‘Trung Quốc đặt cược 1.000 tỷ USD’

01/11/2019 15:59

Người Mỹ tin rằng khi các cường quốc đang nổi chứng kiến sự giảm tốc, họ trở nên hà khắc hơn ở trong nước và hung hăng hơn ở bên ngoài.

Tham vọng Á-Âu

Trang Bloomberg mới đây có bài viết phân tích về chiến lược địa chính trị của Trung Quốc, theo đó Bắc Kinh thực hiện nỗ lực táo bạo nhằm thay đổi địa chính trị chiến lược của khu vực Á-Âu một cách đáng chú ý. Trung Quốc đang đặt cược 1.000 tỷ USD để có thể thay đổi địa chiến lược của mình từ một vị trí bị kiềm chế thành một tài sản địa chính trị mạnh mẽ.

Bloomberg cho rằng trong các nhân tố định hình vận mệnh toàn cầu của một đất nước, địa lý là nhân tố khó biến đổi hơn cả. Những ưu điểm và nhược điểm đi kèm với vị trí địa lý thường thay đổi chậm chạp.

Với sự “đặt cược” của mình, Trung Quốc muốn có sự thay đổi bất chấp những rào cản về mặt địa lý. Về hàng hải, Bắc Kinh đối mặt với các liên minh hiệp ước và các đối tác chiến lược của Mỹ vốn tạo bệ đỡ để Washington phát huy sức mạnh ở Tây Thái Bình Dương.

'Trung Quoc dat cuoc 1.000 ty USD'
Trung Quốc mạnh tay đặt cược 1.000 tỷ USD cho cuộc chiến địa chính trị?

Ở phía Bắc, Bloomberg cho rằng Trung Quốc phải đối mặt với một nước Nga đầy tham vọng, vốn lâu nay thường là thù hơn là bạn với Trung Quốc. Sườn tây và nam cũng được đánh giá có khả năng chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Những khó khăn về mặt địa lý không chỉ dừng lại ở đó. Nền kinh tế tiêu tốn nhiên liệu của Trung Quốc phụ thuộc nặng nề vào dầu khí từ Trung Đông. Các hoạt động nhập khẩu dầu khí đi qua các vị trí án ngữ trên biển như Eo biển Tiran ở Biển Đỏ, Eo biển Malacca ngoài khơi Indonesia vốn có thể bị Hải quân Mỹ ngăn chặn.

Do đó, giới lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng để đạt được tiềm năng toàn cầu, Bắc Kinh cần thay đổi địa chiến lược của đất nước. Đây là ý nghĩa thực sự của sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Vấn đề cốt lõi của sáng kiến này là nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thiết lập một không gian địa chính trị Á-Âu hợp nhất hơn trong đó Trung Quốc đóng vai trò trung tâm.

Theo Bloomberg, việc đầu tư vào các đường ống năng lượng chạy qua Trung Á và các khu vực khác không đơn thuần là cách thúc đẩy các nền công nghiệp Trung Quốc phát triển. Đây cũng là cách thiết lập các tuyến đường cung cấp qua đất liền mà Mỹ không dễ gây gián đoạn. Việc thúc đẩy các mối quan hệ sâu sắc hơn về mặt thương mại, đầu tư và cơ sở hạ tầng với các nước từ Campuchia đến Trung Âu là cách để lối kéo các nước này vào quỹ đạo địa chính trị và địa kinh tế của Bắc Kinh.

'Trung Quoc dat cuoc 1.000 ty USD'
Trung Quốc dùng sức mạnh kinh tế mở đường cho các tham vọng

Tờ báo này thừa nhận rằng, tiền của Trung Quốc đi đến đâu thì sức mạnh ảnh hưởng về ngoại giao và quân sự đi tới đó. Tương tự, việc mở rộng các mối quan hệ kinh tế với các nước trên khắp Á-Âu tạo ra khả năng thiết lập một trật tự công nghệ và kinh tế mà Trung Quốc đóng vai trò trung tâm, trong bối cảnh mối quan hệ Washington và Bắc Kinh đang ở giai đoạn dần chia tách.

Cảnh báo mối nguy hiện hữu

Nhân đây, Bloomberg nhắc lại ý tưởng của Halford Mackinder, một nhà địa lý người Anh giúp truyền bá ý niệm Á-Âu là một không gian địa chính trị trong thời gian đầu thế kỷ XX. Mackinder cảnh báo rằng các cường quốc biển thế giới phải ngăn chặn bất kỳ quốc gia thù địch nào thống trị khu vực Á-Âu.

Trung Quốc đang không tìm cách làm như vậy về mặt quân sự, theo cách mà các cường quốc chuyên quyền thực hiện trong thế kỷ XX. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang sử dụng tầm ảnh hưởng địa kinh tế của mình để tìm cách gây ảnh hưởng vượt trội trên khắp Á-Âu, qua đó, thiết lập nên một trung tâm chiến lược mà Bắc Kinh có thể phát huy sức mạnh của mình ở phạm vi rộng lớn hơn.

'Trung Quoc dat cuoc 1.000 ty USD'
Trung Quốc chú trọng vào các dự án hạ tầng trong chiến lược BRI

Bloomberg cho rằng dự án Á-Âu của Trung Quốc sẽ chỉ thành hiện thực nếu Nga vẫn là một đối tác chứ không phải đối địch. Cho đến nay, Tổng thống Vladimir Putin đã gây sốc cho nhiều nhà quan sát Mỹ khi cho phép Trung Quốc là “người cưỡi ngựa” còn Nga là “ngựa”, trong liên minh này. Thậm chí, Moscow còn trao cho tập đoàn công nghệ hàng đầu Huawei của Trung Quốc đóng vai trò dẫn đầu trong việc phát triển mạng 5G ở Nga.

Tuy nhiên, Bloomberg cảnh báo giới chức Nga có thể chứng kiến mối nguy lâu dài trong việc hỗ trợ sự trỗi dậy của một siêu cường “hám lợi” ngay trước “mũi” mình.

Bên cạnh đó, giới phân tích phương Tây cho rằng có lý do để hoài nghi khả năng tài chính của sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Các ngân hàng Trung Quốc đã mạnh tay đầu tư vào các dự án của sáng kiến này, song nhiều khoản cho vay đang tỏ ra kém hiệu quả.

Mỹ đã lên tiếng cảnh báo các nước không thể trả nợ có thể phải nhượng quyền kiểm soát các hải cảng và các cơ sở hạ tầng chiến lược khác cho Bắc Kinh. Không những thế, mặt trái của vấn đề còn nằm ở chỗ những khoản nợ xấu này có nguy cơ gây bất ổn hệ thống tài chính Trung Quốc khi hệ thống này đang phải “ôm” cả một bong bóng nợ khủng.

'Trung Quoc dat cuoc 1.000 ty USD'
Tham vọng gây ra những nguy cơ khó lường

Học giả Mỹ Daniel Markey cho rằng sáng kiến “Vành đai và Con đường” chính là nơi mà những đại thiết kế địa chính trị đối mặt với những thực tế lộn xộn khu vực.

So sánh với những nỗ lực thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ khi vướng vào các cuộc đấu tranh chính trị “bẩn” ở các nước ở thế giới thứ ba, Bloomberg cho rằng sáng kiến “Vành đai và Con đường” đang làm Trung Quốc vướng mắc vào bất ổn như Uzbekistan và Pakistan.

Do đó, Trung Quốc sẽ thu được tầm ảnh hưởng lớn hơn từ dự án Á-Âu đầy tham vọng của mình, song nước này cũng sẽ “gặt hái” không ít tình huống khó khăn về mặt ngoại giao và kinh tế.

Vấn đề quan trọng hơn là Mỹ có động lực để ngăn chặn Bắc Kinh thực hiện các mục tiêu của mình và nhiều nước láng giềng Á-Âu của Trung Quốc cảnh giác trước vị thế thống trị của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump mới chỉ đưa ra cảnh báo về nguy cơ nói trên mà chưa thiết lập các biện pháp thay thế có ý nghĩa cho các nước đang “khát” vốn, công nghệ và cơ sở hạ tầng.

Bloomberg kết luận: “Bằng việc hoang phí tầm ảnh hưởng ở Trung Đông, Washington đang mở ra cách cửa để một Trung Quốc hùng mạnh hơn gây ảnh hưởng ở đó. Washington có thể “mạnh miệng” bàn tán về số phận của dự án Á-Âu của Trung Quốc chỉ khi nào Mỹ cố gắng chấm dứt tình trạng tự hủy hoại mình”.

'Trung Quoc dat cuoc 1.000 ty USD'
Mỹ cảnh báo mối đe dọa từ một cường quốc đang giảm tốc

Trong khi đó, tờ Foreign Affairs của Mỹ bình luận rằng, câu chuyện địa chính trị đặc trưng ở thời kỳ hiện nay là cái chết từ từ của nước Mỹ bá chủ trước một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Các dấu hiệu cho thấy sự trỗi dậy của Bắc Kinh hiện hữu ở khắp mọi nơi. Đầu tư ở nước ngoài của Trung Quốc mở rộng trên toàn thế giới. Hải quân Trung Quốc tuần tra trên mọi tuyến đường biển quan trọng.

Mặc dù vậy, giới phân tích Mỹ tin rằng đây không hẳn là sự đánh dấu quyền lực và tham vọng gia tăng của Trung Quốc.

Ngược lại, các hành động của Trung Quốc cho thấy sự lo lắng sâu sắc của các nhà lãnh đạo, trong lúc họ đang đối mặt với tình trạng giảm tốc kinh tế đầu tiên trong một thế hệ và hiện chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Các điều kiện kinh tế của Trung Quốc đang trở nên tồi tệ hơn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tốc độ tăng trưởng của nước này đã sụt giảm một nửa và có thể sẽ lao dốc hơn nữa trong nhiều năm tới, trong bối cảnh nợ công, chủ nghĩa bảo hộ ở nước ngoài, sự suy kiệt nguồn lực và già hóa dân số gây ra nhiều tổn thất.

Foreign Affairs cho rằng những vấn đề kinh tế sẽ khiến Trung Quốc trở thành đối thủ ít tầm cạnh tranh hơn trong dài hạn nhưng lại là một mối đe dọa lớn hơn với nước Mỹ ngày nay.

Trước đây, khi các cường quốc đang nổi chứng kiến sự giảm tốc, họ trở nên hà khắc hơn ở trong nước và hung hăng hơn ở bên ngoài. Và Trung Quốc dường như đang đi theo con đường đó.

Bảo Minh/Đất Việt

Đọc nhiều