2
category
406208
Trọng nhân tài – bí quyết thành công của singapore
03/07/2020 06:11

Singapore có diện tích chỉ gần 710 km2, là một trong những đất nước nhỏ nhất thế giới, dân số khoảng hơn 5 triệu người. Trong quá khứ nơi đây chỉ là một làng chài yên bình. Ngày nay, Singapore đã trở thành một thành phố quốc tế phát triển sôi động với nhiều tòa nhà cao tầng, công viên cùng một quần thể văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật và kiến trúc đan xen hài hòa.

Lễ tốt nghiệp của sinh viên Đại học Quốc gia Singapore (NUS) – nơi đào tạo nhiều chính khách hàng đầu của quốc đảo.

Singapore là một nước Cộng hòa nghị viện có hệ thống chính trị tập trung vào chế độ dân chủ. Đảng Nhân dân hành động (PAP) được thành lập ngày 21-11-1954, là đảng lớn nhất (trong số gần 30 đảng) và là đảng cầm quyền duy nhất kể từ khi nước này giành độc lập cho tới nay. Singapore tuyên bố tách khỏi Liên bang Malaysia, để chính thức trở thành quốc gia độc lập vào ngày 9-8-1965. Kể từ ngày độc lập, Đảng PAP luôn khẳng định được vị thế, chiếm được lòng tin của hết thảy mọi người dân nên đều thắng tuyệt đối trong các kỳ tổng tuyển cử. Điều đặc biệt ấn tượng và cũng là bí quyết thành công đó của Đảng PAP chính là công tác cán bộ.

Singapore là một trường hợp điển hình trong các nước ASEAN về tinh thần coi trọng nhân tài, có chính sách sử dụng và phát triển nhân tài hữu hiệu. Ông Lý Quang Diệu, người giữ chức Thủ tướng “quốc đảo sư tử” này suốt 38 năm đã nhận xét về chế độ quản lý của nước ông: “Chế độ Singapore thực hành là chế độ trọng nhân tài”. Chỉ vài năm sau khi độc lập, Lý Quang Diệu đã tuyên bố sẽ sửa đổi chính sách nhân sự của chính phủ: “Chỉ có những nhân tài đầy đủ tinh lực, cương nghị, giàu tài năng, sẵn sàng toàn tâm, toàn ý lấy biểu hiện công tác để giành tiến thủ mới có thể được cất nhắc…”. Chế độ công chức của Singapore ngay sau đó đã được sửa đổi theo nguyên tắc nhận biết chính xác công chức có tài và công chức bình thường, có chính sách đãi ngộ tương ứng.

Một kinh nghiệm ông Lý Quang Diệu thường nhắc đi nhắc lại trong 38 năm lãnh đạo đất nước là: “Biết dùng nhân tài là bí quyết thành công”. Chức vụ lãnh đạo, quản lý càng cao càng cần phải có người tài đảm nhiệm. Lý Quang Diệu rút ra một lý luận gần như định luật trong công tác cán bộ: “Khi một nhân vật có năng lực đảm nhiệm một trọng trách, họ sẽ tập hợp những người có năng lực khác thành một đội ngũ hợp tác chặt chẽ với nhau. Ngược lại, lãnh tụ xấu sẽ đuổi người tốt, không cho họ giữ những chức vụ quan trọng”. Đảng PAP biết cách thu hút và sử dụng nhân tài không chỉ trong nước mà cả nước ngoài, không phân biệt màu da, dân tộc. Quốc đảo này đã thành công trong việc thu hút được rất nhiều nhân tài từ nước ngoài đến lập nghiệp, một số trở thành các bộ trưởng xuất sắc.

Ở Singapore, mọi nhân tài đều có cơ hội được bổ nhiệm vào các chức vụ cao thông qua tuyển chọn công khai và cạnh tranh tự do, trung thực. Chế độ tuyển chọn đề bạt nhân tài vào Trung ương rất nghiêm ngặt. Mỗi lần bầu cử, Đảng PAP đề cử khoảng 20 người mới thay mặt Đảng để bầu vào các chức vụ cao. Việc lựa chọn những người kế tục ở cấp cao được Đảng PAP tiến hành có kế hoạch, theo trình tự tương đối phức tạp và có hệ thống.

Trước hết, những ứng cử viên phải là người được đào tạo từ nền giáo dục quốc gia, tốt nghiệp đại học, là chuyên gia và nhân sĩ cao cấp của doanh nghiệp; được nghị sĩ quốc hội đương chức hoặc cơ quan chủ quản nhân sự của doanh nghiệp giới thiệu. Bước 1 “nhóm tuyển chọn đề bạt” do Đảng tổ chức sẽ tiến hành mạn đàm, trắc nghiệm với những người được giới thiệu để kiểm tra kiến thức, tình cảm, mức độ thành thực và lòng trung thành. Nếu ở bước này đạt yêu cầu, thì bước 2 sẽ là đối thoại trực tiếp về quan niệm giá trị năng lực, có sự tham gia của các lãnh tụ chính trị”. Bước 3, chủ yếu do các bậc tiền bối chất vấn, đánh giá năng lực của họ và đề xuất ý kiến. Các khâu tương tự như vậy có thể phải trải qua 7- 8 lần.

Việc tuyển chọn, đề bạt nhân tài của Singapore được thực hiện rất công tâm, minh bạch, khách quan, không hề có biểu hiện tiêu cực, hối lộ, tham nhũng hay hiện tượng “chạy chức, chạy quyền”. Pháp luật nước này có những quy định chặt chẽ khiến mọi người không cần, không muốn, không dám và không thể tham nhũng, tiêu cực.

Cuối cùng, còn có thể tổ chức “huấn luyện quyết sách” tương đối đặc biệt, căn cứ vào đó để kiểm tra năng lực xuất chúng. Người bị cho là thiếu năng lực quyết sách, do dự, thiếu quyết đoán sẽ bị loại. Một điều hết sức quan trọng là việc tuyển chọn đề bạt nhân tài của Singapore đều được thực hiện rất công tâm, minh bạch, khách quan, không hề có biểu hiện tiêu cực, hối lộ, tham nhũng hay hiện tượng “chạy chức, chạy quyền” vì pháp luật nước này có những quy định chặt chẽ khiến mọi người không cần, không muốn, không dám và không thể tham nhũng, tiêu cực.

Đảng Nhân dân hành động thường bồi dưỡng nhân tài từ ba mặt: Một là, thành lập cơ sở chuyên đào tạo. Ngày 8-9-1959, để củng cố nền móng chính quyền yếu ớt của mình, Đảng PAP vừa mới cầm quyền đã thành lập trung tâm học tập chính trị và xây dựng quỹ cấp cho nghiên cứu học tập, quy định đảng viên có nghĩa vụ tham gia học tập, để xúc tiến sự ủng hộ chính trị của đảng viên đối với đảng. Năm 1965, Lý Quang Diệu đã thành lập Trường bồi dưỡng đào tạo nhân tài chuyên môn. Hai là, thông qua lời nói và việc làm mẫu mực của các nhà chính trị lão luyện. Ba là, chú trọng rèn luyện nhân tài trong hoạt động thực tiễn chính trị.

Để tạo nguồn nhân tài cho thế hệ tiếp theo, Singapore cũng rất thành công với chính sách tuyển chọn và cấp học bổng cho các sinh viên ưu tú ra nước ngoài học tập để trở về phục vụ đất nước và thành công trong việc giữ gìn, phát triển nguồn tài nguyên nhân tài của quốc gia, không để xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám”. Hằng năm, Singapore có 100 suất học bổng cho các học sinh xuất sắc đi du học ở các trường đại học nổi tiếng nhất thế giới với hy vọng khoảng 50% sẽ quay về phục vụ đất nước. Singapore lập một Ủy ban phụ trách việc chiêu mộ nhân tài, tiến tới thành lập Ủy ban dịch vụ tư vấn chuyên gia và tuyển mộ chuyên nghiệp thuộc Cục Phục vụ công cộng. Đặc biệt còn có Ủy ban chiêu mộ nhân tài ngoại quốc, chủ yếu nhằm vào những nhân tài người châu Á, đồng thời có chính sách đãi ngộ nhân tài rất thỏa đáng. Các tài năng trẻ được đảm nhiệm những công việc phù hợp với chuyên môn và sở trường của họ, được hưởng mức lương cao, được cấp nhà ở… Singapore cũng giáo dục các tài năng trẻ ý thức được bổn phận và nghĩa vụ của mình đối với người thân, đồng bào và xã hội…

Việt Nam và Singapore đã có mối quan hệ ngoại giao từ năm 1973, hai đảng cầm quyền cũng đã thiết lập quan hệ chính thức từ năm 1993. Hiện nay quan hệ giữa hai nước ngày càng gắn bó. Ở Việt Nam, cách đây hơn 5 thế kỷ, Tiến sĩ Thân Nhân Trung – Hàn lâm, Đông Các Đại học sĩ dưới triều Lê đã có câu nói nổi tiếng còn lưu truyền cho đến ngày nay: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí”. Việc nghiên cứu những kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân tài nêu trên từ Singapore và kế thừa những truyền thống tốt đẹp của ông cha ta sẽ giúp chúng ta có những kiến thức bổ ích trong công việc, nhất là cho việc đổi mới công tác cán bộ ở nước ta hiện nay, góp phần xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh.

TS. Thân Minh Quế

Đọc nhiều