Tranh cãi về loại văn bản ‘made in Vietnam’
Doanh nghiệp vẫn băn khoăn về việc xác định nguồn gốc hàng hóa Việt Nam.
Ngày 25-9, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Đây là dự thảo được các doanh nghiệp và người dân quan tâm, nhất là sau khi một số doanh nghiệp bị tố bán hàng không rõ xuất xứ.
“Dự thảo thông tư có nhiều sạn”
Ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, cho biết hiện nay Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu.
“Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam”. Do đó, việc xây dựng thông tư quy định về vấn đề này là rất cần thiết” – ông Hải nhấn mạnh.
Thế nhưng đại diện Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế thuộc Bộ Tư pháp lại cho rằng dự thảo thông tư có nhiều sạn; đa số nội dung sao chép Nghị định 31/2018 quy định về xuất xứ hàng hóa theo Luật Ngoại thương.
Bộ Tư pháp dẫn chứng Điều 8 dự thảo thông tư về cơ bản giữ nội dung quy định tại Điều 7 Nghị định 31; ban soạn thảo chỉ sửa đổi kỹ thuật theo hướng thay thế cụm từ “nước”, “nhóm nước”, “vùng lãnh thổ” thành cụm từ “Việt Nam”.
Do đó, Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thông tư không quy định lại các nội dung đã được thể hiện tại Nghị định 31. Bên cạnh đó, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công Thương rà soát dự thảo thông tư để đảm bảo sự thống nhất trong cách sử dụng thuật ngữ.
Ngoài ra, theo Bộ Tư pháp, quy định tại khoản 1 Điều 14 dự thảo thông tư chưa rõ ràng. “Nếu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên thị trường Việt Nam có quyền không thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam thì có nghĩa là tổ chức, cá nhân này được thể hiện là hàng hóa của nước khác? Trong khi theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định số 43/2017 về nhãn hàng hóa thì xuất xứ hàng hóa là một nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa và việc ghi nhãn hàng hóa là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân” – đại diện Bộ Tư pháp đặt vấn đề.
Đặc biệt, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng nội dung của dự thảo thông tư chứa đựng những quy định về yêu cầu, tiêu chí để sản phẩm, hàng hóa được xác định là hàng hóa của Việt Nam. Nghĩa là chứa đựng những quy định về điều kiện kinh doanh. Trong khi đó, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, các điều kiện kinh doanh không thể ban hành dưới hình thức thông tư của bộ trưởng.
Từ những phân tích trên, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị: “Một hình thức văn bản như nghị định sẽ phù hợp hơn là thông tư”.
Có cùng băn khoăn, bà Trần Thị Thu Hương, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị ban soạn thảo cần bóc tách khái niệm xuất xứ Việt Nam, hàng hóa Việt Nam hay chế tạo, chế tác tại Việt Nam.
Một điều nữa được đại diện VCCI dẫn ra là nhà soạn thảo lại đưa ra quy định về xuất xứ cho sản phẩm, trong khi đáng ra chỉ cần xác định thế nào là hàng hóa Việt Nam. “Quy định về quy tắc xuất xứ trong dự thảo thông tư này rất tương đồng với quy định trong Nghị định 31/2018 và Thông tư 05/2018 về xuất xứ hàng hóa áp dụng cho hàng xuất, nhập khẩu” – bà Hương nói. Từ đó vị này đề xuất có cần thiết ban hành bản dự thảo này hay không, hay sửa đổi trong nghị định hoặc Thông tư 05 theo hướng mở rộng phạm vi hàng hóa.
Bộ Công Thương sợ bị tuýt còi
Phản hồi về các ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh lý giải: Nhóm soạn thảo cũng tính đến phương án thể hiện dưới hình thức nghị định nhưng không ổn. Theo ông Khánh, nghị định là văn bản hướng dẫn thi hành luật nhưng đến nay không có luật nào quy định về hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
“Nếu ban soạn thảo để hình thức nghị định thì sẽ dẫn đến một nghị định “không đầu”, như vậy đương nhiên Bộ Tư pháp sẽ tuýt còi”. Do đó, cơ quan soạn thảo để hình thức thông tư. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến, báo cáo lại Thủ tướng về hình thức văn bản” – ông Khánh nói.
Bên cạnh đó, theo ông Khánh, hàng hóa lưu thông trong nước khác với hàng xuất khẩu. Nếu lấy Thông tư 05 áp dụng cho hàng hóa trong nước có thể dẫn đến một số khúc mắc trong thực thi.
Về vấn đề sao chép, ông Khánh khẳng định không có chuyện ban soạn thảo sao chép Nghị định 43. “Chúng tôi làm dự thảo thông tư có sự độc lập với các thông tư, nghị định khác” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Lo bị tố bán hàng gian lận xuất xứ
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đã nêu ra một số vướng mắc trong việc xác định xuất xứ hàng hóa. Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho biết với mặt hàng sữa bột cho trẻ em, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cả sữa bột, vitamin nhưng công thức để phối trộn sữa dinh dưỡng phù hợp với trẻ em Việt Nam là chất xám của doanh nghiệp.
Thực tế, nhiều trường hợp nếu tính theo giá trị gia tăng chỉ đạt tỉ lệ 10%-20%, không đạt tỉ lệ sản xuất trong nước trên 30% như dự thảo quy định. Thế nhưng khâu sản xuất cuối cùng ở Việt Nam thì sẽ ghi xuất xứ như thế nào, nếu ghi xuất xứ New Zealand hay xuất xứ Mỹ có coi là gian lận hay không – ông Trung nêu thực tế.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh giải đáp: Sữa tươi thu được trên lãnh thổ Việt Nam và sản phẩm đó mới được gọi là sữa Việt Nam. Nếu sản phẩm sữa nhập khẩu chỉ có hàm lượng giá trị gia tăng ở Việt Nam dưới 30%, các doanh nghiệp thực hiện ghi xuất xứ theo Nghị định 43.
TRÀ PHƯƠNG