Trung Quốc “chỉa giáo” đến gã khổng lồ công nghệ gọi xe lớn nhất nước

05/07/2021 10:15

Các cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc hôm 4/7 tuyên bố đã buộc các cửa hàng ứng dụng smartphone như App Store hay CH Play ngừng cung cấp ứng dụng gọi xe của gã khổng lồ gọi xe Didi Global.

Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho hay động thái buộc ngừng cung cấp ứng dụng gọi xe Didi Global được thực hiện sau khi CAC phát hiện gã khổng lồ này thu thập bất hợp pháp dữ liệu người dùng.

Didi hiện bị CAC yêu cầu thay đổi hoạt động nhằm tuân thủ quy tắc bảo vệ dữ liệu tại Trung Quốc, chỉ ít ngày sau khi công ty này bắt đầu giao dịch trên sàn New York sau khi huy động được 4,4 tỷ USD trong đợt IPO vừa qua.

Phản hồi lại yêu cầu của các cơ quan chức năng, Didi cho hay đã tạm ngừng đăng ký người dùng mới và sẽ tạm xóa ứng dụng khỏi các cửa hàng ứng dụng smartphone trước khi điều chỉnh hoạt động để tuân thủ quy tắc pháp luật cũng như bảo vệ quyền người dùng.

Trung Quốc nhắm đến gã khổng lồ công nghệ gọi xe lớn nhất đất nước - Ảnh 1.
Trung Quốc nhắm đến gã khổng lồ công nghệ gọi xe lớn nhất đất nước (Ảnh; CNBC)

Việc buộc ngừng cung cấp Didi trên các kho dữ liệu smartphone là động thái tiếp theo trong nỗ lực siết chặt quy định pháp lý với các gã khổng lồ công nghệ trong nước do hàng loạt lo ngại chống độc quyền cũng như bảo mật dữ liệu.

Didi vừa tiến hành niêm yết công khai lần đầu (IPO) vào tuần trước, với mức giá 14 USD/cp và giá trị thị trường được định giá ở mức 67,5 tỷ USD, thấp hơn nhiều mức 100 tỷ USD mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng. Nhưng sau đó hai ngày, CAC lập tức thông báo cuộc điều tra với Didi để bảo vệ “an ninh quốc gia và lợi ích công cộng”, khiến giá cổ phiếu của công ty này giảm 5,3% xuống còn 15,53 USD.

Mặc dù bị xóa khỏi các kho ứng dụng smartphone nhưng ứng dụng Didi vẫn sẽ hoạt động tại Trung Quốc với những người dùng đã tải xuống trước đó. Trung bình mỗi ngày, có 20 triệu chuyến đi được cung cấp bởi ứng dụng Didi.

Ngoài Trung Quốc, Didi cũng cung cấp dịch vụ gọi xe tại 15 thị trường khác, qua đó thu thập lượng lớn dữ liệu di động trong thời gian thực hàng ngày. Didi sử dụng một số dữ liệu này để phục vụ các công nghệ lái xe tự hành và phân tích giao thông.

Về phía Didi, công ty này tuyên bố “tuân thủ các quy định nghiêm ngặt trong việc thu thập, truyền, lưu trữ và sử dụng dữ liệu người dùng theo chính sách bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu của doanh nghiệp”.

Được thành lập bởi Will Cheng vào năm 2012, Didi trước đây đã phải trải qua cuộc điều tra của các cơ quan quản lý tại Trung Quốc về độ an toàn và giấy phép hoạt động. Nhưng trong những tháng gần đây, Didi không phải gã khổng lồ công nghệ duy nhất của Trung Quốc bị Bắc Kinh nhắm đến.

Trước đó, vào tháng 12/2020, Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường SAMR tuyên bố phạt Alibaba 500.000 NDT (76.500 USD) vì đã tăng cổ phần của tập đoàn này tại công ty bách hóa Intime Retail Group lên 73,79% vào năm 2017 mà không xin phép. Nhà xuất bản trực tuyến sách điện tử China Literature (trực thuộc Tencent) cũng phải chịu mức phạt tương tự vì cũng không xin phép cơ quan chức năng khi mua lại New Classics Media. Khoản phạt 500.000 NDT (76.500 USD) đối với cả Alibaba và Tencent (mức phạt tối đa cho hành vi vi phạm theo luật chống độc quyền) là không đáng kể với hai đại gia công nghệ Trung Quốc. Nhưng nó gửi đi một tín hiệu cảnh báo rõ ràng rằng thời đại mà Bắc Kinh dung túng cho hành vi độc quyền trong lĩnh vực Internet để khuyến khích đổi mới công nghệ có thể đã chấm dứt.

NTTD (CNBC)

Đọc nhiều