Trời rét, tài xế vật vờ chờ xuất hàng sang Trung Quốc
Ngày 12-2, Sở Công thương Lạng Sơn đã có thông báo dừng tiếp nhận xe chở hoa quả tươi xuất khẩu từ 16-2 đến 25-2, nhưng nhiều doanh nghiệp, tài xế vẫn ùn ùn lên cửa khẩu vì nhiều lý do.
Sáng 13-2, dù trời mưa rét, nhiều đoàn xe container vẫn nối đuôi nhau lên các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn. Dọc tuyến quốc lộ 1 hướng lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Đồng Đăng, Lạng Sơn), cảnh sát giao thông đã hướng dẫn nhiều xe container quay đầu do bãi xe sát cửa khẩu không còn chỗ.
Tài xế “lo sốt vó”
Anh Hoàng Ngọc Vỹ (tài xế từ TP.HCM) chia sẻ dù biết cửa khẩu Hữu Nghị ùn ứ nhưng vẫn chuyển hàng 30 tấn xoài lên vì hợp đồng với chủ hàng. Với hơn 80 triệu chi phí, gồm cả tiền hàng hóa, tiền xăng dầu, lương tài xế…, anh Vỹ mong sớm chuyển hàng xong.
“Bình thường chỉ 7-10 ngày chuyển xong hàng, nhưng giờ còn phải lên bãi đất trung chuyển, sau đó mới lên bãi xe Xuân Cương (khu vực cửa khẩu Hữu Nghị) để xuất sang Trung Quốc. Lên đến đấy rồi còn bến bãi, vệ sinh, ăn uống… Nắng thì đỡ, trời mưa thì bãi sình lầy, đi lại khó khăn.
Lương khoán 12 triệu/chuyến, nên cái gì tôi cũng phải tính toán. Giờ nằm đây chưa biết ngày đi, lương chuyến chắc chắn chậm, trời mưa rét, tiền bến bãi, dầu xe phát sinh ít cũng 700.000 đồng/ngày”, anh Vỹ cho hay.
Theo đoàn xe hơn 20 xe container từ miền Nam lên Lạng Sơn, tài xế Tin (29 tuổi, quê Quảng Ngãi) cùng phụ xe Dũng (25 tuổi, quê Quảng Bình) hò nhau nấu nồi canh cá chua. Anh cho biết do trời rét, gió lớn, bếp gas hỏng, anh Dũng phải đi mượn bếp gas mini mới. Lại mất thêm tiền cho cái bếp gas”, anh Tin tặc lưỡi rồi vớ lấy con dao thái thêm rau, dứa cho nồi canh cá.
Anh Tin tâm sự: “Trước Tết, mình chạy xe thanh long, nhưng chờ tháng rưỡi không đi được nên quay đầu về Nam Định bán lỗ. Riêng mình mất 20 triệu đồng chuyến ấy. Đợt này mình đi với bạn Dũng nên phải tính toán thêm việc ăn uống vì công hai anh em chỉ 10 triệu đồng”.
Trời quá trưa, nồi canh cá chua mới sôi, anh Tin và các tài xế khác mới bắt đầu bữa trưa. Với cánh lái xe, họ chỉ mong cửa khẩu sớm tiếp nhận thêm nhiều xe để chuyến đi ngắn lại, lái thêm nhiều chuyến để có thu nhập trang trải cuộc sống.
Doanh nghiệp khổ vì hợp đồng
Thiếu tá Hoàng Quang Duy, phó đội trưởng đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1 (Công an Lạng Sơn), cho biết: “Năng lực thông quan chỉ 70-80 xe/ngày, nhưng có ngày tiếp nhận 200 xe hoa quả tươi. Chúng tôi đã hướng dẫn tài xế lái container đã đến đây tìm bãi đỗ xe bên ngoài.
Chúng tôi cũng tích cực dùng loa để nhắc nhở các tài xế không đỗ xe trên đường và về các bãi tư nhân, cây xăng để đỗ thay vì dồn lên bãi trung chuyển trước khi vào cửa khẩu. Trời khô thì bãi trung chuyển chứa được 1.000 xe, nhưng trời mưa, cả bãi là vùng nước lớn nên chỉ chứa 600-700 xe. Bãi nhận ít xe hơn khiến cánh tài xế cũng khó khăn hơn”.
Theo anh Hà – đại diện một công ty xuất nhập khẩu, mấy ngày hôm nay công ty anh nhập được khoảng 100 xe container, trong khi xuất khẩu lại gặp cảnh ách tắc. Riêng tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), hàng hoa quả như mít, thanh long, nhãn… hiện gặp cảnh tắc đường và mất 10-15 ngày đưa một xe xuất sang Trung Quốc.
Nguyên nhân là tài xế nhận nhiệm vụ đánh xe từ bãi xe Xuân Cương (gần cửa khẩu Hữu Nghị -PV) sang phía Trung Quốc đã về ăn Tết, mới làm lại (khoảng 20-30 người); lượng xe tồn của công ty ở khu vực cửa khẩu đã gần 400 xe; bãi trung chuyển cửa khẩu Hữu Nghị còn hàng trăm xe… Trong khi lượng xe phía Trung Quốc chấp nhận chỉ là 60-80 xe/ngày cho tất cả các công ty.
“Mình phụ thuộc vào Trung Quốc, họ nhận bao nhiêu thì mình cho sang bên bấy nhiêu. Từ khi có dịch COVID-19, khoảng 18h phía Trung Quốc đóng cửa, trước đó thì làm rất muộn.
Một số mặt hàng vẫn phải thông quan ở cửa khẩu Hữu Nghị do tiện đường, khách yêu cầu trong hợp đồng. Một số khách tìm cửa khẩu khác như cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) nhưng không hiệu quả”, anh Hà chia sẻ.
Theo vị này, xe container ở bãi trung chuyển 4 ngày, sau đó mất thêm 3-4 ngày ở khu vực cửa khẩu để xuất sang Trung Quốc. Có những chuyến xe thiệt hại cả trăm triệu đồng.
Cước phí từ Bắc Ninh về Lạng Sơn khoảng 8-10 triệu đồng, nhưng lưu ca xe ở bến, nổ máy phát điện lên tới hàng trăm triệu. Công ty phải chịu thiệt vì người phụ trách không đàm phán ngay tại thời điểm đó. Ngoài ra, còn tiền vé vào bến (4-5 triệu đồng), tiền chờ ở bãi…
Khai Tâm