Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm: Những “người hùng” được bơm thổi
Phiên tòa phúc thẩm xét xử 2 bị cáo Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm đã kết thúc với bản án nghiêm minh, đúng người đúng tội. Trong khi dư luận trong nước chẳng buồn quan tâm đến các đối tượng “phá làng phá xóm” này, thì các “nhà dân chủ”, các trang mạng tiếng việt như BBC, RFA, VOA… vẫn đồng loạt lên đồng bẻ lái vụ án.
Như đã biết, trong các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Nguyễn Thị Tâm đã thừa nhận hành vi lợi dụng mạng xã hội, phát trực tiếp các video, bài viết nội dung liên quan xuyên tạc, bịa đặt sự việc diễn ra ở xã Đồng Tâm. Từ đó, bị cáo Tâm mong muốn được xem xét, giảm nhẹ. Trong khi đó, bị cáo Trịnh Bá Phương lại luôn ngoan cố không nhận tội, bất chấp các chứng chứng không thể chối cãi. Cùng một vụ án, cùng tính chất, hành vi phạm tội nhưng bị cáo Nguyễn Thị Tâm đã biết ăn năn hối cải nhưng Trịnh Bá Phương lại luôn hung hăng, thể hiện hành vi chống đối ngay tại phiên tòa.
Sự khác biệt này phản ánh một thực tế trần trụi về cái danh xưng “nhà hoạt động vì đất đai” mà các trang mạng hải ngoại đang cố khoác lên mình hai đối tượng này. Thực tế quá trình đấu tranh, xử lý các đối tượng cho thấy, không ít người đã lầm tưởng dẫn tới sự tự tin thái quá khi được các tổ chức, cá nhân thù địch, chống phá Việt Nam hậu thuẫn. Có những ảo tưởng về sự “bao bọc”, “bảo vệ” hay thậm chí là đãi ngộ vật chất nào đó khiến họ hung hăng trong hành động, ngay cả khi bị bắt, và quyết liệt ngay cả khi đã đến bước đường cùng, đối mặt với vành móng ngựa để trả giá cho những sai lầm của mình.
BBC Tiếng Việt dẫn lời luật sư Luân Lê bơm thổi Nguyễn Thị Tâm và Trịnh Bá Phương như “người hùng” với những lời lẽ mĩ miều: “Cả hai người đều bình thản đón nhận bản án được tuyên”. Nếu như họ bình thản với bản án, vậy lý do gì không chấp nhận ngay từ phiên tòa sơ thẩm? Một nhân vật khác là Phil Robertson, Phó giám đốc phân ban Châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) còn “quái dị” hơn, khi cho rằng hai đối tượng này “đại diện cho giai cấp nông dân” ở Việt Nam, và từ đó đưa ra luận điệu rằng “nông dân ủng hộ chính quyền từ thuở ban đầu và bây giờ bị ném quyền lợi ra ngoài cửa sổ”. Có thể thấy những câu chữ tinh vi như thế này không khác gì “mật ngọt chết ruồi”, khiến cho những người như Trịnh Bá Phương, Lê Thị Tâm ảo tưởng bản thân là siêu đại diện và đang “chiến đấu” vì một “chính nghĩa” tự huyễn nào đó. Dân gian vẫn có câu “khen cho chết” quả thực cũng có phần đúng trong câu chuyện này.
Quốc có quốc pháp, gia có gia quy, những ai có hành vi lấy lợi ích cá nhân đặt trên lợi ích của xã hội, bán rẻ lương tâm, làm tay sai, quân cờ cho các thế lực để chống phá thì tất yếu phải bị xử lý.
An Diễm