425
category
384310

Trình phương án không thi THPT quốc gia 2020

15/04/2020 10:01

Bộ GD&ĐT trình Chính phủ phương án thi THPT quốc gia, ứng phó dịch Covid-19. Hai kịch bản thi được bộ đưa ra, gồm cả tình huống không tổ chức kỳ thi này.

Ngày 14/4, Bộ GD&ĐT trình Chính phủ phương án thi THPT quốc gia, ứng phó với dịch bệnh Covid-19 theo yêu cầu của Thủ tướng trước đó.

Trinh phuong an khong thi THPT quoc gia 2020 hinh anh 1 hnym0914_svyj.jpg
Vẫn chờ đợi “số phận” của kỳ thi THPT quốc gia 2020.

Học sinh yên tâm học, ôn thi

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết trong tính toán của bộ, nếu học sinh có thể đi học trước ngày 15/6, vẫn có thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào giữa tháng 8. Vì sau khi kết thúc năm học, ngày 15/7, học sinh cuối cấp còn gần một tháng để ôn tập trước khi thi.

“Nếu dịch bệnh được kiểm soát, vẫn có thể tổ chức được các kỳ thi, trong đó thi THPT quốc gia, là điều cần thiết để duy trì động lực học tập của học sinh”, ông Độ thông tin.

Theo ông Nguyễn Hữu Độ, phương thức thi cơ bản như năm 2019 nhưng xem xét giảm số môn thi phù hợp. Hiện nay, chương trình học kỳ 2 của lớp 12 đã được tinh giản. Nội dung phần tinh giản sẽ không có trong đề thi. Đề thi tham khảo vừa công bố cũng đã điều chỉnh. Bộ GD&ĐT cũng sẽ giảm nhẹ thêm yêu cầu đối với học sinh.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phân tích học kỳ 2 có 18 tuần. Học sinh đã học được 2 tuần trước Tết. Sau khi tinh giản, chương trình có thể hoàn thành trong khoảng 10 tuần đến khi kết thúc năm học, trước 15/7.

Trong hơn hai tuần từ khi có hướng dẫn dạy học trực tuyến và dạy qua truyền hình của Bộ GD&ĐT (từ 25/3 đến nay), các cơ sở giáo dục đều dạy – học theo phương thức này.

Ngày 15/4 là thời gian các trường dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Thời gian học trực tiếp khi học quay lại trường (muộn nhất là 15/6). Như vậy các trường vẫn đủ thời gian để hoàn thành chương trình năm học.

Nhưng ông Nguyễn Hữu Độ cũng khẳng định, trong trường hợp bất khả kháng, Bộ GD&ĐT cũng tính toán một kịch bản cho việc không tổ chức kỳ thi, giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT.

Bộ GD&ĐT sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép việc này để phù hợp với Luật Giáo dục.

Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo trường THPT vùng khó khăn chỉ ra rằng tính toán của Bộ GD&ĐT phải dựa trên bình diện quốc gia chứ không thể nhìn vào một số trường hoặc một số địa phương làm tốt để “áp” cho đại trà.

Nếu lấy mốc muộn nhất là ngày 15/6 trở lại trường là gấp gáp, thậm chí không đủ thời gian cho việc tổ chức các bài kiểm tra định kỳ cho học sinh theo đúng quy định hiện hành.

Thi chung hay thi riêng?

Tính đến hôm qua, có thêm trường ĐH Kinh tế quốc dân công bố phương án tuyển sinh riêng nếu kỳ thi THPT quốc gia không được tổ chức.

PGS.TS Bùi Quốc Triệu, rưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế quốc dân cho biết nếu kỳ thi diễn ra như dự kiến thì nhà trường vẫn giữ nguyên phương án tuyển sinh như công bố.

Trong trường hợp, Bộ GD&ĐT không tổ chức thi THPT quốc gia năm 2020, nhà trường dự kiến tổ chức thi riêng và sẵn sàng kết hợp với các trường ĐH khác để lập nhóm thi chung.

Ông Triệu cho hay, hình thức và nội dung của kỳ thi riêng này cũng sẽ tương tự như kỳ thi THPT quốc gia hiện nay bởi nhà trường đã có kinh nghiệm tổ chức thi trong kỳ thi “3 chung” trước đây. Đề thi sẽ được rút gọn hơn. Mục đích tổ chức kỳ thi đảm bảo chất lượng và không gây xáo trộn.

Nhà trường xét tuyển là 8/9 môn của kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, môn duy nhất không tổ chức thi là môn Giáo dục Công dân.

Lý giải vì sao không xét học bạ, PGS Bùi Đức Triệu cho rằng hình thức này không công bằng với tất cả các thí sinh và thậm chí không xét được. Các trường top đầu xét học bạ vỡ trận vì không có sự khác nhau giữa các thí sinh. Phương án này không khả thi.

Nếu không thi THPT quốc gia, các trường vẫn chủ động được phương án tuyển sinh. Theo tính toán của PGS.TS Bùi Đức Triệu, hiện đã có khoảng 2/3 số trường đại học xét tuyển học bạ. Những trường đại học lớn còn lại nên các phương án tuyển sinh đều được tính toán, chủ động.

GS.TS Nguyễn Đình Đức, trưởng ban Đào tạo, ĐH quốc gia Hà Nội, cho rằng năm nay, dịch bệnh là vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến việc học tập và tuyển sinh.

Một số nước đã đóng cửa trường học. Nhiều nước cho học sinh, sinh viên nghỉ học. Chưa có trường nào tuyên bố thay đổi phương thức tuyển sinh. Điều đó có nghĩa là họ chấp nhận “chậm dần đều”. Năm học có thể lùi lại, và tuyển sinh cũng có thể lùi lại.

“Tại sao Việt Nam không đi theo trào lưu đó? Chất lượng phải là tiêu chí hàng đầu. Về nguyên tắc, giảng dạy trực tuyến là giải pháp tình thế và thậm chí năm học có thể kéo dài và dạy bù, nhưng không có nghĩa chúng ta đánh đổi về mặt chất lượng”, GS Nguyễn Đình Đức băn khoăn.

Theo GS Nguyễn Đình Đức, năm nay, phương án lý tưởng là hy vọng bệnh dịch sớm kết thúc và vẫn kịp tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia như kỳ vọng.

Các trường có thể chấp nhận giải pháp tình thế, xét học bạ như sơ tuyển. Có thể tuyển thẳng học sinh giỏi, trường chuyên, giải quốc gia, quốc tế.

Các trường cần chủ động có phương án tổ chức kỳ thi tuyển. Các trường nhỏ, chưa có điều kiện tổ chức kỳ thi riêng có thể lấy điểm thi đầu vào của các trường này làm căn cứ xét tuyển.

Nghiêm Huê / TPO

Đọc nhiều