Triều Tiên đang “ủ mưu” điều gì sau hành động phóng liền 2 tên lửa qua Nhật Bản?
Khi phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản, Triều Tiên dường như muốn lặp lại sách lược từng sử dụng vào năm 2017. Song, phản ứng từ Mỹ và các đồng minh không còn như trước.
Tiếng chuông báo động vang lên từ điện thoại di động, radio và loa công cộng trên khắp miền Bắc Nhật Bản từ 7h30 ngày 4/10. Lần đầu tiên sau 5 năm, người dân Nhật Bản nhận được cảnh báo Triều Tiên đã bắn tên lửa qua lãnh thổ nước này và họ nên tìm nơi trú ẩn.
“Không bao giờ (chúng tôi) có thể quen với âm thanh đó. Nó khiến tôi thấy rất sợ hãi”, ông Kazuyuki Tsuchiya, 72 tuổi, chủ một quán trọ nhỏ tại Hokkaido, hòn đảo ở phía cực bắc Nhật Bản, nói với New York Times.
Kể từ đầu năm nay, Triều Tiên đã tiến hành 23 vụ thử tên lửa, trong đó chỉ riêng tuần trước đã có 4 vụ. Việc Bình Nhưỡng gia tăng tần suất thử vũ khí dường như đã làm giảm sự chú ý từ công chúng.
Tuy nhiên, tiếng chuông báo động đã phá vỡ giấc ngủ của người dân Nhật hôm 4/10, một lần nữa nhắc nhở họ về rủi ro hạt nhân trong khu vực. Chưa dừng lại, Triều Tiên ngày 6/10 đã phóng tiếp một tên lửa đạn đạo về phía biển, chỉ 2 ngày sau khi nước này bắn một tên lửa vào Nhật Bản lần đầu tiên sau 5 năm hôm 4/10.
Theo Yonhap, Quân đội Hàn Quốc cho biết có 2 tên lửa đạn đạo đã được bắn ra. Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) nói rằng họ đã phát hiện thấy các vụ phóng tên lửa từ khu vực Samsok ở Bình Nhưỡng trong khoảng thời gian từ 6h01 đến 6h23 ngày 6/10 nhưng không cung cấp các thông tin chi tiết khác.
Giới chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng đang muốn lặp lại những gì đã diễn ra vào năm 2017 nhằm gây sức ép buộc Mỹ giảm bớt các lệnh trừng phạt, trước khi hướng đến hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Kịch bản lặp lại
Theo Quân đội Hàn Quốc, tên lửa tầm trung được bắn từ Mupyong-ri, gần biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc, vào lúc 7h22, và rơi xuống bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản ở Thái Bình Dương 22 phút sau đó.
Ông Tsuchiya nghe thấy tiếng chuông báo động khi đang ăn sáng với một vị khách, nhưng không biết làm thế nào để di tản đến một nơi trú ẩn an toàn: “Tôi không thể làm gì được. Chính phủ nói di tản, nhưng đến đâu? Ở đây không có các tòa nhà kiên cố. Không có nơi nào để trốn”.
Tiếng báo động tương tự đã vang lên ở Nhật Bản vào năm 2017, khi Triều Tiên tiến hành một loạt vụ thử vũ khí lớn, bao gồm cả vụ phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản. Chuỗi hành động này từng khiến Trung Quốc và Nga phẫn nộ.
“Trái ngược với tên lửa tầm ngắn chủ yếu nhắm vào Hàn Quốc, một tên lửa tầm trung sẽ thu hút sự chú ý quốc tế, vì đe dọa trực tiếp các căn cứ quân sự của Nhật Bản và Mỹ”, ông Cheon Seong Whun, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc, cho biết.
Tuy nhiên, hiện nay, bối cảnh quốc tế đã thay đổi đáng kể. Triều Tiên tới nay chưa vấp phải nhiều phản ứng mặc dù đã phóng hơn 20 tên lửa đạn đạo trong năm nay.
Theo các quan chức Tokyo và Seoul, tên lửa đạn đạo tầm trung được sử dụng ngày 4/10 có quỹ đạo dài khoảng 4.500 km – tầm bắn xa nhất mà vũ khí của Triều Tiên từng đạt được. Quỹ đạo của vũ khí này cho thấy nó mạnh hơn Hwasong-12, tên lửa đạn đạo tầm trung được Triều Tiên thử nghiệm vào năm 2017. Với tầm bắn này, tên lửa có thể vươn tới Guam – vùng lãnh thổ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Khi Triều Tiên thử nghiệm một tên lửa tương tự vào năm 2017, cựu Tổng thống Donald Trump đã cử máy bay ném bom siêu thanh B-1B và nhiều máy bay chiến đấu đến gần nước này. Bình Nhưỡng sau đó đáp trả bằng vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới lục địa Mỹ. Tuy nhiên, lần này, các nhà phân tích và quan chức chính phủ Nhật, Hàn và Mỹ quá đỗi im ắng.
Mặc dù văn phòng của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol khẳng định “không bỏ qua” các hành động khiêu khích liên tục của Triều Tiên, khả năng trả đũa của Seoul rất hạn chế, một phần vì sự phản đối từ Trung Quốc và Nga – hai thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Hàn Quốc cũng cho biết Triều Tiên không trả lời các cuộc gọi qua đường dây liên lạc liên Triều vào ngày 4/10, thường diễn ra 2 lần/ngày kể từ tháng 6. Triều Tiên cũng không đưa ra bất kỳ tín hiệu công khai nào cho thấy họ muốn nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán chính thức với Mỹ, sau 3 năm gián đoạn.
Trước bối cảnh này, các chuyên gia an ninh nhận định Triều Tiên có thể đang đợi động thái đầu tiên từ Mỹ, nhằm khẳng định yêu cầu cứng rắn đối với việc cắt giảm các lệnh trừng phạt trước khi tính đến một cuộc gặp thượng đỉnh với ông Biden.
Song thời điểm đó vẫn chưa đến, vì chính quyền ông Biden đang tập trung vào chiến sự ở Ukraine, cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, và cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11.
“Xem xét những lời lẽ gần đây từ Triều Tiên, tôi không nghĩ các hoạt động ngoại giao sẽ được nối lại nhanh chóng”, Lee Yong Joon, cựu đặc phái viên về hạt nhân của Hàn Quốc và là người từng tham gia đàm phán với Triều Tiên, cho biết.
Giới chuyên gia cũng dự đoán các nước có thể sẽ lựa chọn một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn đối với các động thái gần đây của Triều Tiên.
Thách thức trực tiếp
Vụ thử tên lửa hôm 4/10 có thể là một thách thức trực tiếp đối với các động thái gần đây của Hàn Quốc nhằm tăng cường quan hệ với Mỹ và Nhật Bản. Trong những tuần gần đây, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận chống tàu ngầm và theo dõi tên lửa ba bên đầu tiên kể từ năm 2017, nhằm phô trương lực lượng.
Vào tháng 9, Triều Tiên từng cáo buộc Mỹ và các đồng minh âm mưu tấn công nước này. Trong bài phát biểu trước Quốc hội, ông Kim đã củng cố học thuyết hạt nhân với cam kết Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục các cuộc tập trận chung, theo Guardian.
Song để đáp lại vụ phóng ngày 4/10, 4 máy bay phản lực F-15K của Hàn Quốc và 4 máy bay phản lực F-16 của Không quân Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận chung, nhắm vào một mục tiêu ngoài khơi bờ biển phía tây Hàn Quốc.
Các quan chức Mỹ cũng đã thảo luận về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên với các đồng minh. Trong lúc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, ông Biden đã cáo buộc các vụ thử tên lửa này là “mối nguy hiểm đối với người dân Nhật Bản” và “gây bất ổn cho khu vực”.
Ngoại trưởng Antony Blinken cũng điện đàm riêng với Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin, nhằm đảm bảo cam kết “chặt chẽ” của Mỹ đối với khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin III cũng trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc và Nhật Bản, khẳng định tiếp tục “hợp tác quốc phòng song phương và 3 bên” với cả hai quốc gia.
Trong khi đó, ở miền Bắc Nhật Bản, người dân tiếp tục trở lại cuộc sống sau những phút xôn xao vào buổi sáng. Wataru Yamazaki, 29 tuổi, đang làm việc tại một cảng ở Hachinohe, thuộc tỉnh Aomori trên bờ biển phía Đông Bắc Nhật Bản, cho biết ông tin tưởng vào hệ thống quốc phòng của nước mình.
“Tôi nghĩ khả năng một tên lửa trực tiếp bắn trúng Nhật Bản là rất hiếm. Vì vậy, tôi không lo lắng quá nhiều”, ông nói.
Bảo Trâm (Theo Guardian, AP, Yonhap)