86
topics
433006

Trân trọng tinh thần lắng nghe cử tri của Thường vụ Quốc hội

25/09/2020 05:38

Chắc chắn rằng tới đây, Quốc hội – nơi đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri sẽ có quyết định sáng suốt, hợp lý, hợp tình và hợp lòng dân.

Trân trọng tinh thần lắng nghe cử tri của Thường vụ Quốc hội - 1

Thời gian gần đây, với sự cởi mở của báo chí, phát triển mạnh mẽ của Intener cùng với trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, nhiều tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân đã được bày tỏ và trực tiếp đến với các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Trên tinh thần gần dân, của dân và tôn trọng nguyện vọng của nhân dân, nhiều ý kiến đã được lắng nghe để từ đó có những quyết định không chỉ đúng lý, đúng tình mà còn hợp lòng dân. Việc Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một ví dụ gần đây nhất.

Sau khi Dự án Luật này được trình UB Thường vụ Quốc hội, đã có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Cụ thể, chuyển công việc này từ ngành Giao thông sang ngành Công an thực hiện.

Ngay sau đó, trên một số cơ quan báo chí và mạng xã hội, nhiều ý kiến người dân bày tỏ ý kiến, cho rằng việc chuyển đổi này chưa thật phù hợp.

Trong 2 bài viết (“Những ngành nghề dân sự làm được, nên để dân sự làm!” và “Quản lý bằng lái xe, không phải cuộc “tranh giành làm luật”!), người viết bài này đã nêu quan điểm của mình như sau:

“Thứ nhất, tình hình an ninh trật tự ngày càng phức tạp. Các đối tượng gây án ngày càng tinh vi. Đặc biệt, công tác phòng chống tham nhũng đang cấp thiết. Vì vậy, nên để Bộ Công an tập trung cao độ cho lĩnh vực này.

Thứ hai, với mô hình hiện nay, ngành GTVT cấp, công an kiểm tra, giám sát, GTVT làm sai, tiêu cực, Công an xử lý, phạt, khởi tố. Nếu Công an cấp, ai giám sát, ai xử lý? Điều quan trọng là không nên để dư luận cho rằng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Thứ ba, với những việc “dễ”, không nguy hiểm, dân sự làm được thì nên để dân sự làm. Không nên để lực lượng vũ trang sa vào những công việc hành chính thông thường dân sự làm được và làm tốt”.

Hai bài báo trên đã nhận được hàng trăm ý kiến (comment) của bạn đọc gửi về tòa soạn.

Có ý kiến còn cho biết, năm 1995, cố Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Bùi Thiện Ngộ chủ trương chuyển một số lĩnh vực về cho dân sự mà cụ thể, là lĩnh vực quản lý giấy phép lái xe về Bộ Giao thông Vận tải. Ngày 7 tháng 5 năm 1998, Quốc hội ra Nghị quyết số 13/1998/NQ-QH10, theo đó Bộ Nội vụ chính thức đổi lại tên thành Bộ Công an.

Theo tôi, đây là quan điểm đúng, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ cách đây ¼ thế kỉ.

Một ý kiến cũng rất đáng suy nghĩ, đó là nếu bằng lái xe đường bộ chuyển về bên Công an quản lý thì có nên chuyển cả các lĩnh vực khác như bằng lái máy bay, lái tàu hỏa, lái tàu thủy cho thống nhất?…

Rất vui là những ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được Quốc hội lắng nghe.

Trong Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 48, tháng 9/2020 mới đây, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị:

“Về trách nhiệm quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe thuộc thẩm quyền phân công của Chính phủ. Tuy nhiên, cần có sự nghiên kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho người dân và cải cách thủ tục hành chính.

Đối với những vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau liên quan đến nội dung của cả hai dự thảo Luật, cần có phương án lấy ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội”.

Với đề xuất này, chắc rằng sự việc sẽ được quyết tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Xin trân trọng ghi nhận tinh thần lắng nghe ý kiến nhân dân của UB Thường vụ Quốc hội.

Chắc chắn rằng tới đây, Quốc hội – Nơi đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri sẽ có quyết định sáng suốt, hợp lý, hợp tình và hợp lòng dân.

Bùi Hoàng Tám/DT

Đọc nhiều