Trung Quốc chơi lớn, quyết mua “cửa ngõ” khiến Australia hoảng sợ

Lan Hoa 09/09/2022 09:07

Trong một tuyên bố mới đây, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết, chính quyền của ông đang nỗ lực để ngăn chặn việc Trung Quốc mua lại quần đảo Conflict, nơi được coi là “cửa ngõ” của Australia.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese

Quần đảo Conflict bao gồm 21 hòn đảo san hô nằm ngoài khơi bờ biển phía đông Australia, nằm giữa Papua New Guinea và Quần đảo Solomon. Về mặt địa lý, quần đảo Conflict nằm gần một trong những tuyến đường vận chuyển chủ chốt và ba tuyến cáp dữ liệu khổng lồ mang dữ liệu của Australia. Bởi vậy, quần đảo này giữ một vai trò an ninh quốc gia rất quan trọng.

Hiện tại, một trong số các đảo đã có đường băng cho máy bay hạng nhẹ cất và hạ cánh trong khi một số đảo khác có thể xây đường băng cho máy bay cỡ 747. Cơ sở hạ tầng như vậy sẽ cho phép các máy bay chiến đấu của Trung Quốc cất và hạ cánh gần bờ biển Australia nếu họ mua quần đảo. Gần đây, Trung Quốc đã chứng tỏ xu hướng thiết lập căn cứ trên đảo nhỏ.

Chủ sở hữu của quần đảo này hiện thuộc về doanh nhân người Australia đã về hưu Ian Gowrie-Smith. Ông Ian Gowrie-Smith từng làm việc trong ngành khai thác dầu mỏ, khí đốt.

Quần đảo Conflict được xem là “cửa ngõ” của Australia

Vào tháng 6/2022, ông Gowrie-Smith đã gửi thư cho Ngoại trưởng Australia Penny Wong, đề nghị bán lại 21 đảo với giá 25 triệu USD. Trong thư, ông dọa nếu như không nhận được lời hồi đáp, ông sẽ bán chúng cho Trung Quốc. Thậm chí, trong một tuyên bố trên truyền thông, cựu doanh nhân còn tiết lộ nhân viên của ông đã liên hệ với những người mua Trung Quốc và miêu tả ít nhất một trong các hòn đảo có thể phù hợp xây dựng một đường bay quân sự.

Ngay khi nhận được tin, đích thân Thủ tướng Anthony Albanese đã lên tiếng. Theo ông, khu vực quần đảo Conflict có tới trên 500 hòn đảo lớn nhỏ. Australia không thể chi tiền thuế của người dân để mua tất cả các hòn đảo nhằm ngăn Trung Quốc. Đó là một việc ngoài sức tưởng tượng và khoản tiền phải bỏ ra là quá lớn.

“Nó sẽ tạo ra một tiền lệ. Nếu những người chủ sau tiếp tục thông qua các phương tiện truyền thông và nói rằng tôi muốn Chính phủ Australia mua tài sản này, hoặc không chúng tôi sẽ bán cho Trung Quốc. Việc đó sẽ không có hồi kết và ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia. Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện nhiều biện pháp để đối phó Trung Quốc mà không cần phải mua Conflict”, ông Anthony Albanese khẳng định.

Cơ quan tình báo Mỹ phân tích hình ảnh vệ tinh và phát hiện “các kết cấu và trang thiết bị liên quan đến quân sự mà ít nhất tạo cho Trung Quốc điều kiện để đặt lực lượng quân sự vĩnh viễn tại các đảo nhân tạo họ xây dựng trái phép”

Từ lâu, Trung Quốc đã có lịch sử xây dựng các căn cứ quân sự trên các hòn đảo thuộc Biển Đông, ban đầu xây dựng chúng như các cơ sở dân sự, sau đó triển khai hệ thống phòng không và hoả tiễn kiên cố. Gần đây nhất, Hải quân Trung Quốc cũng được cho là đang theo đuổi một thỏa thuận xây dựng địa bàn tại Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia, nơi đây từng là địa điểm đầu tư viện trợ quân sự của Mỹ.

Tham vọng của Trung Quốc mở rộng đến các hòn đảo chiến lược ở Nam Thái Bình Dương xuất hiện từ tháng 6/2022, khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tiến hành một chuyến công du lớn viếng thăm một loạt các quần đảo Solomon, Fiji, Kiribati, Samoa, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea và Timor-Leste. Chuyến thăm như một lời thông báo về “kế hoạch không gian biển”. Nếu được chấp nhận, kế hoạch sẽ mang lại cho Trung Quốc một vai trò lớn hơn trong các vấn đề hàng hải khu vực. Tuy nhiên, tất cả những lời đề nghị của Trung Quốc đều bị bác bỏ.

Tháng 6/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tiến hành một chuyến công du lớn viếng thăm một loạt các quần đảo Solomon, Fiji, Kiribati, Samoa, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea và Timor-Leste

Thủ tướng Australia cũng thừa nhận đang có cuộc cạnh tranh chiến lược ở khu vực Thái Bình Dương. Trong bối cảnh Trung Quốc đang không chỉ đẩy mạnh giao lưu kinh tế mà còn tăng cường hợp tác trong hàng loạt các vấn đề trong đó có an ninh với nhiều quốc gia trong khu vực, Australia muốn can dự một cách tích cực và có tính xây dựng trong khi tôn trọng chủ quyền của các quốc gia trong khu vực và ứng xử dựa trên sự tôn trọng.

Các chính trị gia Australia mới đây cũng đã bày tỏ sự quan ngại nghiêm trọng về thỏa thuận an ninh mới của Trung Quốc với chính quyền Quần đảo Solomon. Giờ đây, mối lo ngại càng lớn hơn khi quần đảo Conflict thậm chí còn gần hơn, chỉ cách Australia khoảng 300 hải lý.

Hiện tại, khi mà các nước láng giềng càng xích lại gần với Trung Quốc, và việc “cửa ngõ” của mình cũng đang bị Trung Quốc có ý đồ mua lại, thì nỗi lo của chính quyền và người dân Austrlia là hoàn toàn có cơ sở.

Lan Hoa

Đọc nhiều