280
topics
407336

‘Tròn 25 năm, quan hệ Việt – Mỹ nay đã ở tầm chiến lược’

07/07/2020 09:52

Quan hệ Việt – Mỹ vượt qua thương đau của chiến tranh để hợp tác ‘trên cả đối tác toàn diện’ là điều mà người trong cuộc khó có thể nghĩ tới, theo cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ.

Khoảnh khắc đáng nhớ trong chuyến thăm lịch sử năm 2000. Tổng thống Clinton bắt tay người dân từ ban công một ngôi nhà, sau khi thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: AP.

“Nếu so sánh với quan hệ của Việt Nam với các nước đang là đối tác toàn diện hay chiến lược, chắc chắn quan hệ Việt – Mỹ phải ở tầm chiến lược”, ông Phạm Quang Vinh, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, trả lời PV nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ Việt – Mỹ ngày 11/7/1995.

Trước khi làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2014-2018, ông Vinh từng là trưởng SOM ASEAN (Hội nghị Quan chức Cao cấp ASEAN) của Việt Nam giai đoạn 2007-2014, và có hai nhiệm kỳ tại phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc ở New York các năm 1987-1990 và 1996-1999.

Ông điểm lại những điều giúp Việt Nam và Mỹ vượt qua rào cản về hiểu biết và lòng tin, để có trở thành đối tác nhiều chiều như hiện nay. Ông cho rằng đà quan hệ đã vượt qua khuôn khổ về chiều rộng, giờ đi vào chiều sâu, và không chỉ ở bình diện song phương mà còn có hợp tác khu vực.

– Nhiều người gọi bước tiến quan hệ Việt – Mỹ 25 năm qua là “điều thần kỳ”. Ông nghĩ sao về đánh giá này?

– Tôi cho rằng quan hệ Việt – Mỹ đã vượt trên kỳ vọng.

Nếu nhìn lại, hai nước từng là cựu thù qua chiến tranh khốc liệt, đau thương, rồi đến 20 năm cấm vận, thù địch. Ngày nay quan hệ Việt – Mỹ thành đối tác toàn diện, phát triển trên các mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục lẫn hợp tác song phương, hợp tác khu vực và cả câu chuyện an ninh, quốc phòng nữa.

Vượt qua thương đau, nghi kỵ để đến được với nhau đã khó. Nhưng đến với nhau rồi trở thành đối tác toàn diện, rồi hợp tác vượt trên đối tác toàn diện nữa thì người trong cuộc cũng không thể nghĩ tới. Không ai nghĩ đạt được vậy trong thời gian ngắn thế.

Chẳng hạn, về thương mại, kim ngạch thương mại từ 450 triệu USD những năm 1994-1995 nay đã vượt trên 70 tỷ USD, tức tăng hơn 140 lần. Thêm nữa, năm 1994, Mỹ bỏ cấm vận, sang năm 1995 thiết lập quan hệ ngoại giao. Đến năm 2013, tức là sau chỉ 18 năm, hai nước đã có khuôn khổ đối tác toàn diện.

Chiều 17/11/2006, Tổng thống Bush hội kiến với Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trong chuyến thăm Việt Nam. Ảnh: Getty Images.

– So sánh quan hệ hiện nay với thời ông mới làm ở Liên Hợp Quốc khi các cán bộ chỉ được đi vài chục km từ trụ sở tại New York, sự thay đổi thật sự là đối lập?

– Tôi từng có nhiệm kỳ năm 1987-1990 ở New York. Lúc đó có những cảm giác lạ: gặp lại những bạn bè từng bỏ cả công ăn việc làm để biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, gặp nhiều bạn mới phía Mỹ đến tiếp xúc với cơ quan đại diện Việt Nam để làm sao hàn gắn, tạo quan hệ với nhau.

Mỗi dịp 30/4, vẫn có biểu tình lớn xung quanh cơ quan đại diện Việt Nam. Những năm từ 1975-1995, Mỹ vẫn cấm vận, liệt Việt Nam vào các nước thù địch. Phái đoàn chỉ được đi lại không quá 25 dặm (gần 40 km) từ Manhattan, trừ khi ra sân bay JFK.

Khi bỏ cấm vận, một loạt công ty Mỹ vào Việt Nam, tôi nhớ Coca-Cola và Intel là hai dấu ấn lớn nhất. Các công ty Mỹ vào còn là sự chứng nhận rằng môi trường Việt Nam có thể đáp ứng các điều kiện của Mỹ, để các nền kinh tế khác thấy được.

– Ông nhìn thấy những gì trong cuộc sống thường ngày là thành quả của quan hệ Việt – Mỹ?

– Dễ thấy nhất là việc cho con cái sang học ở Mỹ dễ dàng hơn rất nhiều so với 25 năm trước đây. Ngày xưa, có tiền và muốn đi học cũng không đi được.

Nhưng với người làm chính sách như mình thì nhìn thấy sản phẩm Việt Nam nhiều lắm trên đất mỹ. Cứ lật cổ áo ra mà thấy “Made in Vietnam” là tự hào chứ, mà sau đó là biết bao công nhân họ làm ra. Hay thấy cá basa Việt Nam bất chấp rào cản kỹ thuật phi thương mại mà vẫn vào được Mỹ thì rõ ràng người nông dân Việt Nam hưởng lợi.

– 25 năm nhìn lại, ông tự hào nhất về đóng góp nào cho mối quan hệ này?

– Khi tôi nhận nhiệm kỳ đại sứ năm 2014, quan hệ Việt – Mỹ đã được nâng lên tới đối tác toàn diện. Mình tưởng không gian quan hệ hai nước tới đó là ổn, không nghĩ sẽ vượt qua được cái đó. Nhưng nó còn được duy trì và nhân lên nữa, thể hiện ở ba điểm.

Về thương mại, năm 2014 kim ngạch là 36 tỷ, đến hết nhiệm kỳ đại sứ của tôi (giữa 2018) là 60 tỷ, tức vẫn còn không gian phát triển.

Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, là sự công nhận cao nhất về thể chế chính trị của nhau, và trong tuyên bố tầm nhìn đã nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau.

Thêm nữa là tưởng rằng khi Tổng thống Trump lên mọi thứ sẽ đảo lộn, nhưng mình tiếp cận chủ động, nên đà quan hệ được nhân lên chứ không mất đi – xuyên qua các đời tổng thống, đảng phái của Mỹ.

Tôi cho đó là những đóng góp lớn nhất, hơn cả những gì cụ thể như chuyển giao tàu, xóa lệnh cấm vận vũ khí, hay chuyến thăm của Obama.

Sáng 5/12, lễ động thổ dự án xử lý ô nhiễm dioxin và ký thỏa thuận triển khai một dự án 65 triệu USD nhằm hỗ trợ người khuyết tật diễn ra tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). Ảnh: Quỳnh Trang.

– Có nhiều thay đổi về chiến lược, chiều rộng và chiều sâu quan hệ trong 10 năm vừa rồi. Bên cạnh đó, vấn đề lòng tin trong quan hệ song phương vẫn luôn được đặt ra. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

– Lòng tin là câu chuyện rất dài trong quan hệ Việt – Mỹ.

Trước tiên, là câu chuyện “hiểu biết lẫn nhau”. Sau năm 1975, trong lòng nước Mỹ có cái gọi là “hội chứng chiến tranh Việt Nam”, trong lòng Việt Nam cũng có nỗi đau thương, tang tóc. Hai bên giao lưu rất ít ngoài chuyện chiến tranh, hiểu biết về nhau rất ít. Tiếp xúc chỉ giữa các cựu binh, tổ chức nhân đạo, rồi nhân sĩ và những người bạn phản đối chiến tranh – giúp tăng dần sự hiểu biết.

Tiếp theo là câu chuyện “tôn trọng lẫn nhau”, bất chấp khác biệt trong suy nghĩ về cuộc chiến, về quá khứ, về chế độ chính trị. Để vượt qua, hai bên nhất trí khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Lúc đó, người ta bắt tay làm ăn với nhau, doanh nghiệp, học giả, cựu binh đến đây nữa, thì mới đan xen lợi ích, làm người ta hiểu và cần nhau hơn. Lúc đó, lòng tin được nhân lên.

Khép lại quá khứ những vẫn phải nhìn nhận quá khứ để hàn gắn vết thương chiến tranh. Việt Nam hỗ trợ tích cực và nhân đạo cho Mỹ trong tìm kiếm hài cốt quân nhân. Mỹ cũng tích cực giúp Việt Nam trong tháo gỡ bom mìn và xử lý dioxin ở Đà Nẵng và Biên Hòa.

Tháng 7/2015, việc Tổng bí thư của chúng ta là lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên thăm Mỹ cũng tạo lòng tin rất lớn.

Hiểu biết lẫn nhau, đan xen lợi ích, lòng tin nhân lên không có nghĩa hai bên không có khác biệt. Nhưng có những khác biệt thì đối thoại giải quyết với nhau.

Trong chặng đường xây dựng quan hệ, hai bên có khác biệt nhiều về lợi ích, hệ thống chính trị. Mỗi thời kỳ, đảng nào hay người nào lên nắm quyền cũng có những khác biệt. Nhưng cái cốt của lòng tin vẫn là hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, đan xen về lợi ích để hai bên cùng có lợi.

Câu chuyện đan xen lợi ích, hai bên cùng có lợi có cả về mặt kinh tế, chính trị, khoa học – kỹ thuật, cả về các mặt khác, cả về khu vực và quốc tế. Trong chặng đường tới, điều quan trọng là khi đã có nguyên tắc rồi, hai bên cần tăng cường trao đổi với nhau, chia sẻ thông tin và trao đổi các đoàn cấp cao.

Tổng thống Obama giao lưu với các thành viên Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á (YSEALI) trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016. Ảnh: AFP.

– 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đã sẵn sàng cho việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược?

– Rõ ràng quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ từ 2013 đến nay là mối quan hệ nhiều chiều về chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật, cả hợp tác song phương lẫn quốc tế và khu vực – đó là điều rất lớn.

Khuôn khổ ổn định, lâu dài trong quan hệ hai nước được nhấn mạnh thêm bằng các chuyến thăm cấp cao sau đó. Năm 2013 là tuyên bố về đối tác toàn diện. Năm 2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm. Năm 2016, Tổng thống Obama sang thăm. Tháng 5/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính quyền mới của Tổng thống Trump. Tháng 11/2017, Tổng thống Trump thăm Việt Nam dự hội nghị APEC. Tháng 2/2019, Mỹ và Triều Tiên chọn Việt Nam làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh.

Quan hệ Mỹ – Việt đã trưởng thành rất nhiều, có cả chất toàn diện và chiến lược, còn định danh là gì thì tùy hai nước. Nhưng nếu so sánh với quan hệ của Việt Nam với các nước đang là đối tác toàn diện hay chiến lược, chắc chắn quan hệ Việt – Mỹ phải ở tầm chiến lược.

– Đã có những xu hướng tập hợp lực lượng quốc tế mới gần đây. Làm sao thúc đẩy quan hệ đồng thời không bị cuốn vào những cọ xát siêu cường ngày càng quyết liệt?

– Phải thấy cạnh tranh Mỹ – Trung còn là câu chuyện địa chiến lược về ai là số 1, ai là số 2, đồng thời giành lại các lợi ích, nhưng họ không thể triệt tiêu nhau mà vẫn phải nhân nhượng lẫn nhau.

Cạnh tranh nước lớn là thách thức không chỉ cho Việt Nam mà nhiều nước nhỏ khác, vì Việt Nam coi Mỹ – Trung là hai đối tác rất quan trọng, cả về kinh tế, chính trị, an ninh, muốn làm sao chơi được tốt với hai nước này. Đến nay, với năng lực hội nhập, vị thế của Việt Nam, mình vẫn đủ sức không chọn bên mà chơi được với cả hai.

Vì vậy không nên phải nhìn anh này, anh kia mà làm cản trở quan hệ, mà quan trọng nhất là lấy lợi ích quốc gia làm nền tảng cho mối quan hệ.

Ngoài ra trong giai đoạn hậu dịch, cạnh tranh nước lớn hiện nay có nhiều biến động, trong đó có chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Chuyển dịch sẽ về nơi phù hợp nhất. Việt Nam phải chuẩn bị để đón đợi: hạ tầng cơ sở làm sao đáp ứng được, khung chính sách pháp lý làm sao thuận lợi người ta mới đến, lao động có đáp ứng không.

Trong các chuỗi cung ứng có cả chất lượng cao và chất lượng thấp, có cái an toàn, có cái không bền vững, thì cũng phải lựa chọn. Việt Nam đã đặt mục tiêu phát triển, hội nhập ở mức cao hơn, không chỉ dựa vào lao động giá rẻ mà còn năng suất lao động hội nhập, chất xám, công nghệ, chất lượng cao, thì sẽ phải đáp ứng những cái trên.

– Ông đánh giá sao về việc Việt Nam xuất hiện trong cuộc họp Bộ tứ mở rộng gần đây?

– Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nếu nhìn từ góc độ không gian địa chiến lược, địa kinh tế, có nhiều sáng kiến như Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, có các sáng kiến của Nhật, Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc – họ nói về câu chuyện hướng đông, hướng nam. Quan trọng nhất là phải coi về lợi ích quốc gia để chọn cái gì hợp nhất cho mình.

Vì vậy không nên ngần ngại về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ hay Vành đai – Con đường của Trung Quốc, nhưng phải đặt câu hỏi xem có đáp ứng nhu cầu an ninh và phát triển của Việt Nam hay không.

Về bộ tứ kim cương mở rộng, tôi nghĩ đó là ý tưởng, chưa biết cụ thể như thế nào, mình phải nghiên cứu thêm, nhưng nếu đó là sáng kiến mang lại lợi ích cho Việt Nam và khu vực, không có lý gì không tham gia.

Tổng thống Trump giơ hai lá cờ, đáp lại sự đón chào của các em thiếu nhi ở trụ sở Chính phủ ngày 27/2/2019. Ảnh: Hoàng Hà.

– Trong năm kỷ niệm, lãnh đạo hai bên chắc đã có những trao đổi, bàn luận để làm sâu sắc hơn quan hệ song phương?

– Từ năm ngoái, hai nước có những kỳ vọng. Cuối 2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có tuyên bố về chuẩn bị cho 25 năm quan hệ, sau đó Trợ lý Ngoại trưởng David Stillwell cũng sang thăm Việt Nam và công bố logo kỷ niệm 25 năm.

Nhưng năm 2020, cả thế giới đóng cửa để phòng chống đại dịch. Dường như các kế hoạch kỷ niệm hay thúc đẩy quan hệ bị chững lại một chút. Lẽ ra hai bên phải có những chuyến thăm cấp cao nữa, lẽ ra đã thành những chương trình hành động cụ thể.

Nhưng hai nước vẫn có những hợp tác về phòng chống dịch hay duy trì tham vấn về ASEAN.

Cấp bách nhất lúc này là hai việc: kiểm soát dịch, ra khỏi đại dịch, sau đó là phục hồi kinh tế. Việt Nam kiểm soát dịch đã tốt rồi, giờ làm sao phục hồi, hứng những chuỗi cung ứng mới khi mà các công ty Mỹ đang dịch chuyển và định vị lại chuỗi cung ứng.

Về khung chính sách, có lẽ đây là thời điểm Việt – Mỹ nên công bố hướng tới một FTA (hiệp định thương mại tự do), vì nhiều lý do – cả trước mắt lẫn lâu dài. Trước mắt là phục hồi, dịch chuyển chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai phía. Ngoài ra, phía Mỹ cũng nói tiếp cận thị trường Việt Nam còn một số thách thức.

Nếu nhìn lại, khung quan hệ hai nước là BTA từ năm 2000, TIFA năm 2007 (Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư – trên thực tế vẫn dựa vào BTA). Hồi đó Việt Nam chưa đổi mới, hội nhập như bây giờ, thương mại hồi đó cũng ít hơn. Rõ ràng là cần rà soát, cập nhật và nâng cấp khung điều chỉnh quan hệ thương mại kinh tế giữa hai nước.

Giờ đây, Việt Nam đã hội nhập với thế giới, trong châu Á – Thái Bình Dương có CPTPP, với EU có EVFTA.

Mỹ đang chú trọng đàm phán song phương: cài đặt xong NAFTA 2.0, sẽ đàm phán với EU và Anh, đàm phán xong giai đoạn 1 với Nhật, cài đặt lại hiệp định KORUS với Hàn Quốc, nhưng tại khu vực Đông Nam Á – Nam Á mới chỉ có hiệp định với Singpaore và Australia. Nếu Mỹ hình thành mạng FTA mới, Việt Nam khởi động đàm phán thì sẽ kết nối được với mạng lưới đó, với châu Âu, với Nhật.

– 25 năm tới của quan hệ Việt – Mỹ, chúng ta có thể kỳ vọng điều gì?

– Có một số điều phải nhìn nhận. Thứ nhất, đà quan hệ này còn phát triển, vì nó không chỉ nhân lên ở song trùng lợi ích, mà còn vượt qua khác biệt, nghi kỵ – đó là điều rất lớn.

Thứ hai, trong 10 năm qua, quan hệ thương mại hai nước tăng trưởng 17-19% mỗi năm, cho thấy tiềm năng còn phát triển nhiều nếu hai nước biết cách khai thác.

Ngoài ra, quan hệ Việt – Mỹ không chỉ thuần túy trong khuôn khổ song phương mà còn nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu. Chất toàn diện và chất chiến lược sẽ được nhân lên rất nhiều.

Trọng Thuấn/ZN

Đọc nhiều