8
category
365579

Tranh luận trái chiều về đề xuất nghỉ học hết tháng 3

Quỳnh Quỳnh 21/02/2020 17:11

“Tuy việc phòng và chống dịch ở Việt Nam có vẻ khả quan nhưng thực tế tình hình ở Nhật và Hàn đã cho thấy dịch bệnh nCoV lần này lây lan quá nhanh, rất khó lường nên việc cảnh giác và thận trọng là cần thiết. Mình hoàn toàn ủng hộ đề xuất này của TP HCM”, một người dân ở Hà Nội nêu ý kiến. Tuy nhiên không phải ai cũng đồng tình với đề xuất này

Trong khi ý kiến phụ huynh phân tán trước đề xuất nghỉ học hết tháng 3 thì nhiều lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng “chưa cần thiết nghỉ”.

Sao phải nghỉ lâu như vậy?

Đây là thắc mắc của những bạn đọc không đồng tình với kiến nghị của UBND TP.HCM. Một số người cho rằng theo thông tin trên báo chí, cơ quan chức năng đã khẳng định kiểm soát được tình hình, những ngày gần đây không còn tình trạng virus corona lây lan trong cộng đồng nên việc kéo dài thời gian nghỉ của học sinh là không cần thiết.

Một số người cho rằng theo thông tin trên báo chí, cơ quan chức năng đã khẳng định kiểm soát được tình hình nên việc kéo dài thời gian nghỉ của học sinh là không cần thiết.

Thu Hằng(Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Không đồng tình. Giữa hai học kỳ mà nghỉ 3 tháng học sinh sẽ quên hết kiến thức học kỳ 1. Sau này ép các em học bù học dồn thì các em còn nhỏ, trí não các em không đủ khả năng hấp thu hết lượng kiến thức quá lớn dẫn đến quá tải, ức chế tâm lý, gây tiêu cực đến tâm thần các em. TP.HCM dám chọn giải pháp cho học sinh đến trường ngay ngày 1-3-2020 thì mới đáng khen, còn chọn giải pháp đóng cửa trường học đến đầu tháng 4 thì ai làm chả được. Hãy hỏi chính các em học sinh là các em muốn đi học hay muốn ở nhà?”

Tương tự, một bạn tên Thu dứt khoát: “Tôi không đồng tình. Dịch bệnh đã được kiểm soát thì nên cho học sinh học trở lại. Không nên quá cầu toàn như vậy”.

Đọc tin TP HCM kiến nghị Chính phủ cho học sinh nghỉ hết tháng 3, anh Lưu Đức Thiện (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lắc đầu thở dài. Anh hy vọng Chính phủ bác đề xuất của TP HCM và ngành giáo dục cho học sinh đi học trở lại từ đầu tháng 3, sau một tháng nghỉ phòng chống dịch viêm phổi corona (Covid-19). “Đến hôm nay, Việt Nam chỉ còn một bệnh nhân ở Vĩnh Phúc, 15 bệnh nhân khác đã khỏi và xuất viện. Tình hình dịch đã lắng xuống, chẳng có lý gì lại cho nghỉ tới một tháng nữa?”, anh Thiện nói.

Ông bố có hai con 11 và 2 tuổi phân tích, không cho học sinh đến trường, không tụ tập đông người không có nghĩa là phòng bệnh an toàn. Bởi nếu ở nhà, trẻ vẫn có khả năng tiếp xúc với người lạ ở khu phố, công viên. Chưa kể, nhiều vợ chồng trẻ nhờ ông bà, người giúp việc, những người ít kiến thức và kỹ năng phòng dịch, trông nom con cháu thì chưa chắc đã an toàn hơn là đi học.

“Nếu chờ dịch chấm dứt hoàn toàn mới cho học sinh đi học thì không biết đến bao giờ. Thay vào đó, hãy cho các cháu đến trường và siết chặt biện pháp phòng dịch”, anh Thiện nói. Ngành y tế và giáo dục có thể kiểm tra sức khỏe của tất cả học sinh ngày quay lại trường, theo dõi trường hợp bất thường và những người tiếp xúc với các cháu.

Cũng có con gái đang học lớp 12, chị Lê Tuyết Mai (42 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) cho rằng tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam rất khả quan, đầu tháng 3 học sinh trở lại trường là phù hợp. “Mẹ con tôi rất sốt ruột nếu kỳ nghỉ đến hết tháng 3. Con học không giỏi nên rất mong được đến trường, có thầy cô dạy, chữa bài và bạn bè giúp đỡ”, chị nói và cho hay đang chờ kế hoạch học bù, thời điểm diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhiều học sinh lớp 9 ở Hà Nội cũng nóng lòng được đi học trở lại, khi hôm qua UBND thành phố thông báo lịch thi vào lớp 10 từ 1/6. Phạm Hồng Khánh, học sinh một trường chất lượng cao ở Nam Từ Liêm, kể: “Cả nhà em như ngồi trên đống lửa khi xem kế hoạch thi vào lớp 10. Nghỉ phòng dịch ba tuần, thành phố phải lùi lịch thi tương ứng để chúng em còn ôn luyện chứ”.

Trong bối cảnh dịch bệnh ở Trung Quốc chưa được dập tắt, nguồn lây nhiễm vẫn còn phức tạp, nhiều người cho rằng việc lùi thời gian học là cần thiết.

Đi học nhỡ nhiễm bệnh thì sao?

Trong khi nhiều phụ huynh muốn con em quay trở lại trường từ đầu tháng 3, vợ chồng anh Triệu Quang Châu (Cầu Giấy, Hà Nội) lại ủng hộ cho nghỉ hết tháng 3. Con trai lớn học lớp 5, con trai nhỏ học lớp 1, sau hai tuần vợ chồng luân phiên xin nghỉ trong con, anh đã đưa cả hai về gửi ông bà nội ở Hà Tĩnh.

Nhiều người cho rằng tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt là nhờ thời gian qua đã thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn nguồn lây nhiễm, trong đó có cả việc ngưng cho học sinh đến trường. Trong bối cảnh dịch bệnh ở Trung Quốc chưa được dập tắt, nguồn lây nhiễm vẫn còn phức tạp, việc lùi thời gian học là cần thiết.

Thuỳ Linh (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Thầy cô giáo cũng có gia đình, con nhỏ. Nếu dịch bệnh chưa kiểm soát được, chẳng may, có em học sinh nào ủ bệnh, ai đền con cho họ? Rồi một lớp sẽ lan ra bao nhiêu gia đình? Bao gia đình sẽ là bao nhiêu cơ quan? Lùi thời gian kết thúc năm học là quá hợp lý. Đừng vì mình không sắp xếp việc con cái rồi đòi đi học khi chưa chắc chắn dịch bệnh đã hết”.

Phản hồi trước đề xuất của TP HCM, nhiều lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương cũng bày tỏ không đồng tình.

Theo thông báo của Bộ Y tế, đến hôm nay Việt Nam chỉ còn một bệnh nhân ở Vĩnh Phúc nhiễm nCoV đang điều trị cách ly. 15 bệnh nhân khác đã xuất viện, trong đó có cháu bé 3 tháng tuổi.Ông Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang cũng cho rằng, TP HCM với đặc thù riêng về quy mô dân số, đề xuất trên có thể hợp lý nhưng với địa phương này thì chưa cần thiết. Ông Oanh băn khoăn về việc lùi thời gian kỳ thi THPT quốc gia sẽ khiến mọi công tác sau kỳ thi bị lấn sang thời gian năm học mới.

Ngoài Việt Nam, Trung Quốc, Hong Kong cũng cho học sinh nghỉ kéo dài. Hong Kong nghỉ hết đến 16/3, Trung Quốc cho nghỉ đến khi có thông báo mới. Các nước khác như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ khoanh vùng, nhóm học sinh, sinh viên có nguy cơ, còn lại vẫn đi học.

Quỳnh Quỳnh

Tags :
Đọc nhiều