Trung Quốc đã chịu “cúi đầu” trước Nhật Bản?

24/12/2020 05:17

Vào ngày 18 tháng 9 năm 1931 – đúng 89 năm trước – Quân đội Đế quốc Nhật Bản đã cho nổ tung một đoạn Đường sắt Nam Mãn Châu ở nơi ngày nay là Thẩm Dương thuộc tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc. Họ làm cho vụ đánh bom trông giống như do những người Trung Quốc chống Nhật tiến hành và đã phát động một chiến dịch quân sự để trả đũa, một vụ việc được gọi là Biến cố Mãn Châu.

Chính quyền Trung Quốc hiện coi ngày xảy ra vụ đánh bom là ngày bắt đầu “cuộc kháng chiến chống Nhật xâm lược của nhân dân Trung Quốc.” Nhưng trước đây họ từng coi Biến cố Lư Câu Kiều ngày 7 tháng 7 năm 1937 – một cuộc giao tranh ở ngoại ô Bắc Kinh – mới là khởi đầu của cuộc kháng chiến chống Nhật.

Chính Chủ tịch Tập Cận Bình là người đã mở đường cho việc định nghĩa lại cuộc chiến tranh. Trong một bài phát biểu tháng 9 năm 2015, ông nói “Nhân dân Trung Hoa, chiến đấu ngoan cường suốt 14 năm, đã giành thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến chống Nhật xâm lược.”

Trong bối cảnh quan hệ Trung-Nhật lạnh nhạt, Bộ Giáo dục Trung Quốc hồi tháng 1/2017 thông báo cho công chúng biết rằng cuộc xung đột 8 năm thực ra kéo dài tới 14 năm. Khởi đầu chính thức của cuộc chiến do đó chính là vụ đánh bom đường sắt, được gọi là Biến cố Liễu Điều Hồ hay đơn giản là Biến cố 18 tháng 9.

Cuộc chiến là điểm nhấn trong giáo dục lòng yêu nước của Trung Quốc và đại diện cho nỗ lực nâng cao quyền lực của đảng.13

Hôm thứ Năm (17/09/2020), tôi đến thăm bảo tàng mang tên đầy đủ của cuộc chiến – Bảo tàng Kháng chiến chống Nhật Xâm lược của Nhân dân Trung Quốc – gần Cầu Lư Câu (Marco Polo). Nó vừa được mở cửa lại gần đây cho công chúng tham quan, bao gồm cả công dân nước ngoài, sau một thời gian dài đóng cửa vì đại dịch.

Tôi bắt gặp một nhóm gần 20 cảnh sát ở quảng trường bên ngoài tòa nhà.

Những người này vừa chụp ảnh kỷ niệm chuyến thăm vừa hô vang: “Mang trong mình lịch sử, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho cách mạng, nguyện sống đúng lý tưởng ban đầu và kiên trung với sứ mệnh của mình.”

Chắc chắn họ đang tham dự một chuyến tham quan học tập do đảng tổ chức trước thềm dịp kỷ niệm.

Bảo tàng, bắt đầu với một gian triển lãm về Biến cố Liễu Điều Hồ, rất đông mặc dù là ngày trong tuần. Một tấm biển giải thích vụ việc đánh dấu điểm khởi đầu của không chỉ cuộc kháng chiến chống Nhật mà còn cả “cuộc chiến chống phát xít của thế giới”, cả hai đều kết thúc vào năm 1945.

Trong căn phòng cuối hành lang có một bức ảnh ông Tập bắt tay cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Bức ảnh được chụp khi ông Tập và ông Abe tổ chức cuộc gặp đầu tiên bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tại Bắc Kinh vào tháng 11/2014.

Ông Tập trông gắt gỏng trong bức ảnh. Ông được cho là ngờ vực ông Abe, người đã đến thăm đền Yasukuni liên quan đến Thế chiến II ở Tokyo và có ý định sửa đổi hiến pháp hòa bình thời hậu chiến của Nhật Bản.

Dĩ nhiên chưa có bức ảnh trưng bày nào về người kế nhiệm ông Abe, Thủ tướng Yoshihide Suga, người vừa nhậm chức hôm thứ Tư.

Nhưng ông Tập đã gửi một bức điện chúc mừng đến ông Suga vào ngày hôm ấy. Việc ông Tập gửi điện chúc mừng như vậy là khác thường, vì theo thông lệ ngoại giao người gửi phải là Thủ tướng Lý Khắc Cường, người đồng cấp của ông Suga.

Động thái này có thể phản ánh kỳ vọng lớn của Bắc Kinh đối với ông Suga. Khi nào bức ảnh ông Tập và ông Suga bắt tay nhau sẽ xuất hiện trong bảo tàng chiến tranh? Tôi rất mong đợi điều đó.

Tetsushi Takahashi, Nikkei Asian Review, 9/2020.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Đọc nhiều