420
category
410980

Trông cậy vào ai để bảo vệ chủ quyền?

20/07/2020 10:16

Sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tuyên bố về lập trường của Hoa Kỳ bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, nhiều người mừng húm, cảm tưởng Mỹ sắp đánh Trung Quốc đến nơi rồi, Hoàng Sa sắp về tay của Việt Nam rồi. Với sự nhạy bén về chính trị, có báo còn nhanh chóng giật tít “Mỹ có thể công nhận Hoàng Sa của Việt Nam”, dự báo về một liên minh chống lại Trung Quốc do Mỹ cầm đầu trong khu vực.

Tàu hải cảnh Trung Quốc gây hấn với tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam.

Việc Mỹ quan tâm và hiện diện nhiều ở khu vực biển Đông có thể là tín hiệu tốt, ngăn cản Trung Quốc có các hành động gây hấn công khai trên biển Đông. Nhưng nếu tin rằng, Mỹ sẽ giúp Việt Nam đòi lại Hoàng Sa hay bảo vệ chủ quyền biển đảo thì quá nhầm. Nước Mỹ đâu phải bây giờ mới hiện diện ở biển Đông, mà thực tế từ những năm 50 thế kỷ XX, nước Mỹ đã ở đây, đặc biệt trong cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975), hạm đội 7 của Mỹ thường xuyên đóng tại biển Đông. Mỹ hoàn toàn nắm và hiểu được ý định của Trung Quốc ở biển Đông và đây là “món hàng” để Mỹ mặc cả với Trung Quốc suốt một thời gian dài.

Năm 1974, khi Trung Quốc tấn công đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, dù lúc đó VNCH đang là đồng minh cực kỳ thân cận, khi mà hạm đội 7 chỉ mất mấy giờ để vây quanh mấy chiếc tàu chiến “cỏ” của Trung Quốc, nhưng Mỹ đã không làm, chỉ đơn giản vì Mỹ và Trung Quốc đã đi đêm với nhau trước đó 2 năm và việc làm ngơ cho Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa là vấn đề đã được thỏa thuận từ trước. Năm 2012, Philippines rơi vào hoàn cảnh tương tự. Dù bãi cạn Scaborough/đảo Hoàng Nham nằm cách bờ tây đảo lớn của Philippines 230 km và cách Trung Quốc hơn 800 km, dù được quân đội Mỹ nhiều lần tuyên bố bảo vệ, nhưng rốt cuộc, Trung Quốc cũng nghiễm nhiên sở hữu bãi cạn Scarborough từ phía Philippines mà không hề tốn một viên đạn. Và một lần nữa, giữa lúc nước sôi lửa bỏng, Mỹ đã “đột ngột” im hơi lặng tiếng, nhắm mắt bịt tai tỏ ra không biết gì.

Sự kiện Mỹ lên tiếng cho biết sẽ không tiếp tục tự nhận trung lập trong các vấn đề Biển Đông, bác bỏ hầu như toàn bộ yêu sách của Trung Quốc trong vấn đề đòi hỏi chủ quyền phí lý; đồng thời không loại trừ khả năng trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan tới “điểm nóng” này. Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương. Trong đó, người Mỹ có vai trò và tiếng nói quan trọng trên bình diện toàn cầu. Việt Nam hoan nghênh điều đó. Vì Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, chân lý đó vạn đời không thay đổi! Người Mỹ chỉ khẳng định lập trường của họ, dựa trên thực tế khách quan và luật pháp quốc tế. Lý ra, người Mỹ phải bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 chứ không phải là giương mắt nhìn Trung Quốc hạ sát VNCH, cướp mất quần đảo của Việt Nam. Hạm đội 7 của Hoa Kỳ khi đó phải xuất quân chứ không án binh. Vì cái lợi nhỏ, vì cay cú thua trận nên họ đã bán đứng Hoàng Sa cho Trung Quốc, bây giờ công nhận Hoàng Sa, Trường Sa dù muộn nhưng đây là hành động sửa sai có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại cho rõ rằng, tất cả các nước trên thế giới đều vì lợi ích của quốc gia họ. Người Mỹ hay Trung Quốc cũng thế cả. Trung Quốc muốn vươn mình trở thành số một thế giới, họ thực hiện mưu đồ bành trướng lãnh thổ, tìm cách để vượt Hoa Kỳ. Mỹ đang là quốc gia số một thế giới, họ chẳng bao giờ muốn Trung Quốc vượt mặt mình. Vậy nên hai con hổ tất yếu phải lao vào nhau để phân cao thấp. Biển Đông có vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng; không chỉ đối với Mỹ, Trung mà là cả thế giới. Mỹ không thể để mất thời thế để xoay trục hướng về châu Á – Thái Bình Dương. Mảnh đất màu mỡ, ăn nên làm ra của họ. Rất nhiều đồng minh của Mỹ nằm cạnh Trung Quốc, vậy nên chẳng bao giờ họ chấp nhận Trung Quốc độc chiếm biển Đông. Vậy nên Việt Nam chẳng cần liên minh với Mỹ chống Trung Quốc thì người Mỹ cũng tự động bác bỏ yêu sách lưỡi bò của Trung Quốc. Đơn giản đó là lợi ích quốc gia của người Hoa Kỳ chứ chẳng phải là họ yêu thương gì Việt Nam.

Trung Quốc luôn có tư tưởng bành trướng lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam và một số nước lân cận. Chính quyền Mỹ thì lăm le xoá bỏ chế độ XHCN. Chẳng ai tốt đẹp thực sự vì ta cả. Vậy nên ta chẳng dại mà theo Mỹ hay theo Trung Quốc. Việt Nam chơi với cả hai, trên tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Nếu Trung Quốc biết là ta bắt tay Mỹ để chống họ thì chắc chắn thị trường béo bở hơn 1,4 tỷ dân sẽ đóng sập lại, hàng hoá, cơm, áo gạo tiền của nông dân, doanh nghiệp Việt bị đóng băng. Kinh tế chúng ta sẽ đi xuống rõ rệt. Nếu Việt Nam theo Trung Quốc chống Mỹ thì ngay lập tức họ áp đặt cấm vận nước ta. Khi đó, chỉ thị trường Trung Quốc là chưa đủ, chúng ta rơi vào hoàn cảnh của Triều Tiên.

Tất nhiên, vấn đề biển Đông Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này”. Cái quyết định vận mệnh của một dân tộc là nội lực, nhân dân Việt Nam anh hùng sẽ tự biết cách để bảo vệ mình. Tranh thủ, lợi dụng thế và thời để phát triển đất nước; khôn khéo trong quan hệ ngoại giao, vừa chơi được với Trung Quốc và Mỹ. Đó mới là cơ trí của một dân tộc cơ trí.

Ngày xưa, khi nhận xét về phong trào Đông Du và tư tưởng trông cậy vào Nhật Bản để đánh Pháp của Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc chỉ nói ngắn gọn “khác gì đuổi hổ cửa trước rước beo cửa sau”. Trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền của dân tộc này, chúng ta chẳng thể trông chờ vào ai ngoài tự bản thân mình. Độc lập mà không phải do mình nắm giữ rốt cuộc lại trở thành con cờ để các cường quốc mặc cả mà thôi.

Hạ Trắng (TH)

Đọc nhiều