128027
category
510173

Trung Quốc “bổn cũ soạn lại” tại bãi Ba Đầu

09/04/2021 12:52

Giới chuyên gia cảnh báo Trung Quốc duy trì đội tàu ở bãi Ba Đầu như công cụ kiểm soát thêm thực thể trên Biển Đông, như đã làm với bãi cạn Scarborough.

Biển Đông đang dậy sóng với những động thái mới của Trung Quốc. Việt Nam, Philippines và nhiều nước khác gần đây liên tục lên tiếng phản đối việc hơn 200 tàu vỏ sắt Trung Quốc neo đậu trái phép tại bãi Ba Đầu trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà không đánh bắt dù trời trong xanh và thời tiết thuận lợi. Philippines cho rằng đây là lực lượng dân quân biển Trung Quốc.

Việt Nam khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.

Hôm 4/4, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói việc Trung Quốc duy trì hiện diện của dân quân biển thể hiện mưu đồ “chiếm thêm” các khu vực ở Biển Đông.

Đây không đơn thuần là rủi ro, Trung Quốc từng thực hiện việc này“, giáo sư Jay L. Batongbacal tại Trường Luật thuộc Đại học Philippines, đồng thời là Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển của trường, chia sẻ với VnExpress về bình luận của Lorenzana.

Nguy cơ Trung Quốc chiếm thêm ở Biển Đông
Tàu Trung Quốc thả neo tại bãi đá ngầm gần đảo Sinh Tồn Đông ngày 23/3. Ảnh: Reuters.

“Bắc Kinh đã thể hiện rằng họ duy trì sự hiện diện của các tàu như một cách thay thế cho việc chiếm đóng thực tế các thực thể mà họ nêu yêu sách chủ quyền. Đây là cách để họ ‘lách’ cam kết trong Tuyên bố ứng xử năm 2002 về việc không chiếm thêm bất kỳ thực thể địa lý nào ở Biển Đông”, Batongbacal nói thêm.

Batongbacal chỉ ra rằng Trung Quốc đã làm được điều này với bãi cạn Scarborough và bãi cạn James, bằng cách cho tuần duyên đóng quân liên tục tại những địa điểm đó, không chịu rời đi, canh gác khi ngư dân của họ đánh bắt cá và ngăn tàu của các quốc gia khác đến gần.

“Họ dường như lên kế hoạch làm điều tương tự với bãi Ba Đầu bằng cách sử dụng nó làm nơi neo đậu cho đội tàu cá và dân quân biển. Họ có khả năng tiếp tục sử dụng phương pháp này với các thực thể khác để mở rộng kiểm soát ở Biển Đông”, Batongbacal cảnh báo.

Võ Ngọc Diệp, chuyên gia tại Viện Biển Đông, Học Viện Ngoại giao, cho biết Trung Quốc bắt đầu đưa tàu leo đậu số lượng lớn tại bãi Ba Đầu vào khoảng tháng 2 -5/2020 và lại tập kết tại đây vào cuối năm 2020. Trung Quốc tiếp tục động thái này vào năm 2021 và số lượng tàu tăng lên đáng kể.

“Đáng chú ý, tháng 3 – 4 là thời gian biển lặng nhất trong năm, do vậy đây rõ ràng không phải neo đậu do thời tiết xấu” theo như lời Trung Quốc bao biện, chuyên gia Diệp khẳng định và đặt nghi vấn Trung Quốc “có ý đồ kiểm soát bãi cạn” khi nhìn từ kịch bản ở Scarborough.

Ba tuần hiện diện của hơn 200 tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông
Tàu cá Trung Quốc hiện diện trên Biển Đông. Đồ họa: Vũ Anh – Tạ Lư.

Phó đô đốc Yoji Koda, cựu tư lệnh Hạm đội Phòng vệ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, đánh giá “rõ ràng Trung Quốc muốn nắm quyền kiểm soát thực tế với bãi Ba Đầu trong thời gian sớm nhất”. “Sau đó, nếu tình huống cho phép, Trung Quốc cũng muốn xây đảo nhân tạo bằng cách cải tạo thực thể này giống như với đá Chữ Thập, Vành Khăn và đá Subi”, ông nói thêm.

Đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi nằm trong số 7 bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, cải tạo thành đảo nhân tạo và xây dựng nhiều công trình kiên cố.

Koda cho rằng chính phủ các nước liên quan đã nhanh chóng đưa ra thông cáo về vấn đề để thu hút sự chú ý của thế giới. Chính phủ Mỹ đã phản ứng và bày tỏ ý định hỗ trợ Philippines.

Trong khi đó, Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, cho rằng Trung Quốc ít khả năng xây dựng trên thực thể mới trong thời gian ngắn. “Nhưng Bộ trưởng Lorenzana đã nhận định đúng rằng các tàu dân quân của họ đang thiết lập kiểm soát thực tế đối với nhiều khu vực mà họ không chiếm đóng“, Poling nói thêm.

Koda nhắc đến việc nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Teddy Roosevelt đã vào Biển Đông và cho rằng động thái này khiến Trung Quốc không thể thực hiện thêm bất kỳ hành động nào được lên kế hoạch từ trước, mà họ chỉ đang phô diễn sức mạnh hàng hải với Philippines bằng cách duy trì đội tàu lớn trong khu vực.

“Tình hình đang bế tắc, nhưng Trung Quốc sẽ không rút đội tàu. Nếu nhóm tác chiến tàu sân bay Roosevelt sớm rời khỏi khu vực, đó sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc. Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục ‘chiến dịch chiếm bãi Ba Đầu'”, ông Koda nhận xét.

“Nếu trường hợp này xảy ra, các thực thể hàng hải Việt Nam kiểm soát gần đó sẽ gặp rủi ro rất cao bởi các hoạt động điều động của Trung Quốc”, phó đô đốc nói thêm.

Ông cho rằng để tránh kịch bản này xảy ra, điều cộng đồng quốc tế nên làm là thuyết phục Mỹ giữ nhóm tác chiến tàu sân bay trong khu vực càng lâu càng tốt. Cộng đồng quốc tế cũng nên gây áp lực chính trị lớn nhất để Trung Quốc ngừng chủ nghĩa phiêu lưu. Để thực hiện được các hoạt động chính trị, ngoại giao này, sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia có liên quan và cùng chí hướng là chìa khóa dẫn đến thành công.

“Cộng đồng quốc tế phải hoàn toàn nhận thức được chiến thuật của Trung Quốc và ủng hộ lập trường của các quốc gia nhỏ hơn như Việt Nam, Philippines và Malaysia trong việc lên án kiểu hoạt động này”, Batongbacal nói. “Các nước cần nhấn mạnh rằng hành động của Trung Quốc sẽ không trao cho họ tuyên bố chủ quyền hợp pháp nào với bất kỳ thực thể nào họ kiểm soát”.

Các hoạt động đánh bắt cá không thể hợp thức hóa các yêu sách chủ quyền đối với quyền lãnh thổ hoặc quyền tài phán nằm ngoài phạm vi được công nhận trong UNCLOS“, Batongbacal nhấn mạnh.

Poling cũng cho rằng lựa chọn tốt nhất của các bên tranh chấp và cộng đồng quốc tế là theo dõi, công khai thông tin và chỉ trích các hoạt động triển khai bán quân sự của Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế, để Bắc Kinh phải trả một cái giá đáng kể về mặt ngoại giao và uy tín cho hành vi phi pháp này.

Đánh giá về nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông, Batongbacal cho rằng đây là tín hiệu khá rõ ràng rằng nếu có rắc rối xảy ra, Mỹ sẽ sẵn sàng đứng về phía đồng minh Philippines. Theo điều khoản của Hiệp ước Phòng vệ Tương hỗ, bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào quân đội, tàu hoặc máy bay của Philippines ở bất kỳ đâu tại Biển Đông đều sẽ kích hoạt nghĩa vụ của hiệp ước. Hải quân Mỹ sẽ có mặt để hỗ trợ các lực lượng Philippines trong trường hợp họ bị Trung Quốc tấn công.

“Mỹ đang cho thấy họ sẽ tự do hoạt động trên các vùng biển quốc tế, bao gồm Biển Đông. Đó là lời nhắc nhở với Bắc Kinh rằng Washington sẽ không bao giờ công nhận yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông”, Poling nói. “Họ cũng gửi thông điệp tới các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á rằng chính quyền mới của Biden cam kết hiện diện trong khu vực và chống lại Trung Quốc”.

Phương Vũ

Đọc nhiều