Trung Quốc chơi chiến thuật tắt AIS để lẩn trốn ứng dụng theo dõi hàng hải

Nguyễn Anh 06/09/2019 17:41

Như chúng tôi đã nói trong bản tin trước, rất có thể có những tàu Trung Quốc tham gia diễn biến xâm phạm ngoài thực địa tắt AIS để lẩn trốn các ứng dụng theo dõi hàng hải.

Sau khi tàu Hải Dương Địa Chất 8 rút về Đá Chữ Thập (thuộc Trường Sa của Việt Nam), thì sau đó đến sáng ngày hôm qua, ngày 5/9, tàu hải cảnh 46301 đã rút về Đá Chữ Thập.  Theo dõi qua AIS, hiện không còn tàu hải cảnh Trung Quốc ở khu vực lô dầu 06.1. Nhưng trong các clip do ngư dân Bà Rịa Vũng Tàu quay được gần giàn khoan của Việt Nam, có sự xuất hiện của tàu hải cảnh 3308, tàu này ở đó từ lâu.

Và chúng tôi vừa phát hiện được có ít nhất một tàu Trung Quốc đã tắt AIS và nhiều khả năng vẫn đang hiện diện ở khu vực gần lô dầu 06.1 và gần Bãi Tư Chính, thay thế cho tàu hải cảnh 46301 đã rút về Đá Chữ Thập. Đó là tàu mang danh tính China Coast Guard 3308 khớp với nguồn clip của ngư dân Vũng tàu cung cấp.

Đây là góc chụp của con tàu 3308, hình do ngư dân Bà Rịa Vũng Tàu chụp
Đây là góc chụp của con tàu 3308, hình do ngư dân Bà Rịa Vũng Tàu chụp

Tàu hải cảnh 3308 của Trung Quốc đã hiện diện ngay từ những ngày đầu khi nhóm tàu Trung Quốc bắt đầu tràn xuống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Thời gian đầu, nó ở khu vực gần lô dầu 06.1 và gần Bãi Tư Chính. Đến giữa tháng 7, tàu này chuyển sang nhóm hộ tống tàu Hải Dương Địa Chất 8. Cho tới khi một số tàu hải cảnh mới (46111, 33111 và 31302) của Trung Quốc được tăng cường cho diễn biến thực địa, tàu 3308 đã rút về Quảng Châu.

Nhưng ngày 23/8, chiếc tàu hiện danh China Coast Guard 3308 đã lại khởi hành từ Quảng Châu, tắt AIS trên suốt đường đi, chỉ bật AIS một lần hiếm hoi ở gần khu vực Bãi Tư Chính ngày 4/9, và sau đó thì đã tắt AIS hoàn toàn cho tới nay.

Ảnh 1: Dữ liệu AIS cho thấy Tàu 3308 đã rời cảng ở Quảng Châu ngày 24/8, tắt AIS trên suốt dọc đường đi. Tín hiệu AIS tiếp theo và duy nhất thu nhận được từ tàu 3308 là vào ngày 4/9/2019, cho thấy tàu hiện diện ở khu vực gần lô 06.1 và Bãi Tư Chính.
Ảnh 1: Dữ liệu AIS cho thấy Tàu 3308 đã rời cảng ở Quảng Châu ngày 24/8, tắt AIS trên suốt dọc đường đi. Tín hiệu AIS tiếp theo và duy nhất thu nhận được từ tàu 3308 là vào ngày 4/9/2019, cho thấy tàu hiện diện ở khu vực gần lô 06.1 và Bãi Tư Chính.

Như vậy hoàn toàn có thể đặt khả năng tàu 3308 của Trung Quốc đang ở gần khu vực lô 06.1 thay cho tàu 46301 vừa mới rút về Đá Chữ Thập. Lô 06.1 vẫn chưa vắng bóng tàu hải cảnh Trung Quốc và các lực lượng chấp pháp của Việt Nam vẫn phải đương đầu.

Và vì Trung Quốc chơi chiến thuật tắt AIS, rất có thể vẫn còn những tàu Trung Quốc khác đang ở khu vực để quấy rối và gây sức ép lên hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam.

Ảnh 2: Tàu Chinacoastguard 3308 hiện diện ở gần khu vực lô 06.1 và Bãi Tư Chính vào lúc 5h03' sáng ngày 4/9.
Ảnh 2: Tàu Chinacoastguard 3308 hiện diện ở gần khu vực lô 06.1 và Bãi Tư Chính vào lúc 5h03′ sáng ngày 4/9.

Các tàu chấp pháp tham gia hỗ trợ hoạt động dầu khí của Việt Nam vẫn hiện diện khá nhiều ở khu vực gần Bãi Tư Chính, trong bể Nam Côn Sơn, giúp cho các hoạt động dầu khí của Việt Nam ở đây vẫn đang diễn ra tích cực. Ngoài hoạt động của giàn khoan Hakuryu-5 ở lô dầu 06.1 thì mới đây, Việt Nam cũng đã hạ đặt chân đế giàn công nghệ trung tâm Sao Vàng ở mỏ dầu Sao Vàng – Đại Nguyệt.

Các tàu tham gia bảo vệ chủ quyền và hỗ trợ hoạt động dầu khí của Việt Nam vẫn hiện diện khá nhiều ở khu vực gần Bãi Tư Chính, trong bể Nam Côn Sơn,
Các tàu tham gia bảo vệ chủ quyền và hỗ trợ hoạt động dầu khí của Việt Nam vẫn hiện diện khá nhiều ở khu vực gần Bãi Tư Chính, trong bể Nam Côn Sơn,

Hiện tượng này cho phép suy đoán một số điều sau:

1. Việc một tàu Trung Quốc quay trở về Quảng Châu thay vì chỉ ra đảo nhân tạo gần vùng biển Việt Nam không có nghĩa là nó đã kết thúc hành trình. Nó vẫn có thể quay lại vùng biển Việt Nam để tiếp tục tham gia chiến dịch xâm phạm vùng biển của Việt Nam.

2. Việc tàu hải cảnh Trung Quốc tiếp tục được điều xuống từ đại lục cho thấy căng thẳng sẽ còn kéo dài chưa có dấu hiệu kết thúc.

3. Việc Trung Quốc chơi chiến thuật tắt AIS để lẩn trốn các ứng dụng theo dõi hàng hải cho thấy nguy cơ Trung Quốc có thể tăng cường sức ép lên Việt Nam khi cố ý lẩn trốn khỏi sự theo dõi của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh Việt Nam cũng đang đấu tranh không khoan nhượng.

Trong trường hợp tàu Trung Quốc tắt AIS, cộng đồng khó được biết chi tiết chuyện gì đang xảy ra, nhưng trên thực địa thì mọi tàu đều đối mặt biết rất rõ “lòng dạ” của nhau. Chắc chắn, trong tay Việt Nam có đầy đủ hình ảnh, bằng chứng rõ ràng về việc các tàu Trung Quốc xâm phạm trên thực địa như thế nào. Đó là thứ vũ khí rất sắc để tung ra khi cần thiết.

Nguyễn Anh (đã bổ sung và chỉnh sửa một số thông tin từ Nguồn: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/ /Marine Traffic)

Đọc nhiều