Trung Quốc đang “ốm”, liệu Việt Nam có “yếu”?

Lan Hoa 22/08/2023 09:40

Theo Công ty Chứng khoán KBSV, tình trạng suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc đang tác động trực tiếp đến hoạt động thương mại và đầu tư tại Việt Nam.

Theo đó, từ đầu năm 2023, Trung Quốc đã gỡ bỏ hoàn toàn chính sách Zero – Covid để mở cửa trở lại nền kinh. Rất nhiều chuyên gia kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ từ nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh sau 2 năm dịch bệnh. Tuy nhiên, số liệu thống kê do Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc công bố ngày 17/7 cho thấy, GDP quý II/2023 nước này chỉ đạt 6,3%, thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 7,3% và có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại sau hơn 30 năm tăng trưởng thần tốc. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI và CPI lõi còn ở mức -0,2% và 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 6. Điều này vô tình đã làm dấy lên lo ngại về khả năng giảm phát kéo dài tại Trung Quốc.

Không chỉ vậy, kinh tế Trung Quốc hiện còn đang phải đối mặt với nhiều cơn gió ngược, từ việc Mỹ siết chặt hoạt động xuất khẩu chip đến chiến dịch tăng cường quản lý các ông lớn công nghệ mà chính phủ nước này đang theo đuổi.

Tuy nhiên, “thủ phạm” chính khiến cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bị chậm lại là do thị trường bất động sản – lĩnh vực vốn là nguồn đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng GDP. Theo nhiều chuyên gia, thời kỳ bùng nổ của bất động sản Trung Quốc đã đi đến hồi kết và gây hại cho tổng thể toàn bộ nền kinh tế theo nhiều cách khác nhau. Nếu những rủi ro này liên tiếp xảy đến, vấn đề không phải là ngành bất động sản mà cả ngành tài chính hay thậm chí cả nền kinh tế Trung Quốc sẽ đối mặt thảm họa. Thậm chí vào cuối tuần trước, chính Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã phải lên tiếng cảnh báo kinh tế Trung Quốc đang là “quả bom hẹn giờ” có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường.

Đáng chú ý, việc một đầu tầu kinh tế lớn như Trung Quốc giảm tốc không chỉ khiến cho chính quốc gia này trì trệ mà còn tác động đến rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có việt Nam. Trước đó, vào năm 2022, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN. Vì vậy, việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam theo cả mặt tích cực và tiêu cực.

Về mặt tích cực, không thể phủ nhận, sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc cũng phần nào làm giảm rủi ro lạm phát trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, từ đó tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa hỗ trợ kinh tế phục hồi.

Còn từ góc nhìn thu hút vốn đầu tư FDI, quá trình chuyển dịch nền kinh tế của Trung Quốc sẽ làm xáo trộn chuỗi giá trị và cung ứng trên toàn cầu. Các yếu tố thuộc về cấu trúc và rủi ro địa chính trị còn dai dẳng tiếp tục sẽ là động cơ để các nhà sản xuất tìm kiếm các thị trường mới và đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Ngoài ra, đi kèm với sự tập trung vào các ngành công nghệ cao, các lĩnh vực chế biến chế tạo và công nghiệp nặng dần bị thu hẹp sẽ là điều kiện cho Việt Nam có thể mở rộng và tiếp tục duy trì tăng trưởng khi tỷ trọng sản xuất hàng xuất khẩu với nhóm đối tượng này là tương đối lớn.

Từ tháng 5/2023, Foxconn đã chuyển toàn bộ dây chuyền sang Việt Nam để sản xuất iPad và Macbook cho đối tác Apple

Về mặt tiêu cực, chắc chắn khi thị trường tiêu dùng của Trung Quốc suy giảm, nhu cầu yếu sẽ làm ảnh hưởng tới các ngành nghề mà Việt Nam có tỷ lệ xuất khẩu cao sang Trung Quốc như nông sản, dệt may, nội thất…

Hơn thế nữa, hàng hóa nói chung của Trung Quốc thường có mẫu mã phong phú, đa dạng và giá thành thấp hơn nhiều so với hàng Việt Nam cùng loại. Vì vậy, sản xuất trong nước đã và đang phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt để giữ thị phần ngay trên chính sân nhà khi mà hàng hóa từ Trung Quốc tràn sang ngày càng ồ ạt. Thêm vào đó, khi đồng Nhân dân tệ phá giá, trong khi đồng USD có xu hướng tăng lên sẽ gây áp lực lên tỷ giá của đồng Việt Nam với các đồng ngoại tệ. Điều này về lâu dài sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc kiểm soát lạm phát, thị trường chứng khoán, dự trữ ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Vì vậy, để đứng vững trước những tác động xấu từ Trung Quốc, Việt Nam cần đẩy mạnh đa phương hóa và tăng cường tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới tiềm năng hơn. Mặt khác, Việt Nam cũng cần hoàn thiện thể chế chính sách để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và đáp ứng đủ yêu cầu phát triển của nền kinh tế số.

Lan Hoa

Đọc nhiều