
Bất chấp phản ứng của cộng đồng quốc tế lúc này, Bắc Kinh đã xây dựng phần lớn cơ sở hạ tầng, bao gồm sân bay, nhà chứa máy bay và hệ thống radar, trên đảo Subi, Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn, đồng thời điều động máy bay và máy bay vận tải tầm trung Y-8, các tàu tên lửa 500 và 22 sẽ đến khu vực này.
Theo ông Song Zhongping, một cựu huấn luyện viên của PLA, ngoài việc thể hiện khả năng phối hợp giữa các máy bay khác nhau, quãng đường bay hơn 5.000 km là một chỉ số quan trọng về năng lực không quân của Trung Quốc.
Song chuyên gia Heath cho biết, mặc dù cuộc tập trận cho thấy khả năng nâng cao của không quân Trung Quốc, nhưng khả năng của máy bay ném bom chỉ làm tăng mối đe dọa cho các lực lượng quân sự Mỹ lên một chút so với mối đe doạ vốn có.
Ông Heath phân tích: “Mối đe dọa chính vẫn là kho tên lửa đạn đạo lớn của PLA có thể dễ dàng nhắm mục tiêu vào các căn cứ không quân của Mỹ cho đến tận đảo Guam và Australia”.
Đảo Guam là nơi có hai căn cứ hải quân chiến lược đối với Hoa Kỳ – Căn cứ Hải quân Guam ở Santa Rita-Sumai và Căn cứ Không quân Andersen ở Yigo – đóng vai trò là chỗ dựa quan trọng để Hoa Kỳ tiến hành các hoạt động ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ cũng đã mở một căn cứ mới ở Guam vào tháng 1 – căn cứ đầu tiên sau 70 năm – nhằm mục đích cuối cùng là nơi trú ngụ của khoảng 5.000 lính thủy đánh bộ được giao nhiệm vụ phát hiện và chống lại các mối đe dọa trong khu vực, những người sẽ đóng vai trò then chốt trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc, theo SCMP.
Tuệ Ngô (Theo SCMP)