Triệt phá đường dây làm giả thực phẩm chức năng quy mô lớn
Ngày 26-7, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm đếm, phân loại số lượng “khủng” các loại thực phẩm chức năng (TPCN) giả đã bị phát hiện, bắt giữ vào ngày 25-7.
Qua theo dõi, lúc 11h20 ngày 25-7, tổ công tác của Đội 7 – Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện Nguyễn Văn Thanh Tuấn (SN 1972, ngụ Bình Chánh) lái xe ôtô chở 20 thùng carton bên trong chứa TPCN giả một số nhãn hiêu nổi tiếng.
Số TPCN giả này, Tuấn giao cho Nguyễn Đình Thái Dương tại một căn nhà trong hẻm 64 đường Hoà Bình, phường 5, quận 11. Tiến hành khám xét căn nhà trên, tổ công tác phát hiện hai đối tượng nữ tên Trần Thị Châu Thanh (SN 1982) và Thạch Đết (SN 1992) đang sản xuất TPCN giả.
Mở rộng khám xét tại nhiều địa điểm khác ở quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, liên quan đến đường dây sản xuất, chứa trữ, tiêu thụ TPCN giả này, cơ quan Công an thu giữ thêm nhiều tang vật gồm: Viên uống, vỉ TPCN giả thành phẩm, hàng ngàn chai TPCN giả đã được dán nhãn, đóng gói; chai đựng TPCN chưa kịp dán nhãn, giấy hướng dẫn sử dụng các loại TPCN…
Theo lời khai ban đầu của các đối tượng, để làm giả các loại TPCN này, các đối tượng đã mua sản phẩm cùng loại với sản phẩm muốn làm giả (nhưng có giá thành thấp hơn nhiều), sau đó dán nhãn mác của sản phẩm làm giả lên hộp sản phẩm rồi đóng thùng, mang đi tiêu thụ. Thị trường tiêu thụ TPCN giả của các đối tượng này chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh.
Theo ghi nhận tại hiện trường, các loại TPCN bị các đối tượng làm giả là những loại có chức năng hỗ trợ điều trị rất nhiều loại bệnh, có giá bán khá cao trên thị trường như: thuốc cốm (dùng cho trẻ sơ sinh ọc sữa, ăn không tiêu, người lớn đau dày, ói mửa, chống thừa acid) giá 11.000- 15.000 đồng/chai; viên uống mát gan lợi mật (dùng cho các chứng bệnh thuộc về gan như: Mụn, nhọt, gứa, nổi mề đay, viêm gan cấp và mãn tính, vàng da. Giúp thông tiểu, nhuận trường (chống táo bón), giúp ăn ngon…) giá 55.000 đồng/chai 180 viên; viên uống tráng dương bổ thận, viên uống hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày, viên uống giải rượu…
Theo cảm quan, mặc dù bao bì nhãn mác các loại TPCN do các đối tượng làm giả khá tinh vi, nhưng vẫn có nhiều điểm khác biệt so với sản phẩm chính hãng. Dễ thấy nhất, đó là bao bì hàng chính hãng có chữ, màu sắc, rõ ràng sắc nét hơn hàng giả. Các thông tin ghi trên bao bì sản phẩm hàng giả, nhiều chỗ không khớp so với sản phẩm thật.
Cụ thể, như sản phẩm viên uống nội tiết tố nữ, hạn sử dụng của sản phẩm thật được in chìm ở vỏ hộp với nét in nhỏ, sờ thấy nhám, trong khisản phẩm giả thì in nhũ nổi với nét thô vụng; số điện thoại liên hệ trên sản phẩm thật là số điện thoại với mã vùng hiện tại của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội lần lượt là 028 và 024 trong khi sản phẩm giả vẫn là 08 và 04…
Đại diện của 4 công ty có sản phẩm bị nhóm đối tượng này làm giả đã xác nhận, các sản phẩm bị lực lượng chức năng thu giữ không phải là hàng do công ty họ sản xuất. Trong đường dây sản xuất TPCN giả này, có 7 đối tượng được xác định có liên quan, trong đó, đối tượng cầm đầu là Nguyễn Đình Lạc Thư. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.
(Theo Công An Nhân Dân)