Thấy gì khi dư luận phản ứng việc ca sỹ Khánh Ly hát “Gia tài của mẹ”?
Những ngày gần đây, cộng đồng mạng ở Việt Nam đã có những tranh luận sôi nổi xoay quanh các phát ngôn của nữ ca sĩ Khánh Ly khi đề cập đến một số chi tiết trong một bộ phim về Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ đã gắn bó với bà trong cuộc đời làm nghệ thuật. Sau đó, nữ ca sĩ tiếp tục tạo nên những tranh cãi khác xoay quanh ca khúc “Gia tài của mẹ” trong đêm nhạc Trịnh tại Đà Lạt.
“Gia tài của mẹ” là một ca khúc được Trịnh Công Sơn sáng tác và đưa vào tuyển tập Ca khúc Da vàng, phát hành năm 1967. Khi có các phản ứng trái chiều xảy ra, thậm chí cơ quan chức năng phải vào cuộc, tức là ca khúc, phần trình diễn không đáp ứng được nhu cầu thị hiếu, không phù hợp hoàn cảnh nữa. Không phù hợp ở đâu thì ai cũng đã biết. Còn không đáp ứng thị hiếu ở chỗ, khán giả tại sân khấu Mây chủ yếu là khán giả trẻ, với những bài xưa cũ, không bắt kịp xu hướng hiện nay thì sẽ khó tiếp cận được. Điều này có thể là một bài học cho chính ca sỹ Khánh Ly khi chương trình ca nhạc “Như một lời chia tay” vẫn còn tiếp diễn.
Thiết nghĩ, nữ ca sỹ nên lựa chọn ca khúc kỹ lưỡng hơn, biểu diễn đúng như những gì đã đăng ký, được cấp phép, tránh lựa chọn bài hát có ngôn từ nhạy cảm, không phù hợp. Đặc biệt, với một ca sỹ hải ngoại từng có các phát ngôn công kích chính quyền như bà, sự kỹ lưỡng và chỉn chu càng trở nên cần thiết.
Qua vụ việc của Khánh Ly, có thể thấy phản ứng của công chúng chính là sự tự phản biện, tự kiểm tra của quần chúng trước các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Dư luận đã phản ánh sự việc trước khi cơ quan quản lý nắm được tình hình. Đây là một bước tiến, một sự phát triển khá tích cực của môi trường văn hóa ở Việt Nam.
Đăng Võ