Tránh nguy cơ đụng độ trên biển Đông

18/11/2020 09:46

Dự luật Cảnh sát biển của Trung Quốc gây ra lo ngại nghiêm trọng không chỉ đối với các nước khu vực mà còn đối với các nước cùng sử dụng biển Đông, biển Hoa Đông

Trong 2 ngày 16 và 17-11, hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 12 với chủ đề “Duy trì hòa bình và hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động” đã diễn ra tại Hà Nội.

Trung Quốc lợi dụng dịch bệnh

Đánh giá tình hình biển Đông trong một năm đầy biến động vừa qua, nhiều diễn giả cho rằng Covid-19 làm cho quan hệ giữa các nước lớn xấu đi ở biển Đông, nhất là quan hệ cạnh tranh Mỹ – Trung. Trung Quốc đã lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để gia tăng nhịp độ hoạt động trên thực địa, mở rộng kiểm soát trên biển Đông và cố ý va chạm với nhiều nước. Các mục tiêu cơ bản của Trung Quốc ở biển Đông không thay đổi nhưng Bắc Kinh gần đây chủ trương thúc đẩy lập trường quan điểm của nước này trên khắp thế giới, gây nên phản ứng mạnh của chính phủ và người dân ở nhiều nước.

Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì các hoạt động quân sự và tự do hàng hải, song cứng rắn hơn trên mặt trận ngoại giao – pháp lý, phản đối trực diện yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông. Nhiều ý kiến cho rằng lập trường này phản ánh xu hướng chính sách chung của chính quyền Mỹ theo hướng ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc. Chính sách biển Đông của Mỹ về cơ bản đã định hình rõ nét dưới thời Tổng thống Donald Trump nên chính quyền sắp tới sẽ ít khả năng có điều chỉnh lớn về chiến lược. Riêng một số diễn giả châu Âu khẳng định việc Liên minh châu Âu (EU) quan tâm và hiện diện nhiều hơn ở châu Á nói chung và biển Đông nói riêng trong thời gian gần đây là vì muốn bảo vệ hệ thống luật pháp quốc tế, tự do thương mại và trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực.

Tránh nguy cơ đụng độ trên biển Đông - Ảnh 1.
Các học giả, đại biểu trao đổi tại hội thảo (Ảnh do ban tổ chức cung cấp)

Giảm thiểu rủi ro

Các học giả cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra đụng độ trên biển thời gian tới ngày càng lớn do cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng. Một số khuyến nghị đã được đưa ra cho các nước liên quan nhằm phòng tránh đụng độ, giảm thiểu rủi ro như: Nghiêm chỉnh tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, các nước gia nhập các điều ước, thỏa thuận quốc tế nhằm giảm thiểu rủi ro trên biển. Từ năm 2016, Trung Quốc và ASEAN đã ra tuyên bố chung về Quy tắc phòng tránh đụng độ trên biển (CUES). Tuy nhiên, đến nay CUES vẫn là bộ quy tắc tự nguyện và chỉ áp dụng cho các lực lượng hải quân. Do vậy, học giả Úc đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng CUES cho cả các lực lượng cảnh sát biển, chấp pháp dân sự trên biển.

Một vấn đề nóng bỏng được đề cập trong chủ đề phòng tránh đụng độ trên biển là dự luật Cảnh sát biển của Trung Quốc, trong đó có thể có quy định cho phép lực lượng chấp pháp biển Trung Quốc sử dụng vũ lực trong vùng biển nước này yêu sách. Dự luật này đã gây ra lo ngại nghiêm trọng không chỉ đối với các nước khu vực mà còn đối với các nước cùng sử dụng biển Đông, biển Hoa Đông. Lý do là việc Trung Quốc thực hiện dự luật sẽ đe dọa tính mạng và tài sản của ngư dân các nước, gây cản trở tự do hàng hải qua các khu vực biển kể trên.

Các học giả Trung Quốc giải thích rằng đây là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và cho rằng nước này luôn theo đuổi chính sách hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng trong vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, nhiều học giả Ấn Độ, Nhật Bản và Đông Nam Á tiếp tục bày tỏ sự lo ngại đối với dự luật do Trung Quốc không làm rõ khu vực biển áp dụng dự luật cũng như những tiêu chí cho phép cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ lực. Tuy một số nước ven biển cũng cho phép lực lượng cảnh sát biển sử dụng vũ khí trong một số tình huống nhất định nhưng dự luật của Trung Quốc gây lo ngại chính vì cách hành xử tùy tiện của nước này đối với ngư dân và tàu thuyền các nước như đã thấy trong thời gian qua.

Gian nan thúc đẩy hợp tác biển

Cho rằng vấn đề đánh bắt cá, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển và phát triển kinh tế biển bền vững cần được các nước quan tâm, các đại biểu cho biết họ gặp phải nhiều khó khăn khi đề xuất các dự án trên thực địa, đồng thời xuất hiện nhiều yếu tố nhạy cảm trong tiến trình hợp tác như vị trí địa lý, cơ chế tổ chức, tài chính và nhân sự, chồng chéo và phức tạp giữa các sáng kiến này… Các đại biểu đã đề xuất tìm kiếm biện pháp để đồng bộ hóa các sáng kiến này, kể cả việc xây dựng các cơ chế hợp tác biển đa phương của ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác để thúc đẩy hợp tác biển.

Dương Ngọc/NLD

Đọc nhiều