Trung Quốc còn lên tiếng ngang ngược khi Đức muốn đi ngang biển Đông

17/09/2021 09:04

Sau khi bị Trung Quốc từ chối, khinh hạm Bayern đã cập nhật lộ trình mới, bổ sung thêm một điểm dừng ở thành phố Darwin, phía Bắc Australia. 

Không cho tàu chiến Đức ghé cảng khi qua Biển Đông, Trung Quốc còn lên tiếng ngang ngược

Trước thông tin Bộ Ngoại giao Đức đưa ra về việc khinh hạm Bayern bị từ chối đề nghị ghé Thượng Hải, Trung Quốc đã có phản ứng gay gắt – SCMP đưa tin.

“Trung Quốc coi trọng sự phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Đức và Trung Quốc, gồm cả hợp tác giữa lực lượng quân đội hai nước và sẵn sàng tiến hành các trao đổi thân thiện trên cơ sở tin tương và tôn trọng lẫn nhau”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói thêm rằng việc “tạo không khí tích cực cho việc này” phụ thuộc vào Đức.

Bắc Kinh ngang ngược nói, hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở các vùng nước quốc tế trên Biển Đông “tạo ra mâu thuẫn”, “nhằm gây rối”. Trên thực tế, tuần tra tự do hàng hải ở các vùng nước quốc tế trên Biển Đông vốn là hoạt động Mỹ và đồng minh thường xuyên tiến hành nhằm thách thức yêu sách chủ quyền trái phép của Trung Quốc.

Giáo sư Shi Yinhong của Đại học Nhân dân nhận định: Suốt gần một năm, chính phủ Đức đã nhiều lần đưa ra các phát ngôn về việc phối hợp với đồng minh, thiết lập sự hiện diện chiến lược và bảo vệ tự do hàng hải – Có lẽ điều này đã khiến Bắc Kinh giận dữ.

“Theo những tuyên bố này, động cơ của Đức có thể bị chính phủ Trung Quốc coi là có hại cho lợi ích an ninh của mình”, ông Shi nói, “Trong tình huống đó, ta có thể mường tượng được việc Trung Quốc từ chối cho tàu chiến Đức ghé cảng”.

Khinh hạm 4.000 tấn Bayern đã khởi hành từ Wilhelmshaven hồi tháng trước để tiến hành sứ mệnh kéo dài 6 tháng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, bao gồm cả lộ trình di chuyển qua Biển Đông. Hoạt động này được SCMP cho là nhằm củng cố sự hiện diện của Đức ở khu vực.

Trước khi Bayern khởi hành, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer tuyên bố, mục tiêu của Đức là để thể hiện với đồng minh trong khu vực rằng “chúng tôi đứng lên ủng hộ các giá trị và lợi ích chung”. Bà Karrenbauer cũng nói, bà muốn EU thiết lập “hiện diện lâu dài” ở khu vực này.

 

Thi Anh

Đọc nhiều