Triển khai số lượng chiến hạm kỷ lục áp sát Đài Loan, Trung Quốc có âm mưu gì?

Tuệ Ngô 21/07/2023 10:40

Theo chuyên gia, Trung Quốc có vẻ muốn tạo một hiện trạng mới nhằm “ru ngủ” Đài Loan bằng cách tổ chức các cuộc diễn tập quy mô lớn và thường xuyên triển khai tàu chiến.

Tàu Type 075 Hải Nam của hải quân Trung Quốc tham gia tập trận của Chiến khu Nam bộ.

“Liên hợp Kiếm Lợi”

Đài Loan báo cáo rằng Quân đội Trung Quốc (PLA) đã triển khai 16 tàu chiến và 15 máy bay quân sự quanh hòn đảo vào ngày 15/7, con số chưa từng thấy trong một ngày. Trong tuần trước, PLA thường xuyên triển khai 9 tàu chiến cùng với tiêm kích, oanh tạc cơ, máy bay không người lái (UAV) và máy bay tác chiến đặc biệt áp sát hòn đảo mỗi ngày.

Điều này xảy ra gần ba tháng sau cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn mang tên “Liên hợp Kiếm Lợi” diễn ra ở các vùng biển xung quanh Đài Loan. Theo người phát ngôn Chiến khu miền Đông Thi Nghị, cuộc tập trận nhằm cảnh báo mạnh mẽ đối với sự thông đồng giữa các lực lượng ly khai muốn Đài Loan độc lập và các thế lực bên ngoài, chống lại các hoạt động khiêu khích của họ.

Trung Quốc đang gia tăng hoạt động quân sự quanh hòn đảo Đài Loan trước chuyến thăm Bắc Kinh của đặc phái viên Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu, John Kerry. Trong tuần qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng 886 tỷ USD, bao gồm các sáng kiến ứng phó với khả năng quân sự của Trung Quốc và chương trình hợp tác huấn luyện với quân đội Đài Loan.

Các tàu và máy bay Trung Quốc diễn tập gần Đài Loan

Những cuộc tập trận, tuần tra quy mô lớn và tần suất thường xuyên quanh Đài Loan được các chuyên gia đánh giá là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm thiết lập hiện trạng mới về an ninh với hòn đảo này.

Theo chuyên gia quan hệ quốc tế Adrian Ang U-Jin từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) tại Singapore, Trung Quốc đã tăng cường đáng kể hoạt động quân sự quanh đảo Đài Loan kể từ sau chuyến thăm gây tranh cãi của bà Nancy Pelosi vào tháng 8/2022.

Trung Quốc đã tiếp tục thực hiện các cách phản ứng tương tự sau những chuyến thăm liên tiếp của ba nghị sĩ và hai thống đốc Mỹ vào cuối tháng 8 và tháng 9/2022. Điều này diễn ra sau thời điểm Washington – Đài Bắc bắt đầu đàm phán thương mại và khi Thượng viện Mỹ thông qua đạo luật chính sách Đài Loan với gói viện trợ an ninh trị giá 4,5 tỷ USD.

Theo Adrian Ang, thông qua những hoạt động này, Quân đội Trung Quốc (PLA) muốn tạo ra nhận thức mới về eo biển Đài Loan, trong đó các khái niệm trước đây về “đường trung tuyến” đã không còn được áp dụng.

Binh sĩ tham gia tập trận tại căn cứ quân sự Đài Loan, Gia Nghĩa, ngày 6/1.

Đòn gió “ru ngủ”

Cuộc sống hàng ngày của người dân Đài Loan vẫn diễn ra bình thường và không có dấu hiệu nào của lo lắng vì xung đột. Ngay cả khi quân nhân Đài Loan tuần tra canh gác, khách du lịch vẫn thảnh thơi chụp ảnh tại Miêu Tị Đầu vào ngày 10/4.

Đường Bảo Hùng, một quân nhân Đài Loan đã về hưu, nói với Reuters rằng hầu hết người dân Đài Loan không lo ngại, vì họ tin rằng Trung Quốc sẽ không kích hoạt cuộc xung đột.

Khảo sát của Quỹ Dư luận Đài Loan vào tháng 8/2022 cho thấy khoảng 78% người tham gia không lo lắng về các cuộc tập trận của Quân đội Nhân dân Trung Quốc (PLA), ngay cả sau khi Trung Quốc thực hiện cuộc tập trận bắn đạn thật với quy mô chưa từng có trước chuyến thăm của bà Pelosi.

Một khảo sát do Viện Nghiên cứu Toàn cầu W&M thực hiện từ tháng 10/2022 đến tháng 1/2023 với 979 học giả ngành quan hệ quốc tế cũng cho thấy hơn 72% người được hỏi không tin rằng Trung Quốc sẽ sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề Đài Loan, và nguy cơ xung đột trên eo biển được đánh giá ở mức chỉ 23,75/100.

Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở eo biển Đài Loan

Các chuyên gia dự đoán tâm lý thờ ơ, chủ quan của Đài Loan sẽ tăng lên khi Trung Quốc thường xuyên tiến hành các cuộc diễn tập quân sự gần hòn đảo theo cách “ru ngủ”. Việc tập trận và tuần tra diễn ra gần như hàng ngày có thể làm cho công chúng và lãnh đạo Đài Loan cảm thấy mọi hoạt động quân sự của Trung Quốc chỉ là “đòn gió”.

“Nó có thể làm cho công chúng và lãnh đạo Đài Loan dần quen với các cuộc tập trận và tình hình trở nên bình thường lại. Nhưng nếu một ngày nào đó mọi thứ trở nên không kiểm soát được, Đài Loan có thể rơi vào tình thế bất lợi”, Nghiêm Chấn Sinh, giáo sư tại Đại học Chính trị Đài Loan, đã lên tiếng nhận định.

Triệu Tiểu Chu, chuyên gia từ Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, cho rằng trong cuộc diễn tập đầu tháng 4, PLA đã bổ sung một số yếu tố mới so với đợt răn đe vào tháng 8/2022. Trong đó, việc tổ chức chặt chẽ hơn khi tiến vào vùng 24 hải lý quanh hòn đảo, đưa tàu sân bay vào tập trận lần đầu, và mô phỏng đội hình tác chiến gọng kìm xung quanh hòn đảo là những điểm mới xuất hiện trong cuộc tập trận.

Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở eo biển Đài Loan

Theo chuyên gia Bryce Wakefield, Giám đốc Viện Các vấn đề Quốc tế của Australia (AIIA), Trung Quốc đã tính toán chiến lược mới đẩy Đài Loan vào thế khó, vì họ không thể tăng cường các hoạt động quân sự tương ứng với quy mô lớn của Trung Quốc.

Nếu Đài Loan liên tục đối mặt với việc tiêm kích, răn đe từ lực lượng máy bay quân sự của Trung Quốc – vốn có số lượng lớn hơn nhiều, lực lượng phòng vệ không trên đảo sẽ nhanh chóng quá tải và lãng phí nguồn lực, đồng thời làm mất giá trị quý giá của họ trong trường hợp xảy ra xung đột.

Vì vậy, Đài Loan buộc phải thể hiện sự kiềm chế, yêu cầu lực lượng phòng vệ không thực hiện bất kỳ hành động nào “thêm dầu vào lửa”.

Lãnh đạo Đài Loan hiểu rằng chống cự một cuộc tấn công từ đại lục bằng sức mạnh quân sự thường là rất khó khăn. Do đó, họ đang tập trung hơn vào các phương án phòng thủ “lấy nhỏ thắng lớn”, như ngăn chặn kế hoạch đổ bộ từ biển của đối phương.

Xe bọc thép lội nước của quân đội Trung Quốc trong một cuộc diễn tập tấn công đổ bộ hồi tháng 5/2021

Bryce Wakefield nói rằng Mỹ và lực lượng Đài Loan có thể bị đánh bại trong kịch bản xảy ra khủng hoảng trên eo biển. Gần đây, Mỹ đã tăng cường hỗ trợ để giúp Đài Loan củng cố chiến lược phòng thủ “con nhím”, giúp hòn đảo khó bị xâm nhập trong trường hợp có cuộc tấn công đổ bộ quy mô lớn.

Trung Quốc đã chủ trương thống nhất hai bờ eo biển trong thời gian hòa bình, mặc dù vẫn không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan. Người phát ngôn Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ Viện Trung Quốc, Chu Phượng Liên, tháng 4 nhấn mạnh rằng các phản ứng của PLA trên eo biển Đài Loan nhằm vào “các thế lực ngoại bang và thành phần ly khai” chứ không hướng đến người dân trên đảo.

Bryce Wakefield dự đoán rằng viễn cảnh chiến sự trên eo biển Đài Loan trong tương lai gần là điều khó tưởng tượng. Hậu quả của xung đột sẽ là sự xáo trộn chuỗi cung ứng, tổn thất nhân mạng và nguy cơ tình hình diễn biến ngoài kế hoạch. Tất cả những điều này đều không có lợi cho Bắc Kinh, khi họ đang ưu tiên giải quyết các vấn đề xã hội và kinh tế để duy trì ổn định trong nước.

Tuệ Ngô

Đọc nhiều