TQ xây sân bay hiện đại giữa rừng Campuchia: Điều gì đằng sau quy mô khổng lồ khác thường?

20/02/2020 12:34

Báo Khmer Times chỉ trích đồn đoán về một sân bay mới tại Campuchia thực chất là căn cứ của Trung Quốc – thông tin do trang News.com.au (Úc) đưa ra đầu tháng 2.

Đường băng chuyên dùng để hạ cánh máy bay quân sự?

Cụ thể, trang báo Úc cho biết sân bay đang xây dựng gần khu nghỉ mát bờ biển Dara Sakor thật ra là căn cứ không quân của Trung Quốc. Dự án nói trên sẽ là tiền đồn quân sự giúp quân đội Trung Quốc nâng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

TQ xây sân bay hiện đại giữa rừng Campuchia: Điều gì đằng sau quy mô khổng lồ khác thường?
Đường băng đang xây dựng tại sân bay quốc tế Dara Sakor của Campuchia nhìn từ trên cao. Nguồn: NYTimes.

Tuy nhiên, tờ Khmer Times (Campuchia) nhận định ảnh vệ tinh có độ phân giải cao mà The War Zone thu được lại không chứng minh cho suy đoán này. Tờ báo khẳng định hiện vẫn chưa có minh chứng cụ thể nào cho việc máy bay quân sự Trung Quốc sẽ sử dụng sân bay trên sau khi khánh thành.

Trước đó, trang báo Úc viết: “Các điểm quay đầu quá hẹp cho máy bay thương mại nhưng lại hết sức phù hợp cho máy bay chiến đấu. Còn lý do tại sao đường băng phải có chiều dài tới 3.400 m vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, đường băng này quá dài cho việc cất-hạ cánh, kể cả cho những hãng hàng không dân sự lớn nhất. Trong khi đó, khu vực xung quanh không có nhiều dân cư hay trung tâm công nghiệp. Sân bay này có quy mô khổng lồ so với nhu cầu của khu du lịch Koh Kong gần đó.”

Sau khi hoàn thành – dự kiến trong năm nay – sân bay quốc tế Dara Sakor ở tỉnh Koh Kong sẽ sở hữu đường băng dài nhất Campuchia. Ở khu vực lân cận, một cảng nước sâu cũng được xây dựng.

Công ty Trung Quốc phụ trách xây cảng và sân bay khẳng định các hạ tầng này hoàn toàn phục vụ mục đích dân sự. Dù vậy, quy mô của thỏa thuận giao đất tại Dara Sakor đã gây ra những lo ngại nhất định, đặc biệt khi một phần dự án mọc lên trong khu vực từng là rừng rậm hoang sơ ở miền tây nam Campuchia.

Khmer Times cáo buộc thông tin của báo Úc gồm nhiều giả định vô căn cứ và thiếu chính xác.

TQ xây sân bay hiện đại giữa rừng Campuchia: Điều gì đằng sau quy mô khổng lồ khác thường? - Ảnh 1.
Công nhân làm việc tại dự án xây dựng sân bay gần khu nghỉ dưỡng Dara Sakor, Campuchia (Ảnh: KT/Mai Vireak)

Theo tờ báo Campuchia, khoảng cách đường băng dài không phải là hiếm ở các sân bay, nhất là khi sân bay đặt tại vùng có nhiệt độ cao quanh năm. Thông tin về điểm quay đầu cũng không đúng do đây là khoảng cách khá rộng rãi cho bất cứ loại máy bay nào.

Sân bay quốc tế Princess Juliana tại vịnh Caribbean – nơi đón nhiều máy bay thương mại và máy bay chở hàng lớn nhất thế giới – là ví dụ điển hình vì cũng có kích thước điểm quay đầu tương tự.

Chính vì vậy, công trình đang xây dựng tại Campuchia phù hợp với nhiều loại máy bay: từ máy bay trực thăng, máy bay phản lực, máy bay cánh quạt cho tới các loại máy bay charter quốc tế loại lớn.

Ngoài ra, cơ sở này cũng không có khoang chứa hay cải tiến nhằm hỗ trợ một mục đích cụ thể nào. Khu vực đỗ máy bay lại khá nhỏ so với tiêu chuẩn sân bay quân sự của Trung Quốc. Bên cạnh đó, không có thay đổi an ninh nào cho thấy sân bay này có mục đích quân sự.

Thực tế, máy bay quân sự không chỉ cần căn cứ không quân mà còn đòi hỏi tàu vận chuyển hạng nặng. Vậy nên, suy đoán chỉ một sân bay hiện đại có thể phục vụ các tiêm kích là khá vô lý, đặt ra nghi vấn về nguồn tin của News.com.au – tờ Khmer Times kết luận.

Trung Quốc vẫn tìm kiếm mở rộng hiện diện quân sự ngoài lãnh thổ

Tờ này thừa nhận, có khả năng Trung Quốc “có điều gì đó” tại dự án sân bay kể trên, và rõ ràng Bắc Kinh đang tìm kiếm sự mở rộng hiện diện quân sự ở bên ngoài lãnh thổ của mình, trong khi hai nước đã có mối quan hệ đặc thù trong lĩnh vực này.

Khu nghỉ dưỡng Dara Sakor và nước sâu cảng lân cận là một phần đầu tư của Bắc Kinh tại Campuchia, trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường.

Tuy nhiên, dự án trên đồng thời cũng dễ dàng trở thành một sân bay hỗ trợ đáng kể cho ngành du lịch địa phương và các nghiệp vụ khác. Việc cho phép các hãng hàng không, chuyến bay thuê bao hay máy bay tư nhân lưu thông trực tiếp tới điểm đến xa xỉ được ho là sẽ mang tới ưu thế to lớn để phát triển thịnh vượng.

Khmer Times nhận xét, bất cứ sân bay thương mại nào cũng có thể sử dụng cho mục đích quân sự trong thời kỳ khủng hoảng. Nhưng nếu Trung Quốc biến các khoản đầu tư nước ngoài cho mục tiêu quân sự thì đó sẽ là hành động đi ngược lại triển vọng tương lai.

Bài báo kết luận: “Suy đoán ban đầu là một sự giả định vô căn cứ. Thời gian sẽ giải đáp cho thắc mắc liệu sân bay này có trở thành một căn cứ quân sự của Trung Quốc hay không.”

Tiểu Mã/SH

Đọc nhiều