8
category
442007

Trực thăng cứu nạn, dời nhà tránh núi lở

24/10/2020 07:08

Không chỉ thả hàng cứu trợ, hôm qua trực thăng của Bộ Quốc phòng cũng tham gia cứu nạn… 

Người dân vùng cao Tây Giang (Quảng Nam) phải “dời” nhà khỏi khu vực nguy cơ sạt lở /// ẢNH: C.X
Người dân vùng cao Tây Giang (Quảng Nam) phải “dời” nhà khỏi khu vực nguy cơ sạt lở

Sáng qua 23.10, trực thăng của Bộ Quốc phòng đã chở thêm 1 chuyến hàng cứu trợ cứu nạn cho xã Hướng Việt (H.Hướng Hóa, Quảng Trị). Từ chiều 22.10, trực thăng của Bộ Quốc phòng đã tiếp cận xã Hướng Việt và thả 1,5 tấn hàng cứu trợ cho người dân địa phương.

Hai cán bộ bị thương được cứu hộ đưa đi chữa trị

Hôm qua, UBND H.Hướng Hóa cũng điều động 10 xe bán tải chở theo hàng hóa, nhu yếu phẩm ra phía Quảng Bình, theo đường Hồ Chí Minh nhánh tây để tiếp cận 2 xã Hướng Lập và Hướng Việt để tham gia tiếp tế, cứu trợ người dân. Tổ công tác 17 người gồm y bác sĩ Trung tâm y tế H.Hướng Hóa, cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Hướng Phùng và Ban Chỉ huy quân sự H.Hướng Hóa cũng cắt rừng vào xã Hướng Việt để khám chữa bệnh cho người dân, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ.

Không chỉ thả hàng, hôm qua trực thăng của Bộ Quốc phòng cũng tham gia cứu người. Hai cán bộ của UBND xã Hướng Việt gồm: ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã, và ông Lê Văn Dùy, Phó bí thư Đảng ủy xã, được trực thăng chở gấp xuống sân bay Phú Bài, ở đó đã có sẵn xe cứu thương của Bệnh viện T.Ư Huế túc trực để đưa về bệnh viện chữa trị. Trước đó, ngày 17.10, ông Sinh và ông Dùy cùng nhiều cán bộ xã Hướng Việt gặp nạn khi đang tìm kiếm, giải cứu nhóm người dân địa phương bị mất liên lạc vì mưa lũ. Trong lúc di chuyển trên tuyến Hồ Chí Minh nhánh tây, nhóm cứu hộ của xã không may gặp đường bị sạt lở. Thượng úy Trương Văn Thắng (công an viên xã Hướng Việt) hy sinh; ông Sinh, ông Dùy bị gãy chân, buộc dưỡng thương tại trụ sở UBND xã Hướng Việt từ đó đến nay, do khu vực này bị cô lập.

Hàng loạt điểm sạt lở nghiêm trọng

Ở vùng cao Quảng Nam, chiều qua 23.10 ông Arất Blúi, Phó chủ tịch UBND H.Tây Giang, cho biết gần 220 hộ dân đã phải rời nhà tìm đến các nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, nhà hàng xóm, người thân… để lánh nạn. Địa phương huy động lực lượng chức năng di dời dân. Đây là vùng đang sạt lở nặng, nằm ở 4 xã biên giới giáp Lào gồm A Xan, Gari, Ch’Ơm, Lăng.

Ông Blúi cho hay đây là một cách chạy nạn chủ động, trước nguy cơ nhiều ngôi làng bị núi vùi lấp. “Các hộ dân sau khi di dời sẽ được đưa đến vùng an toàn cũng được huyện hỗ trợ tránh trú qua giai đoạn mưa lũ này. Địa phương đã tạm ứng kinh phí mua 300 tấn gạo cùng nhiều cá khô, muối phát cho người dân các xã biên giới”, ông Blúi nói. Địa phương cũng sơ tán hơn 500 học sinh đang ở các khu vực bị uy hiếp bởi nguy cơ sạt lở. “Nhiều ngày qua, lực lượng quân đội, công an, Đoàn thanh niên và đông đảo người dân đã dồn sức chạy đua với thời gian sơ tán người, tháo dỡ nhà cửa di dời đến nơi ở mới an toàn”, ông Blúi nói thêm.

Sạt lở cũng diễn biến phức tạp ở vùng cao Quảng Nam. Tại H.Tây Giang, mưa đã tạm ngớt nhưng nhiều tuyến đường từ Azứt (xã Bha Lêê) đi lên trung tâm huyện, từ trung tâm huyện đi lên các xã vùng cao xuất hiện nhiều điểm sạt lở nặng. Tại mỗi điểm sạt lở, ước có khoảng hàng ngàn khối đất đá, cây cối từ taluy dương tràn xuống mặt đường. Ở phía nam, địa bàn H.Nam Trà My, tuyến ĐH8 nối với đường Đông Trường Sơn bị sạt lở đến 6 điểm. Người dân địa phương vẫn đang vất vả tìm cách “né” các vùng nguy hiểm.

Mạnh Cường/ TNO

Đọc nhiều