TQ sẽ dùng S-400 Nga bắn hạ F-35 Mỹ hay tiêm kích Rafale của Ấn Độ?

15/09/2020 07:00

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc với Ấn Độ và Đài Loan gia tăng, một câu hỏi hóc búa được đặt ra là Bắc Kinh đã và sẽ triển khai các hệ thống tên lửa S-400 ở những đâu?

Ngoài Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến S-400. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc với Ấn Độ và Đài Loan gia tăng, một câu hỏi hóc búa được đặt ra là Bắc Kinh đã và sẽ triển khai S-400 ở những đâu?

Tên lửa S-400 của Trung Quốc

Một số chuyên gia tin rằng Quân đội Trung Quốc (PLA) có thể chọn cách triển khai S-400 ở Eo biển Đài Loan vì tại đây các hệ thống tên lửa này sẽ phát huy được tác động lớn nhất.

S-400 có khả năng tấn công tới 80 máy bay cùng một lúc, tức bằng khoảng 1/3 phi đội máy bay chiến đấu của Đài Loan. Dòng tên lửa này được đánh giá sẽ phát huy tốt tác dụng khi đối đầu với F-16 của Đài Bắc và thậm chí cả các các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 tiên tiến nhất của Mỹ.

Cũng có ý kiến cho rằng, một khu vực khác mà PLA có thể lựa chọn để triển khai tên lửa S-400 là những vị trí gần biên giới Ấn Độ, ở Đông Ladakh hoặc một nơi nào đó thuộc bên kia Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) phía Trung Quốc nhằm chống lại các mối đe dọa từ trên không của Không quân Ấn Độ ( IAF), đặc biệt là các máy bay phản lực Rafale mới.

Trung Quốc sẽ dùng S-400 Nga bắn hạ F-35 Mỹ hay tiêm kích Rafale của Ấn Độ? - Ảnh 1.
Tiêm kích phản lực Rafale của Không quân Ấn Độ. Ảnh: IAF

Theo suy đoán của giới truyền thông và một trong những nhà bình luận nổi tiếng nhất của Ấn Độ – Thiếu tướng GD Bakshi (đã nghỉ hưu) thì S-400 có thể đã được PLA triển khai dọc theo LAC. Tất nhiên, thông tin này chưa thể được xác nhận chính thức.

Tướng Bakshi nói rằng, Trung Quốc vẫn nhất quyết “không lùi một gang tấc nào” khỏi các vị trí ở Galwan và Pangong Tso của họ và PLA đã triển khai tới đây các tên lửa S-400 cực kỳ hiện đại.

Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc đã sở hữu một trong những kho tên lửa đất đối không lớn nhất thế giới, trong đó có cả các hệ thống S-400, S-300 do Nga chế tạo và các hệ thống do Bắc Kinh tự sản xuất trong nước.

Được xếp vào hạng tiên tiến nhất thế giới, S-400 của Nga là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa và tầm trung hiện đại nhất, chuyên dùng để phát hiện và tiêu diệt máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình và đạn đạo, và kể cả các mục tiêu trọng yếu dưới mặt đất.

S-400 là đối thủ của mọi máy bay chiến đấu, gồm cả tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 của Mỹ và máy bay phản lực Rafale của Ấn Độ.

Tuy nhiên, Không quân Ấn Độ (IAF) cũng đã phán đoán được các động thái của Trung Quốc và sẵn sàng đối diện với việc PLA triển khai S-300 và S-400 tới khu vực Ladakh kể từ tháng 5/2020.

Tờ ThePrint dẫn lời một nguồn tin quốc phòng Ấn Độ nói rằng IAF đã tính tới kịch bản phải đối phó với các hệ thống phòng không của Trung Quốc như S 400, S 300, LY 80 hay các hệ thống khác.

Bên cạnh việc tăng cường triển khai các hệ thống radar và tên lửa phòng không dọc theo LAC, Quân đội Ấn Độ còn có trong tay các máy bay chiến đấu Dassault Rafale mới biên chế cho Phi đội Số 17 của IAF và sẵn sàng điều động tới Ladakh nếu tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.

Tuy vậy, xét tới thực tế S-400 được Nga chế tạo chuyên để đối phó với các mục tiêu tàng hình và siêu thanh như F-35 nên một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể chỉ triển khai S-400 gần Đài Loan và sẽ sử dụng các hệ thống phòng không khác như HQ-9 để đối phó với Ấn Độ.

Ngọc Lan/TTT

Đọc nhiều