Triều cường lại lênh láng nhiều đường phố TP.HCM
Chiều 28-10, triều cường ở TP.HCM tiếp tục dâng cao theo chu kì, nước từ sông, rạch tràn qua bờ vào đường sá, nhà dân.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, chiều 28-10, triều cường tại TP.HCM xấp xỉ đạt ngưỡng 1,7m. Cụ thể tại trạm đo Phú An, số liệu đo được là 1,67m, trạm Nhà Bè là 1,68m.
Triều cường gây ngập nặng tại một số tuyến đường như Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7), Phú Định (quận 8), Hồ Học Lãm (quận 8, quận Bình Tân), Nguyễn Văn Hưởng (quận 2), quốc lộ 50, đường Chánh Hưng nối dài, quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh) và Bình Quới, Bình Lợi (quận Bình Thạnh).
Trên đường Phạm Hùng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh nhiều đoạn bị ngập sâu. Khu vực đường Phạm Hùng nước ngập kéo dài khoảng 0,5km, có nơi ngập sâu gần 0,5m, người dân đi qua đây gặp nhiều khó khăn.
Hàng loạt xe máy chết động cơ, nhiều người phải chờ bên vệ đường để đợi nước rút. Anh Đỗ Mạnh Huy (ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết đây là lần đầu tiên đi qua tuyến đường ngập nước thế này, giờ mà chạy qua luôn thì sẽ hư xe, nên anh đứng chờ nước rút rồi mới chạy qua.
Bên cạnh đó, một số người dân sống tại khu vực cho biết, tại đây nhiều năm nay tới đợt triều cường là lại bị ngập, nếu như có mưa xuống thì ngập rất nặng.
Trên đường Trần Xuân Soạn, quận 7, “đến hẹn lại lên” người dân lại loay hoay đóng ván, chèn bao cát để ngăn nước tràn vào nhà. Xe cộ qua lại khó khăn, nhiều xe bị chết máy phải dắt bộ.
Dự báo ngày mai 29-10, triều cường tại TP.HCM sẽ đạt đỉnh trong đợt triều này.
Trong lúc này, Tổng công ty điện lực TP.HCM đưa ra nhiều khuyến cáo với người dân để phòng tránh các rủi ro mất an toàn điện do triều cường. Theo đó, có 2 nguy cơ rò rỉ điện dễ xảy ra nhất được phía điện lực lưu ý khi xảy ra ngập nước, mưa gió gồm:
Thứ nhất, sự cố điện do cây cối, công trình kiến trúc có thể bị gió lớn, lốc xoáy quật đổ, va quẹt vào thiết bị, vào đường dây, cột điện.
Thứ hai, sự cố do rò rỉ điện do các thiết bị điện không đảm bảo an toàn. Trong mùa mưa bão, ngập nước điều kiện thời tiết ẩm ướt, nguy cơ chạm chập cục bộ thiết bị điện gia dụng, nhất là các dụng cụ điện cầm tay (máy sấy tóc, bàn ủi, máy khoan…), ổ cắm điện, dây dẫn điện trong nhà có khả năng bị điện giật và gây cháy, nổ.
Ông Huỳnh Lê Khương – phó trưởng ban an toàn Tổng công ty điện lực TP.HCM – đưa ra một số lời khuyên và biện pháp phòng tránh cho người dân: Trong lúc triều cường dâng cao và kèm mưa gió, người dân tuyệt đối không được sử dụng công trình điện (trụ điện, tủ điện, trạm điện…) làm nơi định vị các phương tiện, vật dụng, công trình dân sinh (như mái che mưa, căng dây lều bạt, làm hàng quán…) hoặc neo đậu ghe thuyền.
Nên cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời (các bảng hiệu, bảng quảng cáo…) khi trời mưa to, gió lớn, ngập nước. Không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng điện kế, thùng cầu dao. Không tự ý sửa chữa đường dây, thiết bị điện ngoài trời.
Đặc biệt phải ngắt nguồn điện nếu khu vực trong nhà bị ngập nước hoặc bị mưa làm ướt sàn (tạt, dột).
Người dân nên quan sát tình hình và cảnh báo cho mọi người xung quanh biết và lập rào chắn khi phát hiện cột điện ngã (đổ), dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng, ao hồ. Báo ngay cho Trung tâm Chăm sóc khách hàng 1900 54 54 54 của Tổng công ty Điện lực TP.HCM để thông báo xử lý kịp thời.
Điện báo số 114 (Cảnh sát PCCC, cứu nạn, cứu hộ TP.HCM) khi có tai nạn điện xảy ra.
Lê Phan/ Tuổi Trẻ