Trên tàu sân bay Mỹ tập trận giữa nhiều tàu TQ ở Biển Đông

21/10/2019 21:39

Các chỉ huy quân sự Mỹ nói sự hiện diện của các tàu sân bay như USS Ronald Reagan tạo nền tảng cho sự ổn định và khẳng định quyền tự do đi lại của mọi quốc gia trên Biển Đông.

Vài trăm km ngoài khơi phía tây Philippines, chiến đấu cơ Mỹ gầm rú trên không trung. Tàu USS Ronald Reagan đang tập trận ngoài Biển Đông, vùng biển mà tàu chiến Mỹ và Trung Quốc thường xuyên hiện diện, tranh giành ảnh hưởng, Telegraph cho biết hôm 21/10.

Trung Quốc nhanh chóng phản ứng. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu USS Ronald Reagan bị nhiều tàu Trung Quốc vây quanh. Bộ Quốc phòng Trung Quốc lên tiếng phản đối, cáo buộc Mỹ gây hấn.

Tàu USS Ronald Reagan, giống một thành phố thu nhỏ, chở gần 5.000 thuyền viên, bao gồm cả 5 nha sĩ và 3 mục sư, đã tới đây để thể hiện sức mạnh cũng như lập trường của Mỹ tại khu vực.

Tren tau san bay My tap tran giua nhieu tau TQ o Bien Dong hinh anh 1
Cờ Mỹ treo trên tàu sân bay USS Ronald Reagan. Con tàu đi vào hoạt động tháng 7/2003 và đang tập trận trên Biển Đông. Ảnh: Telegraph.

Trung Quốc tham vọng dùng đảo đá cho “các chiến dịch dài hơi”

Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền một cách trái phép trên Biển Đông, trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Đây là lo ngại ngày càng lớn vì Biển Đông là nơi có khối lượng thương mại trị giá 3.400 tỷ USD đi qua mỗi năm. Ngoài vị trí chiến lược đối với thương mại quốc tế, Biển Đông còn là nơi có trữ lượng dầu khí lớn.

Vì vậy, Mỹ thường xuyên tập trận trong khu vực, có lúc có sự tham dự của các nước khác, để khẳng định quyền tự do hàng hải.

“Trung Quốc tranh cãi về vùng biển mà chúng tôi có thể đi lại”, Chuẩn đô đốc Karl Thomas nói với báo Telegraph.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng, ngày càng có nhiều lo ngại về ý đồ của Trung Quốc tại Biển Đông. Các động thái của Trung Quốc từ nhiều năm nay như bồi đắp, quân sự hóa trái phép các đảo đá, tuyên bố chủ quyền đường chín đoạn, cho đến những tháng gần đây như điều đội tàu Hải Dương 8 vào thăm dò, đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước như Việt Nam, Malaysia và Philippines.

Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và là một trong những đảo đá bị Trung Quốc xây dựng trái phép nhiều nhất, giờ đây đã có kho chứa đạn ngầm, nơi trú tên lửa, radar và sân bay. Các đảo đá khác cũng được bồi đắp, xây dựng tương tự.

Bắc Kinh luôn nói các cơ sở trên nhằm mục tiêu “phòng thủ”, theo Oriana Skylar Mastro, chuyên gia về quân sự Trung Quốc và giáo sư Đại học Georgetown. “Nhưng vấn đề là Biển Đông không phải của Trung Quốc để mà phòng thủ”, bà nhấn mạnh.

Việc xây dựng nói trên “cho Trung Quốc khả năng tiến hành các chiến dịch liên tục, dài hơi và gây áp lực lên các nước láng giềng, thách thức các tuyên bố lãnh hải, không phận của họ trong khu vực”, bà Mastro nói. “Họ cố gắng thiết lập các cơ sở quân sự để có thể kiểm soát Biển Đông”.

Tren tau san bay My tap tran giua nhieu tau TQ o Bien Dong hinh anh 2
Thuyền viên đang làm việc trong kho chứa máy bay trên tàu USS Ronald Reagan. Ảnh: Telegraph.

 

Cần thông điệp mạnh mẽ từ cấp cao hơn Lầu Năm Góc

Đang có những lo ngại rằng khi sức mạnh tăng lên, Trung Quốc sẽ dùng vũ lực để thực thi tuyên bố chủ quyền, và chặn tàu thuyền các nước trong các tranh chấp lãnh thổ.

Các chỉ huy quân sự Mỹ luôn nói sự hiện diện của các tàu sân bay như USS Ronald Reagan tạo nền tảng cho sự ổn định và khẳng định quyền tự do đi lại của mọi quốc gia.

“Nếu không điều tàu thuyền và máy bay đi đến bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép, chúng ta đang ngầm chấp nhận là mình không có quyền làm vậy”, ông Thomas nói.

Nhưng Trung Quốc đang ngày càng táo bạo. Một trong những cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình khi lên lãnh đạo năm 2012 là đưa Trung Quốc trở thành “cường quốc hàng hải”.

Năm ngoái, tàu khu trục Trung Quốc cảnh báo, xua đuổi tàu USS Decatur, tiến sát tới mức tàu Mỹ phải chuyển hướng để tránh va chạm. Gần đây hơn, Trung Quốc từ chối cho tàu Mỹ thăm Hong Kong và thành phố cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông.

Một số ý kiến cho rằng Mỹ cần phải gửi thông điệp mạnh mẽ hơn từ những cấp cao nhất trong chính phủ – không chỉ từ phía Lầu Năm Góc như hiện giờ. Nhưng Tổng thống Trump đã giảm dần ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới, rút khỏi các hiệp định quốc tế, rút lính Mỹ khỏi các vùng xung đột, bất chấp nguy cơ bùng phát bất ổn. Đối với Trung Quốc, vấn đề ưu tiên của ông Trump là đàm phán thương mại.

“Chính quyền Trump dường như không quan tâm đến Biển Đông – ông không bao giờ tweet về chủ đề này, và ông chưa nêu chủ đề này với ông Tập”, bà Mastro nói. “Nếu hai nước cạnh tranh chiến lược, đây là khu vực quan trọng nhất mà Mỹ cần phải giữ lợi thế quân sự”.

Đối với Mỹ, rủi ro là các nước Đông Nam Á không còn tin nước này có thể bảo đảm an ninh cho họ, và rơi vào tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trước sự hấp dẫn của các khoản đầu tư.

Tại thị trấn Clark của Philippines, nơi phóng viên của Telegraph cất cánh để bay đến tàu sân bay, đang có những chỉ dấu cho thấy ảnh hưởng giảm dần của Mỹ.

Thời chiến tranh Việt Nam, đây từng là căn cứ quân sự lớn và quan trọng nhất ở nước ngoài của Mỹ. Nhưng giờ đây, sau khi được chuyển giao lại cho Philippines năm 1991, căn cứ này trở nên tồi tàn, và có ít dấu hiệu cho thấy lính Mỹ từng đóng ở đây.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chào đón làn sóng đầu tư Trung Quốc để phát triển khu vực này và thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm khoản 2 tỷ USD cho một khu công nghiệp 500 ha.

Tren tau san bay My tap tran giua nhieu tau TQ o Bien Dong hinh anh 3
Các thủy thủ ra hiệu lệnh hướng dẫn máy bay F/A-18 Super Hornet trên boong tàu. Ảnh: Telegraph.

“Sẽ kinh hoàng nếu nổ ra xung đột”

Các vụ va chạm trên biển giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc vẫn thường gây căng thẳng, nhất là vì các tuyên bố chủ quyền chồng lấn. Tháng 6, dư luận Philippines phẫn nộ khi tàu Trung Quốc đâm vào thuyền đánh cá Philippines, bỏ mặc 22 ngư dân nước này trên biển sau đó được tàu của Việt Nam cứu mạng.

Các nước nhỏ không đủ sức mạnh để chống lại Trung Quốc, và “không thể thiếu hỗ trợ quân sự, bảo đảm an ninh từ Mỹ”, Meia Nouwens, chuyên gia về Trung Quốc ở Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS), nói.

Gần đây, nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây ra nhiều tháng căng thẳng. Việt Nam cũng cấm chiếu một phim hoạt hình vì trong đó có hình bản đồ đường chín đoạn phi pháp của Trung Quốc.

Trong diễn văn tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Ngụy Phượng Hòa biện minh cho các hoạt động xây dựng đảo đá là “một nước có chủ quyền xây dựng trên chính lãnh thổ của mình”.

Khi Trung Quốc đang chịu thiệt hại bởi chiến tranh thương mại kéo dài, cũng như đau đầu vì biểu tình ở Hong Kong, ông Tập có thể sẽ vươn ra Biển Đông để thể hiện sức mạnh.

Vì vậy, tàu chiến Mỹ như USS Ronald Reagan nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi qua Biển Đông. Các nước Anh, Pháp có thể sớm điều tàu đi qua, với tần suất lớn hơn, vì họ nhận thức rõ “cần phải làm nhiều hơn, có tổ chức hơn, để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc”, bà Nouwens nói.

Một thứ sáu gần đây, nhạc vang lên từ bên trong một nhà kho, nơi các nhân viên đang bảo trì máy bay. Một số thủy thủ ngồi trên xe đạp và nói chuyện. Chiếc tàu sân bay có nhịp điệu riêng, bao gồm âm thanh của lò phản ứng hạt nhân dưới đáy tàu, các phi công chạy rầm rầm trên các bậc thang hẹp, và món taco trong nhà ăn – đặc sản mỗi thứ ba hàng tuần.

Tượng dát vàng có hình Ronald Reagan, vị tổng thống mà tên được đặt cho con tàu, phải được buộc bằng dây màu trắng, giúp đứng vững trong suốt hải trình.

“Chúng tôi sẽ ở đây, và chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động trong khu vực này”, Chuẩn đô đốc Thomas nói với Telegraph. “Tôi nghĩ cả hai nước nhận ra nếu nổ ra xung đột thì sẽ kinh hoàng như thế nào”.

“Tất nhiên, chúng tôi đã chuẩn bị cho tình huống đó”, ông nói thêm. “Nhưng tôi nghĩ mọi người trên tàu hiểu rằng sẽ tốt hơn cho toàn thế giới nếu chúng ta giữ hòa bình”.

Tren tau san bay My tap tran giua nhieu tau TQ o Bien Dong hinh anh 4
Tượng Tổng thống Ronald Reagan trên tàu USS Ronald Reagan. Ảnh: Telegraph.

 

Trọng Thuấn/Zing News

Đọc nhiều