Trung Quốc cắt giảm lãi suất, tín hiệu tích cực cho Việt Nam?

Huy Hoàng 18/08/2022 14:36

Đi ngược với xu thế của các ngân hàng trung ương thế giới là tăng lãi suất để hãm phanh lạm phát, thì Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại xuống 0,1%. Điều này đã đặt ra không ít băn khoăn rằng liệu việc hạ lãi suất của PBOC sẽ giúp ích cho nền kinh tế Trung Quốc như thế nào? Thị trường xuất khẩu chủ lực thứ hai của Việt Nam có khởi sắc sau quyết định bất ngờ này hay không?

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ở Bắc Kinh

Khác với thế giới, Trung Quốc có thể hạ lãi suất mà ít đối mặt với rủi ro hơn

Đầu tiên chúng ta hãy nhìn vào chỉ số lạm phát của Trung Quốc được công bố hôm 10/08 vừa qua, ở đây CPI Trung Quốc đã chỉ tăng nhẹ từ 2.5% trong tháng 6 lên 2.7% trong tháng 7, mức tăng này thậm chí còn thấp hơn mức kỳ vọng là 2.9%. Lạm phát ở Trung Quốc không phải là mối lo, do đó, PBOC không cần hành động quyết liệt như các ngân hàng trung ương khác.

Sở dĩ mức lạm phát ở Trung Quốc thấp là đến từ năng lực sản xuất trong nước họ. Trong khi thế giới nhập khẩu mọi hàng hóa, cho đến cả lương thực thực phẩm, thì Trung Quốc do là một công xưởng của thế giới đã có gần như mọi thứ. Thậm chí đến mặt hàng năng lượng, Trung Quốc cũng đã hưởng lợi khá nhiều nhờ mua được nguồn dầu chiết khấu từ Nga.

Hạ lãi suất lúc này, sẽ giúp sức mua của nền kinh tế Trung Quốc hồi phục sau các đợt phong tỏa kéo dài. Hạ lãi suất cũng đồng nghĩa với bơm tiền, nên khi lãi suất cho vay giảm, người dân sẽ đi vay nhiều hơn, chi tiêu mạnh tay hơn. Sức mua hồi phục, các doanh nghiệp cũng tiếp cận được các khoản vay để gia tăng sản xuất hàng hóa, từ đó tạo công ăn việc làm và lấy lại sự tăng trưởng cho toàn nền kinh tế. Nếu chính sách này thành công, việc Trung Quốc hồi sinh sẽ tạo thêm thu nhập cho các nhà xuất khẩu ở Việt Nam, bởi Trung Quốc sẽ tăng thu mua lương thực do nước này vẫn đang trong tình trạng làm không đủ ăn. Chưa kể căng thẳng với Mỹ leo thang, Trung Quốc sẽ cần nhập khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu hơn từ Việt Nam.

Tuy nhiên có một vấn đề đáng lo là dòng vốn FDI trong khu vực sẽ bị cạnh tranh. Nguyên nhân là khi thị trường tiêu thụ nội địa Trung Quốc hồi sinh, họ sẽ thu hút được một lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ xuất khẩu lạm phát khiến kinh tế thế giới suy thoái, thì ít đâu hấp dẫn được hơn thị trường nội địa Trung Quốc. Một điều khác đáng thận trọng hơn nữa là khi Trung Quốc cắt giảm lãi suất, đồng nhân dân tệ chắc chắn sẽ mất giá so với đồng USD, điều này sẽ là một trợ lực giúp các nhà xuất khẩu ở Trung Quốc bán được nhiều hàng hơn. Thế giới sẽ một lần nữa phụ thuộc vào nguồn hàng giá rẻ của Trung Quốc. Từ đó tạo ra sức ép với hàng hóa xuất khẩu của ASEAN, trong đó có Việt Nam. Nếu Việt Nam và các nước ASEAN không chịu nổi sức ép lạm phát mà tăng lãi suất, khả năng hàng hóa sẽ khó cạnh tranh hơn với quốc gia tỷ dân này.

Không khó để thấy, trong bối cảnh suy thoái toàn cầu đang đến gần do các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, thì Trung Quốc tự tin rằng giờ đây họ có thể đi ngược xu hướng này. Hạ lãi suất, bơm thêm tiền sẽ giúp Trung Quốc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, thu hút được đầu tư, từ đó sớm giúp họ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việc nghiêm ngặt với chính sách phong tỏa như hiện nay tuy mang nhiều hệ lụy với nền kinh tế Trung Quốc, nhưng nhìn ở góc độ khác nó đã giúp người dân nước này cai được nguồn hàng hóa từ bên ngoài. Giờ đây Trung Quốc sẽ nỗ lực để gia tăng việc tự cung tự cấp và đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu song song với việc thu hẹp kim ngạch nhập khẩu. Trung Quốc không nắm trong tay con bài “đồng tiền chung của thế giới” như Mỹ, nhưng họ có hàng hóa, có cái ăn, có cái mặc và do đó họ cũng có con bài đủ mạnh để lật ngược chiêu trò xuất khẩu lạm phát của nước Mỹ.

Liệu Việt Nam có nên đi ngược chiều gió?

Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang rất thận trọng với việc tăng lãi suất điều hành, nên sẽ không thể vội vàng cắt giảm lãi suất ngay được. Bởi dù sao Việt Nam vẫn đang chứng kiến tình trạng nhập siêu, trong đó đặc biệt như tình trạng phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, dầu thô từ bên ngoài.

Đồng USD tăng giá sẽ khiến giá cả đầu vào tăng theo, khiến lạm phát trong nước tăng, nên nếu bơm tiền ra nền kinh tế lúc này, lạm phát sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát của chính phủ. Nhưng dù không thể đi ngược chiều gió thì hiện nay chính sách điều hành tiền tệ của chính phủ đã là quá tốt. Trong đó đơn cử như việc cắt giảm thuế phí đối với mặt hàng xăng dầu, việc này trước mắt đã kiềm chế được lạm phát lan rộng ra toàn nền kinh tế. Song song với đó là dập tắt nạn đầu cơ, chuyển hướng nguồn vốn vào đầu tư và cho vay trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực xuất khẩu và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Từ đây không cần bơm tiền ồ ạt mà vẫn hồi phục được sức mua của nền kinh tế, một công đôi việc và tránh những hệ lụy không đáng có.

Ngoài ra, chính phủ vẫn đang rất lưu tâm tới tình hình dịch bệnh, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh quan điểm kiên quyết, kiên trì, kiên định kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả để góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội; dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại, cơ quan, địa phương nào để dịch bệnh bùng phát trở lại phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Hay ngay trong tháng 8, phải hoàn thành việc tiêm mũi 3, 4 cho các đối tượng chỉ định, mũi thứ 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi…

Với những hành động quyết liệt trên, tin chắc rằng Việt Nam ta vẫn có thể lội ngược dòng suy thoái theo cách của riêng mình.

Huy Hoàng

Đọc nhiều