Trả lời câu hỏi “Thủ tướng và Chính phủ nên trở thành gì?”
Những ngày qua, để chuẩn bị cho “công cuộc” chống phá bầu cử tại Việt Nam, bên cạnh việc kích động, tuyên truyền chiêu trò “tự ứng cử đại biểu Quốc hội”, những kẻ chống phá còn tiến hành nhiều hoạt động kệch cỡm, lố bịch khác, như chiêu bài hạ bệ hình ảnh của những lãnh đạo được Quốc hội giới thiệu.
Ngày 16/3, trang mạng VOA Tiếng Việt và Tiếng Dân News đăng tải bài viết của đối tượng Trân Văn có tiêu đề “Thủ tướng và Chính phủ nên… trở thành gì?” lộng ngôn về câu chuyện xây dựng Bệnh viện Sản – Nhi Quảng Nam rằng: “Chính quyền tỉnh Quảng Nam nói riêng và chính phủ Việt Nam nói chung không biết thế nào là soạn – lập – thực hiện dự án, có tiền nhưng không biết phân bổ – sử dụng ra sao cho thật sự hiệu quả”, “hệ thống chính trị, hệ thống công quyền kém cỏi”. Không chỉ vậy, Trân Văn còn chĩa thẳng ngòi bút xuyên tạc rằng trên tư cách Đại biểu Quốc hội, Thủ tướng “gặp gỡ, tiếp với cử tri mà không cần biết cử tri nghĩ gì, không thèm nghe xem cử tri muốn gì, rõ ràng vừa… quá phận, vừa bất bình thường!”
Thực tế, đúng là chúng ta cần phải nhìn nhận việc xây dựng Bệnh viện Sản – Nhi Quảng Nam dù cơ sở hạ tầng đã cơ bản hoàn thiện, dù tỉnh có chủ trương đầu tư chuyên khoa sâu về sản, nhi nhưng hiện lại thiếu nhiều máy móc, thiết bị kỹ thuật; trang thiết bị cần thiết để đưa vào hoạt động khoa sản cũng chưa được đầu tư. Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Nam cùng Sở Y tế tỉnh và các đơn vị liên quan đã có nhiều cuộc họp để tìm hướng tháo gỡ cho những tồn tại nêu trên và tìm ra phương án giải quyết.
Nhưng vụ việc nêu trên không thể quy chụp rằng Chính phủ Việt Nam “không biết thế nào là soạn – lập – thực hiện dự án, có tiền nhưng không biết phân bổ – sử dụng ra sao cho thật sự hiệu quả”. Hãy nhìn về Khu Kinh tế (KKT) mở Chu Lai, sau 15 năm xây dựng và phát triển, các khu chức năng trong KKT đã được triển khai đồng bộ, hạ tầng giao thông kết nối với Quốc lộ 1, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, sân bay, cảng biển; hạ tầng các KCN đã được đầu tư, thu hút nhiều dự án lớn. Hiện nay, kinh tế trên địa bàn KKT mở Chu Lai chiếm tỉ trọng 56% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, thu ngân sách Nhà nước chiếm trên 75% tổng thu ngân sách, giải quyết việc làm trên 30.000 lao động, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trong KKT xuống dưới 3%.
Hay về ngành du lịch Quảng Nam, du lịch nơi đây đang phát triển mạnh mẽ, riêng năm 2019 đã đón 7,79 triệu lượt khách, doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch đạt 6.200 tỷ đồng, thu nhập xã hội đạt 14.570 tỷ đồng, đóng góp của du lịch vào GRDP tỉnh ước đạt 7,1%, “tiệm cận” dần với tiêu chí của ngành kinh tế mũi nhọn. Quảng Nam từ một tỉnh nghèo nhất, nhì của cả nước ở thời điểm chia tách (năm 1997), nay vươn lên top những tỉnh phát triển nhanh.
Xin thưa, Thủ tướng chính là dựa vào sự phát triển mạnh mẽ đó để yêu cầu và bày tỏ sự tin tưởng Quảng Nam sẽ trở thành cực tăng trưởng có sức lan tỏa về công nghiệp hiện đại, nông nghiệp thông minh, du lịch phát triển của khu vực Trung Trung bộ và Tây Nguyên chứ ở đâu? Tâm sự với những người dân quê mình, Thủ tướng từng bày tỏ xã nhà phát triển thì kinh tế mỗi gia đình phải khá, bởi một dân tộc tự cường phải tự lo cho bản thân mình chứ không trông chờ vào sự hỗ trợ bên ngoài…
Hơn nữa, lời lộng ngôn “Thủ tướng tiếp với cử tri mà không cần biết cử tri nghĩ gì, không thèm nghe xem cử tri muốn gì” xem như đã tự phơi bày sự thiển cận, kém tri thức của Trân Văn, chẳng hề biết đến những buổi gặp gỡ, tiếp xúc cử tri của Thủ tướng. Và hãy nhìn cách ông giãi bày về lần “lỡ hẹn” với bà con, cử tri Thành phố Hải Phòng. “Buổi tối hôm đó, tôi đã xuống Hải Phòng để sáng ngày mai tiếp xúc cử tri thì xảy ra mưa lũ lớn, có khả năng vỡ đê sông Hoàng Long, Ninh Bình. Rạng sáng hôm sau, tôi đã rời Hải Phòng để về Ninh Bình, thị sát tình hình, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai, không để xảy ra tình trạng vỡ đê. Rất may trời dừng mưa, còn chỉ mấy phân nữa có thể gây vỡ đê Hoàng Long. Lần đó, chúng tôi đã lỡ hẹn với bà con (cử tri Hải Phòng)”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh “cho nên tôi muốn nói ý thức trách nhiệm dù cán bộ cấp nào, khi được nhân dân bầu ra với tư cách là người đại biểu nhân dân thì phải thực hiện nghiêm túc pháp luật về lắng nghe tiếp xúc cử tri”.
Chừng đó thôi cũng đủ cái tâm của Thủ tướng ra sao, một người đứng đầu Chính phủ lỡ hẹn với cử tri của một tỉnh nhưng ông không hề quên, ông còn nhấn mạnh với tư cách là người Đại biểu đại diện Nhân dân thì phải thực hiện nghiêm túc pháp luật về lắng nghe tiếp xúc cử tri.
Có thể thấy vào những dịp có những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, như thời gian bầu cử Quốc hội, khi Quốc hội bầu các chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước… những kẻ chống phá luôn chú trọng chiêu bài làm mất uy tín cán bộ, gây rối nội bộ, phá hoại cuộc bầu cử và các kỳ họp của Quốc hội… Nhưng với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một người có tâm, có tầm, nặng lòng vì dân, vì nước thì những luận điệu xảo trá ấy sẽ không bao giờ qua mắt được nhân dân. Những gì ông làm cho dân, nhân dân đều hiểu rõ không đến lượt những kẻ ngồi tận trời Tây mà phán xét.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.