Trông chờ một lệnh khẩn để “cứu” toàn thành
TP.HCM đang bước vào giai đoạn chống dịch khốc liệt nhất, dù đã trải qua 37 ngày giãn cách xã hội, số ca nhiễm không giảm, lại ngày càng nhảy vọt, với 7.385 ca Covid-19, cao nhất cả nước. Có thể nói, tâm trạng của người dân TP HCM trong những ngày này không khác gì đang “ngồi” trên đóng lửa.
“Phong tỏa toàn thành phố trong vài tuần” – đây là kiến nghị của rất nhiều người dân được đưa ra khi suốt mười ngày liền, TP.HCM luôn “đội sổ” về ca nhiễm. Có thể thấy, trong cuộc chiến chống dịch khốc liệt này, ở đợt dịch thứ 4, chính quyền TP đã rất nỗ lực và linh hoạt đưa ra các biện pháp chống dịch, áp dụng chỉ thị 15 của Chính phủ và ra chỉ thị 10 áp dụng cho khu vực là điểm nóng của dịch bệnh, khu vực nguy cơ cao và thấp.
Có thể nói, chỉ thị số 10 của chính quyền TP.HCM trong thời gian qua đã giúp rất nhiều cho các doanh nghiệp và cả người lao động, nhất là công nhân ổn định đời sống khi vừa chống dịch, vừa làm việc tạo ra sản phẩm kinh tế. Lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, không đóng cửa tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn TP, đưa ra nhiều quy định siết chặt công tác phòng chống dịch với các công ty đang hoạt động cũng có thể là sự kiến tạo, ứng phó chủ động của chính quyền TP “sống chung với dịch” trong diễn biến dịch bệnh vẫn đang lan rộng toàn cầu.
Tuy nhiên, với diễn biến dịch bệnh nhảy vọt như thời điểm hiện nay, số ca nhiễm ngoài cộng đồng chưa xác định được nguồn lây ngày càng nhiều, nhiều trường hợp được phát hiện dương tính với Covid-19 thông qua việc xét nghiệm test nhanh tại các bệnh viện để có “giấy thông hành” âm tính, số ca nhiễm trong khu công nghiệp bắt đầu gia tăng. Như nhìn nhận của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên: “Số ca F0 phát hiện mới ngoài cộng đồng còn quá lớn – đây là yếu tố nguy cơ và gây khó khăn cho quá trình chống dịch Covid-19”, thì việc phong tỏa toàn TP.HCM ngay lúc này để tập trung cho công tác chống dịch là mệnh lệnh – nhiệm vụ cấp bách, không thể chần chờ và kéo dài thêm nữa!
Là trung tâm kinh tế của cả nước với nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất lớn, việc quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt có thể làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, nhưng nếu dịch bệnh không kiểm soát, không thể dập được, ca nhiễm như “chứng khoán đỏ” báo động và “đội sổ” như hiện nay thì mọi kế hoạch phát triển kinh tế sẽ không thể nào trơn tru. Tất cả mọi kịch bản tăng trưởng sẽ thất bại và không nghĩa lý gì nếu TP.HCM không dập được dịch.
Người dân TP.HCM ai cũng mong thành phố mau “hết bệnh” để nhà nhà, người người trở lại cuộc sống bình thường. Bao nhiêu ngày thành phố bệnh, ngõ ngách giăng dây là bấy nhiêu ngày người dân sống trong cảnh hoang mang, lo sợ, không biết y tế phường gõ cửa lúc nào. Ngày nào cũng bị hao mòn tinh thần khi ca nhiễm tăng chóng mặt, ngõ hẻm gần nhà “đóng băng” nội bất xuất ngoại bất nhập, công ăn việc làm gián đoạn và ám ảnh không nguôi khi vài hôm lại thấy hình ảnh những đứa trẻ nhỏ tuổi vừa lên 5, lên 6 phải đi cách ly, khoác trên mình trang phục bảo hộ.
Thà phong tỏa toàn thành phố một lần, quyết liệt chống dịch một lần, không để dịch lây từ quận này sang quận khác, từ nơi này sang nơi khác và “đánh” đứt gãy các chuỗi lây bệnh để người dân an tâm, và còn sức lo để mà lo cho cuộc sống những tháng ngày cuối năm. Chứ lay lắt và lo sợ như hiện nay không chỉ hao tốn sức lực, mà còn lãng phí thời vàng để kết thúc một cuộc chiến chống virus.
Để thực hiện được mục tiêu dập tắt dịch nhanh nhất có thể và biến ước muốn đó thành sự thật, rất cần những quyết định mạnh mẽ hơn của lãnh đạo chính quyền TP.HCM và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nói rõ: “Bảo đảm mục tiêu kép là nhiệm vụ nhất quán nhưng bảo đảm tính mạng và sức khỏe của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường”.
Phong tỏa thành phố, cách ly từng nhà ở thời điểm này có thể chúng ta sẽ rất khó khăn, nhưng tin rồi sẽ tạo dựng lại được, chứ như vầy chắc chắn sẽ kéo dài, sẽ kiệt quệ, lấy đâu sức tái tạo?
Mộc Bình