Tri ân các nhân chứng Hoàng Sa
Đà NẵngLãnh đạo UBND huyện Hoàng Sa đến thăm các nhân chứng từng sống, làm việc, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa, sáng 19/1.
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, cho biết hoạt động này nhân sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chế, chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 47 năm trước (19/1/1974). Mục đích là tri ân những bậc cha ông đã bảo vệ quần đảo Hoàng Sa, đồng thời nhắc nhở thế hệ trẻ không quên Hoàng Sa là một phần máu thịt chưa về với đất mẹ Việt Nam.
Đoàn đã thắp hương tưởng nhớ ông Phạm Khôi tại ngôi nhà trên đường Quang Trung, quận Hải Châu. Ông Khôi từng là lính làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa, từ tháng 12/1969 đến 4/1970. Sau ngày đất nước thống nhất, những người lính Việt Nam Cộng hòa dường như bị lãng quên.
Những năm gần đây, UBND huyện Hoàng Sa duy trì hoạt động tri ân các nhân chứng. Năm 2013, ông Phạm Khôi vẽ lại bản đồ Hoàng Sa qua hồi ức, tặng cho UBND huyện Hoàng Sa để lưu giữ. Năm 2015, ông qua đời. “Cha tôi khi còn sống luôn mong Việt Nam đòi lại được Hoàng Sa”, con dâu Phan Thị Hoa, 51 tuổi, nói.
Biết có đoàn đến thăm, ông Lê Đình Rê (76 tuổi, trú đường Núi Thành, quận Hải Châu) đã sắp sẵn nhiều hình ảnh và tư liệu mình lưu giữ, khi còn là thủy thủ tàu hậu cần ra cứu nạn các tàu thuyền. Ông cũng từng xuất hiện trên tạp chí quốc tế, khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.
Ông Rê cảm ơn huyện Hoàng Sa đã nhớ đến những nhân chứng và những người lính Việt Nam Cộng hòa đã ngã xuống khi bảo vệ Hoàng Sa; bày tỏ niềm tự hào khi được góp một phần tư liệu, hiện vật cho Nhà trưng bày Hoàng Sa. “Chúng tôi luôn xem Nhà trưng bày Hoàng Sa như nhà mình”, ông nói.
Gia đình ông Rê là tiêu biểu cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam, với anh trai cả tham gia kháng chiến chống Pháp, anh trai thứ chống Mỹ và ông Rê tham gia chiến tranh biên giới phía bắc. Mẹ ông là Mẹ Việt Nam anh hùng. “Khi chống giặc ngoại xâm chúng tôi đứng về phía dân tộc Việt Nam, không đứng về chế độ nào”, ông Rê nói.
Dù tuổi đã cao, Rê chia sẻ nếu có cơ hội vẫn ước ao được ra lại Hoàng Sa. “Tôi mong ngư dân Việt Nam được ra ngư trường truyền thống này khai thác nguồn lợi hải sản mà không bị bất cứ sự ngăn cản, truy đuổi trái phép nào”, ông nói.
Vị cựu binh cho rằng, đất nước đã thống nhất nhưng người dân Việt Nam cần nhớ ba ngày chống giặc ngoại xâm, là trận hải chiến Hoàng Sa 19/1/1974, chiến tranh biên giới phía Bắc 17/2/1979 và cuộc chiếm đóng trái phép của Trung Quốc ở Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền Việt Nam), ngày 14/3/1988.
Trong hai ngày 19-20/1, đại diện Nhà Trưng bày Hoàng Sa cũng đi thăm hỏi, tặng quà Tết cho 23 nhân chứng Hoàng Sa ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Nguyễn Đông/VNE