86
topics
52490

Tránh tình trạng chất lượng đào tạo là ‘áo thường’ lại hô lên là ‘hàng hiệu’

17/07/2019 10:13

Ông Phùng Xuân Nhạ, bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nói như vậy tại hội nghị về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật giáo dục sửa đổi, bổ sung, một số điều của Luật giáo dục đại học ngày 17-7.

Tránh tình trạng chất lượng đào tạo là áo thường lại hô lên là hàng hiệu - Ảnh 1.
Ông Phùng Xuân Nhạ – bộ trưởng Bộ GD-ĐT tại hội nghị – Ảnh: NAM TRẦN

Tại hội nghị, ông Phùng Xuân Nhạ khẳng định tới thời điểm này kỳ thi THPT quốc gia được đánh giá là thành công.

Kết quả thi đảm bảo để các trường đại học, cao đẳng sử dụng làm căn cứ xét tuyển đầu vào.

Tuy nhiên ông Nhạ cũng lưu ý trong lộ trình thực hiện tự chủ, các cơ sở đào tạo đại học cũng hướng tới tự chủ trong tuyển sinh, không lệ thuộc hoàn toàn vào kết quả thi THPT quốc gia, vì kỳ thi này bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông để đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT.

“Hướng đi tiếp theo có thể sẽ cho phép thành lập các trung tâm khảo thí độc lập. Các trường ĐH có thể sử dụng kết quả của các trung tâm này để tuyển sinh vài lần trong năm. Khi đó kỳ thi THPT quốc gia sẽ điều chỉnh để nhẹ nhàng hơn” – ông Phùng Xuân Nhạ chia sẻ quan điểm.

Trao đổi về nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo đại học, ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng các trường quan tâm tới tuyển sinh nhưng điều cần quan tâm hơn là quá trình đào tạo và chuẩn đầu ra.

Các trường phải thực hiện đúng cam kết với người học về điều kiện đảm bảo chất lượng. Phải chú trọng kiểm định chương trình đào tạo, kiểm định cơ sở đào tạo, duy trì sự cạnh tranh công bằng, tránh gây nghi ngờ về chất lượng đào tạo khi có những vấn đề không minh bạch, không thực chất.

Ông Phùng Xuân Nhạ ví chất lượng đào tạo như “chiếc áo”. Nếu đó là chiếc ‘áo thường’ thì không thể công bố nó là “hàng hiệu”.

Ông Nhạ cũng cho rằng các trường ĐH muốn phát triển bền vững thì cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Trong khi hiện nay nhiều trường mới chỉ tập trung cho đào tạo mà chưa đầu tư xứng đáng cho nghiên cứu.

Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT tại hội nghị trên, tỉ lệ tốt nghiệp THPT trên cả nước là 94,06%.

Trong hơn 887.000 thí sinh, có trên 73% sử dụng kết quả thi xét tuyển đại học với trên 2.575.000 nguyện vọng. Tổng chỉ tiêu năm 2019 có 489.637.

Trong đó có 341.840 chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT, có 147.797 chỉ tiêu theo phương thức khác (xét học bạ, tổ chức đánh giá năng lực, kết hợp kết quả thi và xét học bạ…).

Trao đổi về công tác tuyển sinh, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, lưu ý các trường tuyển sinh bằng nhiều phương thức cần xác định tỉ lệ hợp lý cho mỗi phương thức.

Cần có thống kê, phân tích để xem xét giữa các phương thức có chênh nhau không? Phân tích chất lượng sinh viên tuyển sinh từ các phương thức xem có sự chênh nhau không? Đây là cơ sở để có những điều chỉnh đảm bảo chất lượng đào tạo.

Bà Phụng cũng nêu vấn đề các cơ sở đào tạo cần thực hiện trong thời gian tới liên quan tới tuyển sinh là việc xây dựng cơ sở dữ liệu giảng viên chuẩn, làm căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Các trường phải chịu trách nhiệm về chỉ tiêu tuyển sinh, phải có trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện quy chế tuyển sinh. Nếu có vấn đề phát sinh phải chủ động xử lý, giải trình trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo bà Phụng, trong thời gian tới là “cao điểm” của việc xét tuyển, các trường cần có trách nhiệm thông tin đầy đủ, công khai, minh bạch những nội dung liên quan tơi tuyển sinh trên trang thông tin của trường và nên thiết lập đường dây nóng để sẵn sàng tư vấn cho thí sinh, nhất là từ 22-7 đến hết tháng 7 là thời điểm thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng.

(Theo Tuổi Trẻ)

Đọc nhiều