8
category
456389

Tranh phần 500 triệu USD: Đối thủ lớn nhất rút lui, ai đủ sức đấu Grab

12/12/2020 06:08

Sau khi Uber bán mình rút lui, hàng loạt ứng dụng đặt xe công nghệ ra đời cạnh tranh với Grab nhưng cho tới nay chưa có ai đủ mạnh.

Bước vào cuộc chơi “đốt tiền”

Sau khi Uber rời sân, chỉ còn Grab ở thị trường Việt Nam thì cuộc đấu giành vị thế trong lĩnh vực taxi công nghệ vẫn nóng. Taxi truyền thống và nhiều đơn vị trong nước đã quyết tâm lấy lại thị phần. 2018 là năm hàng loạt ứng dụng đặt xe công nghệ ra đời.

Hãng xe Phương Trang từng công bố đầu tư 100 triệu USD (khoảng hơn 2.200 tỷ đồng) vào Vato. Vato không chỉ là một ứng dụng gọi xe thông thường mà được tạo ra một phần mềm thương mại điện tử với nhiều tính năng khác, tức nó như một sàn giao dịch thương mại điện tử về vận tải, dịch vụ, hàng hoá.

Ứng dụng của Aber chào sân hồi tháng 6/2018 với điểm mới không thu chiết khấu của tài xế, tung ra 6 sản phẩm dịch vụ như xe máy, ôtô, giao hàng, xe doanh nghiệp,… Mai Linh Bike từng tuyên bố sẵn sàng cạnh tranh với tất cả thương hiệu xe ôm công nghệ.

Cuối năm 2018, Go-Jek của Indonesia đã vào thị trường Việt Nam với tên gọi Go-Viet. Cùng thời điểm, một ứng dụng khác có tiềm lực về tài chính, hệ sinh thái tốt là Be đã ra mắt và chính thức tuyên chiến với ông các hãng xe công nghệ của đối thủ ngoại. Viettel Post cũng gia nhập thị trường gọi xe công nghệ với ứng dụng MyGo.

Tranh phần 500 triệu USD: Đối thủ lớn nhất rút lui, ai đủ sức đấu Grab
Hàng loạt ứng dụng đặt xe công nghệ cạnh tranh với Grab

Trong lĩnh vực taxi, G7 Taxi đầu tư khoảng 1 triệu USD để đầu tư công nghệ, phát triển ứng dụng, đồng thời trang bị nhận diện thương hiệu mới với thông điệp “chuẩn taxi chính thống”.

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2020, ban lãnh đạo Mai Linh nhấn mạnh tham vọng sau năm 2021 doanh nghiệp sẽ có 20.000 xe taxi công nghệ, chiếm lĩnh thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam. Mai Linh đã cho ra mắt mô hình xe taxi công nghệ, gồm Smart Taxi và SmartCar tại Nghệ An.

Bên cạnh đó, nhiều start-up khác như Didi Chuxing (Trung Quốc), MVL (Singapore) cũng tuyên bố sẽ tấn công thị trường Việt.

Theo báo cáo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, doanh thu thị trường gọi xe công nghệ đạt 500 triệu USD/năm. Tuy nhiên, 93% số này dự báo đến từ 2 thành phố là Hà Nội và TP.HCM. Vì vậy, tiềm năng ở các tỉnh khác có thể khai phá còn rất lớn.

Đứng đầu về quy mô thị trường gọi xe trực tuyến tại Đông Nam Á là Indonesia với giá trị 3,7 tỷ USD. Việt Nam xếp thứ 6 trong khu vực với quy mô 500 triệu USD, lần lượt sau Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Tại các thị trường này, Grab đang là “con hổ” khi chiếm thị phần lớn nhất, có mặt ở hơn 200 thành phố sau khi thâu tóm hoạt động của Uber.

Thế trận không cân sức

Khó sử dụng, ít lái xe, các ứng dụng Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cả người dùng lẫn tài xế. Aber phải thông báo ngừng hoạt động sau một thời gian. Vato và Mai Linh Bike cũng không còn màu áo của lái xe trên đường. Số lượng tài xế ít, đặt xe khá lâu nên người tiêu dùng đã chuyển qua ứng dụng khác. Còn lái xe không đủ thu nhập, họ cũng âm thầm gỡ bỏ ứng dụng.

Trong khi đó, các đại gia ngoại với tiềm lực tài chính liên tục đốt tiền vào khuyến mại cho lái xe và người dùng. Điều này cho thấy nếu doanh nghiệp không có chiến lược, tài chính “dài hơi” sẽ không trụ được trong cuộc đua này. Đồng thời sẽ đào thải được những đơn vị không đủ năng lực, thị trường sẽ bớt rối loạn.

Tranh phần 500 triệu USD: Đối thủ lớn nhất rút lui, ai đủ sức đấu Grab
Grab đang chiếm thị phần rất lớn

Năm 2019 chứng kiến sự biến động nhân sự ở cả ba nền tảng Grab, Go-Viet và Be. Về phía Go-Viet, ông Nguyễn Vũ Đức, CEO đầu tiên của Go-Viet chính thức rời ghế. Đến tháng 4/2019, bà Lê Diệp Kiều Trang được bổ nhiệm vào vị trí CEO Go-Viet. Nữ CEO này cũng rời Go-Viet chỉ sau vỏn vẹn 5 tháng.

Đến cuối tháng 12/2019, ông Trần Thanh Hải cũng tuyên bố rời khỏi vị trí CEO của Be Group. Be tiếp tục tăng vốn lên 515,7 tỷ đồng vào tháng 8/2019. Sau khi ông Trần Thanh Hải rời cương vị CEO và bà Nguyễn Hoàng Phương lên thay, Be tiếp tục tăng vốn gấp rưỡi, lên đến 755,9 tỷ đồng vào tháng 2/2020.

Đầu tháng 6/2020, một thông tin đáng chú ý khi Be và FastGo sắp sáp nhập để đấu với Grab. Tuy nhiên, đại diện Be bác tin đồn sáp nhập. Còn FastGo tìm ra được lối đi riêng, khi nhà sáng lập FastGo, Nguyễn Hữu Tuất từng tiết lộ muốn tập trung vào hoạt động cho thuê xe VinFast theo mô hình B2B, với khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp với số lượng lớn, trong thời gian dài kì.

Không chỉ cho thấy tiềm lực tài chính mạnh mẽ, Grab đang thật sự quyết liệt trong mục tiêu trở thành siêu ứng dụng hàng đầu tại Việt Nam. Từ đặt xe qua ứng dụng, Grab bổ sung dịch vụ đặt đồ ăn, giao hàng, thanh toán di động qua hợp tác với Moca. Việc phát triển đồng loạt các dịch vụ tương hỗ trong một hệ sinh thái cho thấy khả năng phát triển bền vững của Grab là sáng giá nhất trong số các ứng dụng đặt xe.

Đại diện nền tảng công nghệ này tuyên bố đã sở hữu hệ sinh thái đa dịch vụ, trong đó mỗi dịch vụ đều chứng tỏ được khả năng tự phát triển, đồng thời hỗ trợ nhau cùng lớn mạnh. Grab đầu tư thêm 500 triệu USD vào thị trường 90 triệu dân trong 5 năm tới, nâng tổng số vốn đầu tư tại đây trong vòng 10 năm lên 700 triệu USD.

Đầu tháng 7, GoViet công bố sẽ hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với Gojek trong chiến lược dài hạn nhằm tạo ra tác động tích cực lâu dài và thúc đẩy đổi mới cho khách hàng tại Việt Nam.

Đại diện một đơn vị đặt xe công nghệ cho rằng, dù có tiềm năng, nhưng để tồn tại cần phải có chiến lược và hướng đi rõ ràng, phù hợp với điều kiện kinh doanh và pháp luật VN. Để tham gia vào cuộc chơi, doanh nghiệp phải xác định tiêu tốn vài nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển. Ông nhìn nhận cuộc đua giành thị phần của các đơn vị được dự đoán sẽ khốc liệt hơn ở mảng vận tải và giao nhận thức ăn.

Nóng thâu tóm thị trường

Câu chuyện thị phần đặt xe công nghệ mới đây lại nóng thêm khi thông tin Grab đang tính toán thâu tóm Gojek sau khi đã áp dụng thành công với Uber. Theo thông tin từ DealStreetAsia, các cuộc đàm phán về việc sáp nhập hai nền tảng gọi xe là Grab và Gojek đã đạt được những kết quả quan trọng. Các nhà đầu tư chiến lược trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Softbank đang thúc đẩy để kết thúc thương vụ này.

Tranh phần 500 triệu USD: Đối thủ lớn nhất rút lui, ai đủ sức đấu Grab
Grab và Gojek

Theo nguồn tin của Bloomberg, Grab và Gojek đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc tìm ra một thỏa thuận để hợp nhất hoạt động kinh doanh. Đây có thể là thương vụ sáp nhập hai doanh nghiệp Internet lớn nhất tại Đông Nam Á. Đại diện Grab, Gojek và SoftBank đều từ chối bình luận về vấn đề này.

Grab hiện có mặt ở 8 quốc gia, được định giá khoảng 14 tỷ USD. Trong khi, Gojek có giá trị khoảng 10 tỷ USD, hoạt động tại Indonesia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Tech in Asia ước tính, hậu sáp nhập, có thể tạo ra 16,7 tỷ USD doanh thu hàng năm và được định giá 72 tỷ USD vào năm 2025, giúp gia tăng triển vọng IPO (chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu).

Nếu thương vụ này được thông qua, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam chỉ còn lại một cái tên duy nhất chi phối thị trường gọi xe. Điều này có thể sẽ vấp phải sự phản đối của các nhà chức trách và khi đó sẽ phải trải qua các cuộc điều tra về chống độc quyền. Tương tự như vụ việc Uber bán lại mảng kinh doanh ở Đông Nam Á cho Grab vào năm 2018.

Năm 2020 sắp khép lại từ vụ việc Grab tăng giá cước cũng như chiết khấu. Dù lý giải việc tăng giá này từ các quy định của cơ quan chức năng, nhưng nếu trong tương lai khi một mình chiếm thị trường, việc tự quyết định giá của đặt xe công nghệ là điều có thể xảy ra. Nhìn vào cục diện, các hãng đặt xe công nghệ sẽ còn phải tăng tốc mới có thể đuổi kịp Grab.

Duy Anh/ VNN

Đọc nhiều