Trung Quốc đang chuẩn bị cho “tình huống xấu nhất” về kinh tế?

26/05/2020 18:53

Trong cuộc họp với hàng chục quan chức kinh tế hàng đầu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng, Trung Quốc đang theo đuổi một kế hoạch mới, tập trung vào thị trường nội địa. Theo các chuyên gia phân tích, phát biểu của ông Tập nhằm “chuẩn bị cho tình huống xấu nhất” có thể xảy ra với nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình xuất hiện trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc (ảnh: Xinhua)

“Đối diện với tương lai, chúng ta phải coi nhu cầu trong nước là điểm khởi đầu, là chỗ dựa để có thể đẩy mạnh việc xây dựng một hệ thống tiêu thụ nội địa hoàn chỉnh và thúc đẩy sự đổi mới trong khoa học, công nghệ cùng các lĩnh vực khác”, ông Tập phát biểu.

Hu Xingdou – chuyên gia kinh tế tại Bắc Kinh – cho rằng, phát biểu của ông Tập là sự chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra với kinh tế Trung Quốc, bao gồm cả việc tách khỏi thị trường Mỹ, thậm chí là toàn bộ phương Tây.

Theo ông Hu, Trung Quốc không nên đảo ngược quy luật của kinh tế thị trường và quay lại nền kinh tế khép kín, nơi mọi hoạt động sản xuất đều phải dựa trên quyết định của nhà nước.

“Trung Quốc nên dành nhiều nỗ lực hơn nhằm thuyết phục phần còn lại của thế giới rằng, họ không hề có ý định xây dựng một mô hình kinh tế khác với xu hướng toàn cầu hóa hiện nay”, ông Hu nhận xét.

Theo ông Hu, sau thương chiến với Mỹ và đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng virus toàn cầu, Bắc Kinh dường như muốn đi theo con đường “kinh tế tự túc” trong tương lai.

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập cho biết, Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều “cơn gió chướng” từ bên ngoài, bao gồm suy thoái kinh tế toàn cầu, thương mại, đầu tư quốc tế bị đình trệ do đại dịch, chủ nghĩa bảo hộ tràn lan cùng rủi ro về chính trị.

“Chúng ta cần tìm kiếm sự phát triển trong một thế giới bất ổn hơn”, ông Tập nói.

Ông Tập cũng kêu gọi Trung Quốc phải tự chủ hơn nữa về công nghệ và thị trường.

Trong cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn cho biết, doanh số bán hàng nội địa của các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu tại nước này đã tăng 17% trong tháng 4.

Theo ông Chung Sơn, Trung Quốc đang có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp hướng tới khai thác thị trường trong nước thay vì nước ngoài.

Theo ông Raymond Yeung – chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng ANZ – sự thay đổi trong chiến lược phát triển kinh tế của Trung Quốc xuất phát từ lo ngại rằng, thị trường quốc tế sau đại dịch sẽ không thể phục hồi trong ít nhất là 2 – 3 năm tới.

Vương Nam/DV

Đọc nhiều